Phiên cuối tuần ngày 10-11 là dẫn chứng thuyết phục khi giá trị mua ròng của NĐTNN tại HOSE đạt hơn 1.188 tỷ đồng, còn VN Index tăng 7,81 điểm lên mốc 868,21 điểm. 12 phiên trước đây, VN Index chỉ mới ở ngưỡng 840 điểm và sau đợt mua ròng của khối ngoại, chỉ số này hiện đã đạt 868 điểm.
Lực mua của khối ngoại rõ ràng có những tác động tích cực đến xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên, đừng vội cho rằng khối ngoại mua vào sẽ khiến thị trường tăng và ngược lại nếu bán ròng thị trường sẽ giảm. Nếu giải mã kỹ hơn động thái của nhóm NĐTNN sẽ tìm thấy 3 điểm đáng lưu ý:
Thứ nhất, khối ngoại mua nhiều đi kèm với hoạt động bán nhiều, như phiên 10-11, NĐTNN dù mua gần 1.860 tỷ đồng nhưng đồng thời cũng bán ra hơn 670 tỷ đồng. Giá trị bán của khối ngoại so sánh với những phiên thông thường không phải là ít, và nếu lượng mua không lớn cũng có thể gây ra những áp lực nhất định cho thị trường.
Thực tế trong phiên này, dù VN Index tăng điểm nhưng phạm vi tăng cũng chỉ bó hẹp trong một số CP trụ cột. Đầu tàu của phiên chính là VNM khi CP này tăng trần từ gần 163.000 đồng/CP lên gần 174.000 đồng/CP. Nếu theo dõi đồ thị giá của VNM trong những ngày gần đây, nhiều người sẽ không khỏi choáng váng khi chỉ trong thời gian rất ngắn CP này từ mức 148.000 đồng/CP đã tăng lên 174.000 đồng/CP, xấp xỉ 18%, không thua kém bất kỳ CP nóng nào khác trên thị trường.
Tuy nhiên, một loạt CP vốn hóa lớn khác như VCB lại đứng giá, FPT, MWG giảm giá và động thái của khối ngoại tại nhóm CP này cũng thấy nhiều điểm khác nhau. Theo đó, nếu khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh VCB với khoảng 600.000 CP trong phiên này, MWG và FPT lại không có giao dịch nhiều. Vì vậy, nếu để theo được dòng tiền của khối ngoại, cần lựa chọn những CP phù hợp, có khả hút vốn lớn và thanh khoản cao như ngân hàng, tài chính… nhưng dòng tiền thường dịch chuyển khá bất thường và khó đoán.
CP VNM tăng trần từ gần 163.000 đồng/CP lên gần 174.000 đồng/CP.
Thứ hai, hoạt động thay đổi cơ cấu danh mục diễn ra liên tục đối với khối ngoại. Đầu tháng 11, Mekong Enterprise đã bán ra 3 triệu CP MWG cho các quỹ ngoại khác. Sắp tới đây, PYN Elite dự tính bán ra MWG. Việc bán ra của các quỹ ngoại không chỉ nhằm ở mục tiêu chốt lời hay cơ cấu đầu tư, mà đôi khi có những khoản đầu tư đã tăng vượt quá quy mô và điều kiện của quỹ.
Chẳng hạn, một số quỹ quy định mỗi CP có tỷ trọng không được vượt quá 20% tổng danh mục, khi CP tăng giá mạnh dẫn đến vượt tỷ lệ này, việc bán ra sẽ được thực thi. Trong điều kiện TTCK Việt Nam được nhìn nhận còn nhiều thuận lợi và điều kiện phát triển, hoạt động mua bán của khối ngoại sẽ nhộn nhịp hơn nữa. Nếu khối ngoại có thể mua ròng trong xu hướng tăng của thị trường, giá CP sẽ được hưởng lợi.
Nhưng theo chiều ngược lại, nếu khối ngoại mua ròng mà thị trường trong giai đoạn tích lũy, kỳ vọng có lãi, hay CP tăng giá không đơn giản. Vẫn có những phiên khối ngoại mua ròng nhưng chỉ chấp nhận “xuống tiền” ở vùng giá thấp, và giá CP không tăng trong một số phiên. Khối ngoại khi đã quyết tâm mua và có lộ trình, việc CP tăng giá trong ngắn hạn và khối này phải mua giá cao là bình thường.
Thứ ba, kể từ nay đến hết tháng 11, khi thị trường không có những thông tin đến từ doanh nghiệp, hoặc ngành nghề, động thái của khối ngoại có thể tác động đáng kể đến diễn biến của VN Index trong ngắn hạn. Nếu những tín hiệu vĩ mô tiếp tục được duy trì, kỳ vọng của NĐNN tiếp tục được cải thiện, cũng như kỳ vọng bước sang năm 2018 tích cực, khối ngoại có thể duy trì mua ròng trong những phiên sắp tới.
Tuy nhiên, 6 phiên tăng liên tiếp của VN Index từ 840 điểm lên 868 điểm ít nhiều cho thấy một giai đoạn tăng mạnh của thị trường và như những thông lệ trước đó, sẽ diễn ra một số thời điểm tích lũy. Lúc này, từ trạng thái mua theo sóng, khối ngoại có thể chuyển sang mua tích lũy, giá CP có thể đi ngang, điều chỉnh ngắn hạn, nhưng nếu có kỳ vọng tốt, việc phục hồi mạnh là khả thi.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ sẽ xuất hiện vài phiên động thái bán ròng xuất hiện, nhưng tác động có lẽ không lớn khi mục tiêu nhắm đến cũng chỉ là chốt lãi và đảo danh mục.