Xuyên rừng trên đảo
Từ trung tâm TP hoa phượng đỏ Hải Phòng cách Thủ đô Hà Nội khoảng 120km, chúng tôi tìm đường ra cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện. Đây là cây cầu vượt biển dài và hiện đại nhất Việt Nam, khánh thành năm 2017. Hành trình trên cầu vượt qua vùng biển xanh biếc và xuyên đảo Cát Hải, đưa chúng tôi thẳng đến bến phà Giót. Từ phà Giót, du khách có thể nhìn thấy rõ những mảng xanh bao la của thảm thực vật trên huyện đảo Cát Bà phía trước.
Đi phà cao tốc qua eo biển với mặt nước trong xanh, lặng sóng, chúng tôi cập bến Cái Viềng (thuộc huyện đảo Cát Bà). Còn với những du khách đi từ Quảng Ninh có thể đến bến Tuần Châu để bắt những chuyến tàu cao tốc với hành trình hơn 1 giờ 10 phút. Ngay từ bến phà Cái Viềng, chúng tôi và những du khách khác có thể dễ dàng bắt những chuyến taxi hay xe bus để về khu trung tâm huyện. Khách sạn, nhà nghỉ ở Cát Bà cũng bạt ngàn với đủ các mức giá cho du khách chọn lựa.
Sau một đêm ngủ lại giữa lòng huyện đảo xanh xinh đẹp, sáng hôm sau chúng tôi dậy thật sớm để bắt đầu hành trình khám phá của mình. Nếu muốn đi rừng giữa mùa hè, mọi người cần phải chuẩn bị quần áo dài tay chống nắng, mũ bảo hộ, khăn ướt, chống muỗi, vắt đến nước uống, nước tăng lực. Sau chuyến xe bus ngắn, mọi người bắt đầu dừng chân ở cổng chào Vườn quốc gia Cát Bà. Hành trình đi bộ xuyên vườn quốc gia dài hơn 10km nên đòi hỏi du khách phải có thể lực tốt.
Đoạn đầu tiên vào rừng hiện đã được cơ quan chức năng lát đá nên du khách di chuyển khá dễ dàng. Đi sâu vào phía trong, chúng tôi thấy những tán lá ken dày xuất hiện, chỉ để lọt vài tia nắng lấp lánh đầu ngày. Gió biển và bóng mát của tán cây khiến mọi du khách cảm thấy thoải mái, dễ chịu, kể cả nếu đi vào những ngày nắng gắt, oi bức. Càng đi vào sâu, đường mòn bắt đầu nhỏ lại và cần dùng sức để leo những đoạn dốc.
Đi khoảng hơn 4km, mọi người bắt gặp Ao Ếch với hệ sinh vật rất đặc biệt. Những cây cổ thụ lâu năm vươn lên từ khoảng nước trong xanh. Ở đây mọi người được cảnh báo phải chú ý an toàn, bởi loài rắn hổ mang vẫn thường xuyên xuất hiện ở các khu rậm rạp. Trong rừng, hệ sinh thái còn gần như nguyên vẹn, nên du khách thường xuyên nghe thấy tiếng chim hót, vượn hú.
Khi đi, mọi người phải chú ý các mũi tên đỏ chỉ đường được sơn trên đá nếu không sẽ rất dễ bị lạc. Chúng tôi đã mất một lúc loay hoay ở khu vực căn nhà sàn bỏ hoang nằm giữa vườn quốc gia vì không tìm thấy mũi tên màu đỏ. Đặc biệt, đoạn gần tới làng chài Việt Hải, du khách sẽ gặp con suối nhỏ với cây cầu tự nhiên từ 2 cái cây mọc vươn ra từ 2 bên bờ suối, tạo địa điểm cho mọi người nghỉ ngơi, rửa mặt…
Cung đường xuyên Vườn quốc gia Cát Bà, chúng tôi còn được khám phá nhiều hang động đẹp, hoang sơ như: động Hoa Cương, động Trung Trang, đặc biệt là hang Quân Y. Trèo qua chiếc thang tre, chúng tôi vào tới cửa hang Quân Y. Trong hang, cảm giác mát lạnh như những chiếc máy điều hòa khổng lồ ùa tới cơ thể. Mọi người đều khoan khoái để đi tiếp vào sâu bên trong.
Hang Quân Y là một bệnh viện dã chiến bí mật, đặc biệt của bộ đội trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm. Hiện nay trong hang vẫn còn những dấu tích từ đường hầm và những cánh cửa sắt được xây dựng kiên cố. Bệnh viện quân y dã chiến ở đây được chia thành 3 tầng với hệ thống chiếu sáng, phòng trực bác sĩ, bốt canh đầy đủ. Rời Hang Quân Y, chúng tôi bắt đầu hành trình leo lên đỉnh Ngự Lâm cao 331m so với mực nước biển, đây có thể được xem là nóc nhà của Vườn quốc gia Cát Bà. Từ đỉnh Ngự Lâm du khách sẽ nhìn được toàn cảnh vườn quốc gia với thảm thực vật xanh mát, bao la.
Buổi chiều đến, chúng tôi cùng nhau ra tắm ở bãi Cát Cò 1, 2 và 3. Nếu có thời gian, du khách có thể thuê thuyền kayak tự chèo khám phá vẻ đẹp của vịnh biển Lan Hạ, các hòn đảo xinh đẹp và cuộc sống ngư dân ở làng chài Cái Bèo…
Dấu tích lịch sử
Ngày thứ 2 trong hành trình khám phá Cát Bà, chúng tôi tới Pháo đài thần công. Đây là một di tích lịch sử, đồng thời cũng là điểm ngắm cảnh biển lý tưởng với du khách. Pháo đài thần công nằm trên một quả đồi ngay gần Trung tâm huyện Cát Bà. Sau khi bắt xe máy và đi bộ một đoạn, chúng tôi đến được vị trí đặt những khẩu thần công hay còn gọi là cao điểm 177. Con số 177 chính là độ cao của vị trí này so với mực nước biển.
Đây là vị trí chiến lược có vai trò trọng yếu tại cửa ngõ biển Đông, đồng thời là nhân chứng lịch sử của 2 cuộc chiến tranh ác liệt chống giặc ngoại xâm. Nơi đây đã diễn ra trận đấu pháo nảy lửa đầu tiên của quân dân ta và tàu chiến Pháp, làm nên những chiến công oanh liệt, giữ gìn vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc.
Công trình quân sự ấn tượng của tuyến phòng thủ Cát Bà này còn lưu lại nhiều chứng tích lịch sử như 2 khẩu pháo thần công đối hải cỡ lớn; hệ thống đài quan sát, hầm hào công sự được xây dựng từ năm 1942. Cùng đó là các đoạn đường hầm khổng lồ với mái vòm đi sâu vào lòng núi, không gian lớn để cả đoàn người xuyên qua; dẫn thẳng đến khu quản lý và boong-ke xây bằng khối bê tông rắn chắc. Những công trình này gần như còn nguyên vẹn dù đã trải qua chiến tranh và thời gian.
Đứng từ trên Pháo đài thần công, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh vịnh Lan Hạ với hàng trăm hòn đảo và những làng chài của ngư dân nhấp nhô trên mặt biển. Từ đây, vào những ngày trong trời, chúng ta cũng có thể nhìn thấy ngọn hải đăng Long Châu sừng sững bên biển.