Đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào?
Tháng 3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, Covid-19 là đại dịch toàn cầu khi số ca mắc ngày càng tăng ở các quốc gia. Tính tới ngày 12/9/2021, dịch Covid-19 khiến hơn 225 triệu người mắc và hơn 4,6 triệu ca tử vong trên thế giới.
Theo WHO, đại dịch sẽ được tuyên bố kết thúc khi mà "sự lây lan của dịch Covid-19 trên toàn thế giới dừng lại".
Ảnh minh họa: Getty
"Về việc đại dịch này sẽ kết thúc như thế nào, liệu nó sẽ kết thúc giống như dịch cúm với những đợt bùng phát nhỏ hay sẽ giống cảm lạnh thông thường ở những nơi nó trở thành bệnh đặc hữu (endemic): Chúng tôi không biết. Chúng tôi không biết sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ diễn biến như thế nào. Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào những hành động tập thể của chúng ta cũng như những công cụ tiềm năng, trong đó có vaccine", WHO nhận định với Newsweek.
Định nghĩa về một đại dịch được dựa trên sự lan rộng của virus trên toàn cầu. Đại dịch này cũng vậy. Nó có thể kết thúc nhưng vẫn sẽ có những ca mắc Covid-19 mới. Trong một viễn cảnh, Covid-19 có thể được đưa vào tầm kiểm soát tại một khu vực nhất định nhưng ở khu vực khác thì chưa. Khi đó, nó sẽ trở thành một dịch bệnh (epidemic) thay vì một đại dịch (pandemic). Nếu điều đó xảy ra, WHO nhấn mạnh, chúng ta vẫn cần thận trọng trong việc kiểm soát virus bởi nó vẫn rất dễ lây nhiễm có nguy cơ tái bùng phát thành đại dịch.
Thế giới đã mất khả năng xóa sổ Covid-19 "ngay từ đầu", Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO nhận định. Các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cũng cho rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, đồng nghĩa với việc virus sẽ không bao giờ biến mất và vẫn tiếp tục lây lan.
Với một số người, đối mặt với khả năng Covid-19 trở thành một phần của cuộc sống khiến họ ngày càng mệt mỏi và cảm thấy vô vọng. Tuy nhiên, WHO cho rằng khi một virus gây bệnh trở thành bệnh đặc hữu, chúng ta sẽ không còn chứng kiến mức độ tử vong và số ca bệnh nặng như hiện nay bởi nhờ các công cụ và phương pháp điều trị phù hợp, thế giới có thể kiểm soát và sống chung với các bệnh đặc hữu.
Kế hoạch phản ứng với đại dịch Covid-19
Một số người Mỹ đang cảm thấy chán nản về tình hình dịch bệnh hiện nay khi số ca mắc tăng lên bất chấp lượng vaccine sẵn có ở nước này. Phần lớn số ca nhập viện là những người chưa tiêm vaccine mặc dù có một số ca đột phá ở những người đã tiêm vaccine.
Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy gần đây đã nhận định với Politico rằng thành công của Mỹ trong đại dịch này không nên được đo lường bằng cụm từ "không có ca mắc". Thay vào đó, nó nên được coi là "có rất ít ca nhập viện và tử vong".
Mặc dù thế giới có thể đang bỏ lỡ cơ hội xóa sổ Covid-19 nhưng chuyên gia WHO Van Kerkhove nhấn mạnh chúng ta cần tận dụng tối đa khả năng của mình để làm giảm tỷ lệ lây nhiễm. Bà Van Kerkhove cũng chỉ ra kế hoạch phản ứng của WHO, theo đó kêu gọi xét nghiệm và giám sát diện rộng cũng như tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp làm giảm rủi ro như các quy định hạn chế tụ tập ở nơi công cộng và đặt ra các yêu cầu về đi lại.
Đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918, đại dịch chết chóc nhất của thế kỷ 20, đã kết thúc khi không còn đủ người để virus lây nhiễm và áp đảo trong các cộng đồng dân cư nữa. Tuy nhiên, cái giá phải trả là sinh mạng của ít nhất 50 triệu người và khoảng 1/3 dân số thế giới đã mắc bệnh, Time cho biết.
Dịch Covid-19 ít gây tử vong hơn so với Cúm Tây Ban Nha và số ca mắc để đạt miễn dịch cộng đồng có thể giảm bớt nhờ vaccine. Do đó, việc tiêm chủng có thể trở thành chìa khóa để chấm dứt đại dịch bởi nó làm giảm khả năng một người mắc bệnh và lây lan virus. Ngoài ra, WHO cũng thúc đẩy chiến dịch tiêm vaccine toàn cầu, chứ không phải thực hiện ở một vài quốc gia riêng lẻ.
Bà Van Kerkhove đã nhấn mạnh hôm 8/9 rằng, một số quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao đang rơi vào "cảm giác an tâm giả" và việc thiếu vaccine ở những khu vực khác có thể kéo dài đại dịch khi virus tiếp tục lây lan cũng như xuất hiện các biến thể mới.
Nguy cơ một biến thể kháng vaccine và lây lan ra các khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao cũng làm dấy lên mối lo ngại đối với các quan chức y tế về viễn cảnh của một đại dịch không bao giờ kết thúc. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhnom Ghebreyesus cảnh báo, không có ai an toàn cho tới khi toàn thế giới đều an toàn, đồng thời kêu gọi sự gia tăng mạnh mẽ về nguồn cung vaccine ở những nước thu nhập thấp.
WHO cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục chừng nào vẫn còn sự "lây lan trên toàn thế giới", đồng thời khẳng định sự đoàn kết toàn cầu có vai trò quan trọng trong thời điểm hiện nay.