Khi lòng tốt bị lợi dụng - Xin chỉ để... bán

(ĐTTCO) - Theo chân một nhóm phát quà từ thiện đêm, tại những khu vực như cầu vượt Cây Gõ, đường Tháp Mười (khu Chợ Lớn), chúng tôi được chị Trần Thị Thúy Vân (thành viên nhóm từ thiện Trái tim đồng cảm) cảnh báo: “Mấy chỗ này dừng xe là bị giật liền, không cần biết có phải là xe phát quà từ thiện hay không. Đeo túi xách hay để điện thoại sơ hở trong túi áo cũng bị giật luôn đó, nhiều nhóm bị lắm rồi”.

Ẩu đả xảy ra như cơm bữa

Đúng như lời chị Vân cảnh báo, tại khu vực cầu vượt Cây Gõ, một nhóm người tụ tập khá đông, phía bên này hơn 30 người, bên kia (hướng về đường Minh Phụng, quận 6) gần chục người. Ai nấy đem sẵn chiếu để ngồi và nước uống, không chỉ người lớn tuổi, trẻ con mà cả thanh niên, hễ có xe máy nào sắp dừng lại, nhóm người nhốn nháo: “Phát quà từ thiện vô đây nè”.

Nhóm “ăn xin chuyên nghiệp” tụ tập chờ quà từ thiện ở khu vực cầu vượt Cây Gõ. Ảnh: KIM LOAN

Nhóm “ăn xin chuyên nghiệp” tụ tập chờ quà từ thiện ở khu vực cầu vượt Cây Gõ. Ảnh: KIM LOAN

Tại khu vực này, nhóm người tụ tập dường như chia thành “2 phái”, nhóm ngồi bên này (phía đường 3 Tháng 2) và nhóm ngồi bên kia (phía đường Minh Phụng). Nhóm phát từ thiện đi từ hướng nào thì nhóm đó coi như “được bữa”, nhóm còn lại cố chạy qua giành thật nhanh rồi rút, chuyện cãi vã, ẩu đả xảy ra như cơm bữa.

3 chiếc xe chở quà từ thiện gồm cháo và một ít bánh ngọt dừng lại chân cầu phía bên đường Minh Phụng, lập tức nhóm người bên kia chạy nhanh qua để giành giật. 3 người cầm lái ngồi im trên xe mặc cho nhóm người giành giật, một người phụ nữ xuống xe cầm điện thoại livestream lên mạng xã hội, giữa nhóm đang la lối, giành giật, tiếng trẻ con chen lấn rồi khóc thét lên. Người phụ nữ tay bế con và dắt theo một đứa nhỏ, chỉ giật được 1 phần, đứa nhỏ bị xô té, lớn tiếng văng tục. Một thanh niên hùng hổ bước lại: “Muốn gì, xe ghé bên nào thì bên đó xí phần”. Cả nhóm người can ngăn, rồi ai nấy về vị trí cũ, nhưng tiếng văng tục qua lại vẫn chưa ngừng.

Tại đường Tháp Mười (khu vực Chợ Lớn) nghe lớn tiếng, chúng tôi dừng lại, một người đàn ông đang thách thức nhóm người bên kia đường. Hai ba người phụ nữ can ngăn, kéo lại nhưng người đàn ông này vẫn hậm hực, chửi bới liên tục. Nhóm từ thiện vừa phát bánh bao cũng “xanh mặt” vọt xe đi nhanh; một thành viên trong nhóm tên Hưng nói lẹ với tôi: “Thôi đi đi, mấy vụ này không dám can đâu. Nhóm tui vừa phát, họ giành giật rồi gây lộn vậy đó. Lúc bạn chưa tới là ông này bạt tai ông áo đỏ bên kia rồi”.

Tiếp tục di chuyển, chúng tôi quan sát tại cầu Chữ Y (đoạn nối quận 5 và quận 8), nhóm bạn trẻ mang theo một túi đựng nhiều cơm hộp, trao cho từng người; các nhóm người hai bên cầu liền lao thẳng tới, bất chấp nguy hiểm xe cộ đang chạy, ai nấy cũng cố gắng giành giật từng món đồ, với tâm lý lấy được càng nhiều càng tốt.  

Thấy khung cảnh náo loạn ngay trên cầu gây mất an toàn cho người đi đường, một thành viên trong nhóm từ thiện liền trấn an: “Các cô chú cứ bình tĩnh, ngồi xuống trật tự, mỗi người một phần, cứ yên tâm ai cũng có quà hết”. Một trong những người ăn xin rên rỉ, năn nỉ thêm: “Chị ơi, tui chưa có, cho tui xin hai phần được không, còn mấy đứa cháu nhỏ nữa”. Nghe lời van xin, nhóm bạn trẻ không nỡ bỏ đi, liền lấy quà để cho thêm.

Chưa đầy 20 giây, số quà từ thiện đã được nhóm người giành giật lấy hết. Nhiều người vừa lấy quà xong liền nhanh chóng bỏ ngay vào giỏ xách, tiếp tục ngồi bệt xuống bên lề đường, tiếp tục vẻ mặt đáng thương, sầu não để nhận quà từ những nhóm khác.

Sau nhiều ngày vòng đi vòng lại trên những tuyến đường tập trung nhiều người đi xin, họ đều có chung một lời giới thiệu với chúng tôi: “Tụi tui nghèo lắm, không nhà cửa, sống lang thang ở đây nhờ quà từ thiện thôi”.

Nhưng khi đồng hồ đã điểm hơn 12 giờ đêm, ai nấy thu dọn dần những túi quà, xếp chiếu lại và bắt đầu rẽ vào những con hẻm nhỏ. Có người đẩy xe ve chai, chạy xe đạp về nhà.

Mất hai ngày làm quen và cho chút quà, chú K. (56 tuổi) ngồi ngay cầu vượt Cây Gõ mới rỉ tai với tôi: “Ngồi đây thì đa phần là dân ve chai, xe ôm, như tui cũng đi lụm bìa giấy, lon bia; còn đám thanh niên kia thì ai kêu đâu mần đó, tối ra đây ngồi chờ đồ từ thiện kiếm thêm. Mấy bà kia cũng vậy, ngồi kiếm thêm thôi, cái thì ăn, còn mì hay gạo thì bán lại, dắt theo con nhỏ người ta thấy thương thì cho thêm sữa, hoặc tiền, đa phần ở trọ không à”. Dứt lời người đàn ông đẩy xe ve chai lỉnh kỉnh lon bia, cùng hai túi quà từ thiện về phía quận 6, ngoái lại dặn tôi: “Nói nghe thôi nha, đừng nói lại tụi nó biết nó chửi tui chết”. 

Có hẳn đường dây tiêu thụ

Tình thương từ những người làm từ thiện trao gửi, nhưng người nhận lại thẳng tay hất đi. Những phần quà từ thiện tới tay người nhận cũng có hẳn một đường đi, thậm chí hộp cơm, hộp cháo cũng được đem đi bán lại. “Không xài thì bán chứ để làm gì”, người đàn ông tên Hai Râu (ngồi xin ở cầu Chữ Y) quát thẳng vào mặt, khi thấy chúng tôi thắc mắc chuyện đem quà từ thiện đi bán. 

Tại cầu Ông Lãnh, cầm túi quà vừa mua hơn 70.000 đồng, tôi đi bộ từ hướng quận 1 qua quận 4 để hỏi thăm chỗ bán lại. Cô L. (ngồi xin trên cầu Ông Lãnh) nói khẽ: “Tôi cũng xin chứ không có tiền mua lại đâu, muốn bán thì xuống dưới chân cầu hỏi bà N., bả chuyên mua lại đó”.

Trước khi gặp được bà “trùm” thu mua tên N., biết tôi có ý định bán đồ, chị Q. ngồi xin trên cầu cùng 2 đứa con nhỏ, vọt miệng: “Hai chục ngàn, tao mua cho lẹ”. Tôi lắc đầu, chị Q. nói gọn: “Giá chót ba chục, tao đưa tiền liền”.

Tôi ngồi bệt xuống chỗ 3 mẹ con chị Q., cố nài nỉ thêm chút đỉnh, chị Q. rỉ tai: “Nhìn mặt mày xanh xao, ốm yếu nên tao mua dùm ba chục để mày có tiền về quê cho lẹ. Tao mua rồi cũng chờ bà N. ra bán lại, chứ ở đây dân đi xin không, làm gì có tiền mua”.

Tỏ vẻ lo lắng không bán được túi quà, tôi hỏi tiếp: “Bà N. ngày nào cũng ra đây mua hả chị, bữa nay bà N. có ra không chị?”.

“Bả đi gom mấy chỗ lận mày ơi, qua cầu Chữ Y, mấy chỗ nữa rồi mới tới đây. Mà bả mua cũng ép giá lắm, mua đi rồi cũng bán lại nên đâu có cao giá. Lốc sữa trong bịch đồ của mày, bả mua lại cũng hơn 10.000 đồng thôi”.

Ngồi chờ hơn 15 phút, bà N. tới, dòm mặt tôi rồi nói ngay: “Dân lạ mới tới đây lần đầu hả, bốn chục bán không?”.

Tôi lắc đầu, trả giá thêm: “Năm chục cho con thêm tiền cái vé xe đi cô”. Coi đi coi lại túi đồ của tôi gồm hai lốc sữa tươi (loại lớn), chai nước tương, chai dầu ăn (1 lít), bà N. có vẻ ưng: “Xin ở đâu, đồ xịn không mày”.

Nhanh tay lấy trong túi ra 50.000 đồng nhét vào tay tôi, bà N. giật ngay túi đồ treo thẳng lên xe: “Năm chục là được giá lắm rồi nha mày”; dứt lời vọt xe thẳng về hướng quận 4.

Cũng tại cầu Ông Lãnh, đồng nghiệp của chúng tôi tìm cách bán túi quà ngay dưới chân cầu phía quận 4. Bà H., một phụ nữ trung niên sống dưới chân cầu Ông Lãnh được nhiều người ăn xin giới thiệu là một trong những bà “trùm” chuyên đứng ra thu gom, mua lại quà từ thiện tại đây. Từ xa nghe thấy tiếng chúng tôi muốn bán lại quà từ thiện, trong con hẻm nhỏ, bà H. liền nhanh chóng xuất hiện.

Vừa bước tới, bà H. vào việc ngay: “Em bán quà từ thiện à”. Sau khi mở và quan sát túi quà (gồm sữa, bánh ngọt, dầu ăn, nước tương), bà H. định giá: “Bịch này chỉ hai chục ngàn thôi, riêng bánh ngọt thì chị không lấy, em cầm về đi”. 

Chúng tôi kì kèo: “Toàn đồ mắc tiền, giá đó sao bán, thêm chút nữa đi chị, em đang cần tiền để mua vé xe về quê nên mới bán”. Sợ người đi đường để ý, bà H. chốt lẹ: “Thôi được bịch này tui mua cho bốn chục ngàn, được thì đưa đây”. Đưa tiền xong, bà H. cầm túi quà nhanh chóng đi vào con hẻm nhỏ.

Cách chúng tôi khoảng 50m là một người ăn xin đang ngồi nép bên gốc cây, nhanh tay phân loại các món quà từ thiện vào từng túi ni lông nhỏ. Ông kể: “Phân loại sẵn, rồi đợi tới khoảng gần nửa đêm có người đến thu mua, chứ để lẫn lộn vậy họ mua rẻ lắm. Em bán xong rồi thì lên cầu ngồi tiếp đi, họ cho quà thì cứ đem xuống đây sẽ có người mua”.

“Bán vầy mốt người ta không cho nữa sao chú?”, tôi thắc mắc hỏi, nhưng với người đàn ông trên là chuyện bình thường.

“Chắc em mới tới đây lần đầu nên chưa biết, mấy người ăn xin ở đây, họ cần tiền hơn là cần quà, tối nào cũng nhận được rất nhiều quà, bánh ngọt, cơm hộp... không ăn hết thì bán lại, kiếm chút đỉnh để xài”, ông kể.

Các tin khác