Thắng lớn từ BMP khoảng 1.400 tỷ đồng
Cách đây 11 năm, The Siam Cement Group (SCG), tập đoàn đến từ Thái Lan, đã đặt bước chân đầu tiên trên con đường thâu tóm chuỗi giá trị ngành nhựa Việt Nam. Thời điểm đó, The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - thành viên của SCG, gây bất ngờ khi trở thành cổ đông lớn của CTCP Nhựa Bình Minh (mã CK BMP) và CTCP Nhựa Tiền Phong (mã CK NTP).
Tuy nhiên, 6 năm sau, SCG quyết định thoái hết NTP để chuyển sang BMP. Thời điểm này, nhiều người cho rằng SCG đã đi sai “nước cờ” khi BMP không hề tăng giá sau khi về tay người Thái.
Thế nhưng, cú “đảo hàng” của tủ phú Thái đã tỏ ra hiệu quả khi NTP liên tục lao dốc trong năm 2022, trong khi BMP lại liên tục có sóng. Ở thời điểm hiện nay, giá BMP đã cao hơn 60% so với thời điểm SCG “tất tay” mua vào.
Thống kê, khoản đầu tư này của Nawaplastic Industries vào BMP ước tính đang lãi khoảng 750 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến nguồn tiền thu được từ cổ tức. Từ khi tổ chức này trở thành cổ đông lớn đầu năm 2012, năm nào SCG cũng nhận được cổ tức từ BMP.
Đáng chú ý là những năm gần đây, BMP thường chia cổ tức tỷ lệ rất cao. Đơn cử là năm ngoái, BMP chia cổ tức với tỷ lệ lên đến 84%. Như vậy, tổng số tiền cổ tức mà SCG nhận được từ BMP là khoảng 1.400 tỷ đồng.
Trên thực tế, sau khi về tay người Thái, BMP đã có sự cải thiện đáng kể. Có thể lấy dẫn chứng từ sự lột xác của BMP so với NTP. Trước đây, doanh thu của NTP luôn cao hơn cho đến trước khi bị BMP theo kịp và vượt qua vào năm 2020. Không chỉ doanh thu tăng trưởng mạnh, biên lãi gộp của BMP cũng vượt NTP với 28% so với 24%; lợi nhuận sau thuế năm 2022 của BMP cũng lập kỷ lục với 694 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần năm 2021), trong khi lãi ròng của NTP chỉ nhích nhẹ so với năm trước lên mức 480 tỷ đồng.
Mới đây, HĐQT của BMP đã bầu một người Thái là ông Sakchai Patiparnpreechavud làm Chủ tịch HĐQT.
“Bỏ túi” cổ tức SAB hơn 8.200 tỷ đồng
Đình đám nhất trong các thương vụ thâu tóm của người Thái trên TTCK Việt Nam là quyết định mua lại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) năm 2017. Thời điểm đó, Vietnam Beverage, thuộc Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã phải chi đến gần 5 tỷ USD để mua trọn lô 343,66 triệu CP SAB (tương ứng mức giá 320.000 đồng/CP), qua đó chính thức nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam.
So với thương vụ SCG tại BMP, Thaibev chịu “đắng cay” gấp bội, bởi sau khi thâu tóm, SAB rơi vào tình cảnh bi đát khi cùng lúc chịu 2 tác động là Nghị định 100 và Covid-19. SAB từ mức giá cao nhất trên sàn CK, có thời điểm đã rơi xuống dưới mức giá 150.000 đồng. Với mức giá này, người Thái đã mất hơn một nửa tài sản của mình tại SAB.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua việc mua “hớ” cổ phần, SAB hiện đang là “gà đẻ trứng vàng” cho Thaibev tại Việt Nam với nguồn thu nhập khủng từ cổ tức. Năm 2022, SAB dự kiến sẽ chia thêm cổ tức đặc biệt 15%, qua đó nâng tổng mức cổ tức lên 50%, trong đó Vietnam Beverage được nhận hơn 1.700 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ khi hoàn tất thâu tóm SAB, tỷ phú Thái Lan đã “bỏ túi” tổng cộng hơn 8.200 tỷ đồng cổ tức.
Bản thân SAB sau khi về tay người Thái cũng đã có những cải thiện về mặt hiệu quả kinh doanh sau những thăng trầm. Theo giới phân tích, doanh số bán bia của SAB sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023, dựa trên cơ cấu sản phẩm tập trung vào dòng phổ thông và cận cao cấp.
Dự phóng doanh thu từ bia của SAB trong năm 2023 sẽ đạt 33.256 tỷ đồng (tăng 8,7%) nhờ du lịch quay trở lại sẽ thúc đẩy chi tiêu cho đồ uống, và chiến dịch đẩy mạnh marketing giành lại thị phần của SAB.
Việc SAB chuyển hướng sang phân khúc phổ thông (vốn là một trong những thế mạnh của doanh nghiệp) có thể ít bị ảnh hưởng hơn so với các phân khúc khác trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn và tiêu dùng suy giảm.
Chờ cơ hội thâu tóm VNM?
Không nắm quyền chi phối như BMP hay SAB, tỷ phú Thái còn đổ vào doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK VNM). Cụ thể, TCC Holding của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, mua lại Fraser&Neave (pháp nhân Singapore) vào năm 2013 với giá 11,2 tỷ USD. Thời điểm đó, công ty con của Fraser&Neave là F&N Dairy Investment đã là cổ đông lớn của VNM.
Được biết, F&N Dairy Investment đã đầu tư vào VNM từ khá lâu nhưng chỉ thực sự được chú ý từ năm 2017, sau thương vụ thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Sau nhiều lần tăng sở hữu, các thành viên thuộc Fraser & Neave hiện nắm giữ tổng cộng hơn 20% vốn tại VNM, chỉ sau cổ đông nhà nước là 36%. Ước tính, lượng cổ phần VNM trong tay người Thái hiện vào khoảng xấp xỉ 1,2 tỷ USD.
Dù không chi phối nhưng tỷ phú Thái Lan vẫn thắng lớn cổ tức từ VNM, do doanh nghiệp đầu ngành sữa vẫn đều đặn chi trả cổ tức cao khoảng 40-60% hàng năm. Riêng cổ tức cho năm 2022, Fraser & Neave thu về hơn 1.600 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ khi nắm cổ phần tại VNM năm 2013 đến nay, đại gia Thái Lan đã bỏ túi hơn 12.000 tỷ đồng cổ tức.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, mục tiêu của tỷ phú Thái tại VNM không chỉ là nguồn tiền cổ tức mà đích ngắm xa hơn chính là việc thâu tóm doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam. Cụ thể, sau thương vụ thoái vốn của SCIC, nhóm Fraser&Neave và Platinum Victory PTE Ltd - thành viên thuộc Jardine Cycle & Carriage (Singapore), đã tạo ra một cuộc đua ngầm tại VNM.
Cả 2 tổ chức liên tục đăng ký mua cổ phần VNM với khối lượng lớn nhưng sau đó hầu như không giao dịch và lại tiếp tục đăng ký mua. Dù nhiều lần phủ nhận nhưng giới phân tích cho rằng tỷ phú Thái Lan vẫn đang tìm cơ hội để nắm quyền chi phối VNM.
Ngoài BMP và SAB, hiện người Thái còn nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp Việt như: CTCP Bao bì Biên Hòa (SVI), CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), CTCP Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG).