Trong phiên họp thường kỳ tháng 12, Chính phủ đã họp bàn về Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản.
Cụ thể, đối với Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm rõ phạm vi xử lý nợ xấu, nêu rõ và phân tích các phương án xử lý có tính khả thi, phù hợp tình hình trực tế trong nước và có tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Xác định rõ những nguyên tắc, chủ trương cần xin ý kiến; cơ chế, chính sách cần triển khai thực hiện và thẩm quyền quyết định.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẩn trương xây dựng Nghị định về công ty quản lý tải sản, trình Chính phủ xem xét ban hành.
Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được Chính phủ công bố tại Hội nghị đối thoại trực tuyến với các địa phương ngày 25-12, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản…để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại hình nợ xấu.
Trong tháng 1, Chính phủ cũng sẽ ký ban hành Nghị quyết về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Trong tháng 1-2013, Ngân hàng Nhà nước phải hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản Việt Nam.
Bên lề Hội nghị này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, đề án thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia đã được hoàn thiện, nếu được thông qua, có thể giải quyết được khoảng trên 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp để các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu qua nguồn trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến trong năm 2013 có thể giải quyết được 40 - 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình lên Chính phủ giải pháp giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong hệ thống ngân hàng, theo hướng từ nay đến 2015, mỗi năm xử lý được 30% khoản nợ này, tương đương khoảng khoảng 30 nghìn tỷ đồng, Thống đốc cho hay.
Ngoài ra, trong phiên họp tháng 12, Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình, nhằm thu hút dự án xử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít năng lượng, có giá trị gia tăng và giá trị kinh tế - xã hội cao, bảo đảm môi trường đầu tư của nước ta không kém hấp dẫn hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.