Dù bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, song vẫn có không ít DN Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn tầm ra khu vực và trên thế giới để rồi cùng nhau đưa Việt Nam trở thành một con rồng châu Á thực sự. Nội lực DN Việc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sữa bột trẻ em tại Khu công nghiệp VSIP (Bình Dương) đã trở thành sự kiện đáng chú ý trong những ngày cuối tháng 4 này. Với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), đây được xem là nhà máy lớn và hiện đại bậc nhất châu Á. Đặc biệt, công nghệ sấy đa tầng với 2 tháp sấy khổng lồ có đường kính 13,6m, cao 32m được xem là công nghệ tiên tiến nhất của khu vực tính đến thời điểm này. Ngoài ra, hiện Vinamilk đang chuẩn bị đưa vào hoạt động một nhà máy sữa nước cũng được đầu tư với số vốn tương đương nhà máy sữa bột trẻ em. Điều đáng chú ý, tổng vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD cho 2 nhà máy hoàn toàn là nguồn vốn của công ty. Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vinamilk, không giấu tham vọng đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017 và đưa Vinamilk gia nhập nhóm 50 DN sữa lớn nhất thế giới. Còn nhớ năm 2010, Vinamilk là DN Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách 200 DN xuất sắc nhất châu Á do tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) bình chọn. Vinamilk dường như đang đứng ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế. Vinamilk là 1 trong 200 DN xuất sắc nhất châu Á. Ảnh: CAO THĂNG Cũng trong tháng 4 này, một thông tin gây chú ý không kém là việc Ngân hàng cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) lọt vào danh sách Global 2.000 (bảng xếp hạng 2.000 công ty lớn nhất thế giới) do tạp chí Forbes công bố. Đây là lần đầu tiên một DN Việt Nam lọt vào danh sách này. VietinBank xếp hạng thứ 1.764, với doanh thu đạt 2,6 tỷ USD, lợi nhuận 0,3 tỷ USD, giá trị tài sản 24,2 tỷ USD và giá trị vốn hóa thị trường là 2,4 tỷ USD, theo báo cáo đánh giá của Forbes. Những minh chứng này cho thấy nội lực thực sự của không ít DN Việt Nam. Bởi nếu không có cái gốc vững chắc thì DN không thể vượt qua được cơn bão kinh tế lớn như thời gian vừa qua. Khó khăn của nền kinh tế khiến sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, song không ít nhà bán lẻ Việt Nam vẫn nằm trong top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á. DN Việt Nam đang lớn lên từng ngày, tri thức Việt đang được thế giới công nhận. Minh chứng rõ nét cho điều này chính là việc phần mềm diệt virus Bkav trở thành 1 trong 3 phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới. Khát khao làm mới mình, chinh phục những đỉnh cao mới luôn tiềm ẩn trong mỗi DN Việt Nam. Từ những câu chuyện nhỏ như chiếc bút bi đến tham vọng trở thành tập đoàn văn phòng phẩm lớn thứ 5 khu vực Đông Nam Á của Thiên Long. Hay mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất, bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á của PNJ đều là những khát khao đáng trân trọng. Và mong một ngày không xa, sẽ có những thương hiệu mà khi nhắc đến thế giới sẽ biết ngay đó là của Việt Nam, giống như khi nhắc đến thương hiệu Toshiba là nhắc đến Nhật Bản hay Samsung, LG là của Hàn Quốc. Tất nhiên, đằng sau thành công của một DN không thể thiếu đi sự thông minh, táo bạo, quyết đoán của những nhà lãnh đạo. Trí lực doanh nhân Ngày 12-3-2013, trong danh sách 199 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu có 2 cái tên của Việt Nam được vinh danh là ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (IRED), và bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup. Lãnh đạo trẻ toàn cầu (YGL) là giải thưởng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bình chọn và trao tặng hàng năm cho các cá nhân dưới 40 tuổi có đóng góp lớn cho lĩnh vực chuyên môn và xã hội. Cùng thời điểm này, tạp chí Forbes cũng công bố bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á, trong đó có 2 nữ doanh nhân Việt Nam là bà Mai Kiều Liên và bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang. Với bà Liên, đây đã là lần thứ 2 lọt vào danh sách của Forbes, năm 2012 bà là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á. Forbes đã đưa ra những nhận định của mình về những nữ doanh nhân tài ba này: “Bà Phạm Thị Việt Nga gia nhập Dược Hậu Giang vào năm 1988. Kể từ đó, bà đã đưa công ty này từ chỗ là một tập hợp những xí nghiệp nhỏ, làm ăn yếu kém, ngấp nghé bờ vực phá sản, trở thành một trong những công ty dược phẩm được niêm yết lớn nhất ở Việt Nam”. Có thể thấy tài năng của những doanh nhân Việt Nam đã được biết đến và công nhận không chỉ trong nước mà đã vươn ra tầm khu vực và thế giới. Những giải thưởng họ có được hôm nay không chỉ mang lại vinh dự, sự khẳng định tiềm năng sức mạnh cho riêng họ, DN họ mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam. Bởi sức mạnh DN chính là hàn thử biểu cho nền kinh tế. Quý I-2013 đã trôi qua, những khó khăn vẫn còn phía trước, nhưng chính những thành công của các DN, doanh nhân này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các DN khác. Khát vọng của từng DN khi góp chung lại sẽ tạo nên khát vọng của đất nước Việt Nam muốn vươn mình trở thành một con rồng châu Á thực sự.
