(ĐTTCO) - Cà phê là một thức uống được tiêu thụ rộng rãi khắp thế giới, với hơn 2,25 tỷ tách mỗi ngày. Cà phê mang lại giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 ở các nước đang phát triển. Nhưng nguồn cung cà phê toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.
Báo cáo "Sự thay đổi khí hậu nguy cơ đối với cà phê" của Viện Nghiên cứu Khí hậu, trụ sở ở Sydney, Australia, công bố cuối tháng 8 cho thấy, nhiệt độ toàn cầu gia tăng sẽ làm giảm 1/2 diện tích trồng cà phê thế giới vào năm 2050 và tác động sinh kế của hơn 120 triệu người nghèo nhất thế giới phụ thuộc nền kinh tế cà phê, trong đó có 25 triệu nông dân trồng cà phê. Ở Tanzania, nơi sinh kế của 2,4 triệu người phụ thuộc cà phê, nhiệt độ tối thiểu ở các nông trại cà phê cứ tăng 1oC là làm giảm năng suất khoảng 137kg/ha, nhìn chung năng suất đã giảm 50% kể từ những năm 1960. Ở Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, hạn hán đã làm giảm sản lượng cà phê khoảng 30% trong năm 2014 ở Minas Gerais, một vùng chính trồng cà phê. Nhiệt độ quá cao và mưa lớn bất thường ở các vùng cao nguyên trồng cà phê đã gây dịch hại và bệnh tật tốn kém cho các nông trại cà phê. Trong năm 2012, bệnh rỉ lá lây lan 1/2 diện tích trồng cà phê ở khắp Trung Mỹ, làm một số nhà sản xuất ở Guatemala bị mất mùa đến 85%. Trong năm 2012-2013, thiệt hại ở Trung Mỹ lên tới khoảng 500 triệu USD và làm 350.000 người mất việc.
![]() |
Nguồn cung cà phê toàn cầu đang bị đe dọa nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. |
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu sẽ tác động người trồng cà phê tùy khu vực trong các thập niên tới. Nicaragua có thể bị mất phần lớn các vùng trồng cà phê vào năm 2050. Tanzania có sản lượng cà phê được dự báo giảm xuống "mức thấp nghiêm trọng" vào năm 2060. Đến năm 2080, cà phê hoang dã, vốn có vai trò quan trọng trong đa dạng di truyền cà phê trồng, có thể sẽ tuyệt chủng. Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Khí hậu John Connor cho biết: "Các công ty cà phê như Starbucks và Lavazza, cũng như Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), đã thừa nhận mức độ rủi ro nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Người tiêu thụ cà phê sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng hương vị và làm giá cả leo thang".
Trong khi đó, Mario Cerutti, đại diện của Lavazza, cho biết trong một hội nghị ngành cà phê: "Biến đổi khí hậu có thể tác động rất bất lợi với cà phê trong ngắn hạn. Đó không còn là chuyện tương lai mà là ngay trong hiện tại". Jim Hanna, giám đốc các vấn đề môi trường tại Starbucks cho biết từ 5 năm trước: "Biến đổi khí hậu là nguy cơ đáng kể cho chuỗi cung ứng của chúng tôi. Nếu ngồi đợi đến khi biến đổi khí hậu nghiêm trọng đến mức tác động chuỗi cung ứng sẽ đặt chúng tôi vào một nguy cơ lớn hơn nữa. Từ góc độ kinh doanh, chúng tôi phải giải quyết vấn đề này ngay bây giờ, và lộ trình 5 năm, 10 năm, 20 năm".
Đến 80-90% số người trồng cà phê là hộ nông dân nhỏ và nghèo, nên khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu rất hạn chế. Để thích ứng, nông dân trồng cà phê có thể chuyển sang những vùng cao hơn hoặc xa đường xích đạo. Nhưng chuyển sang các vùng cao hơn không phải lúc nào cũng có thể và đặc biệt khó khăn với các hộ nông dân nhỏ. Cây cà phê phải mất vài năm mới có thể thu hoạch và thường không thể thiếu sự hỗ trợ. Các chiến lược khác liên quan phát triển hệ thống sản xuất linh hoạt hơn và đa dạng hóa cây trồng cũng đòi hỏi sự hỗ trợ. Connor của Viện Nghiên cứu Khí hậu nói: "Có những điều người uống cà phê chúng ta có thể làm để hỗ trợ, bằng cách chỉ tiêu thụ những thương hiệu cung cấp sự công bằng cho nông dân và cộng đồng của họ xây dựng năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu".