Các bạn trẻ và khách du lịch đón taxi phía ngoài cổng trung tâm thương mại ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khách chờ lâu, tài xế hủy chuyến
Anh Trần Ngọc Anh, nhân viên một công ty kinh doanh đá cắt, đá mài ở quận 5 (TPHCM), cho biết, những ngày gần đây anh đặt xe công nghệ rất khó. Trước đây, vừa mở ứng dụng Grab, xe hiện lên trong khu vực xung quanh công ty rất nhiều; tuy nhiên, những ngày gần đây xe xuất hiện rất ít, thậm chí có thời điểm không có chiếc nào.
“Khi đã đặt được xe, tôi chờ rất lâu nhưng không thấy xe đến, kiểm tra ứng dụng thì thấy báo tài xế đã hủy chuyến mà không thông báo lý do”, anh Anh kể trong sự bực tức.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Thông (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cho hay, vào lúc 21 giờ ngày 17-5, vợ chồng ông đặt xe Grab để qua thăm gấp ba mẹ đang bệnh ở quận Phú Nhuận, nhưng phải đợi hơn 30 phút mới có tài xế nhận chuyến.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các hãng taxi truyền thống, khi nhiều hành khách gọi điện lên tổng đài các hãng taxi để đặt xe rồi… sốt ruột đợi xe. “Từ 17 giờ đến 17 giờ 40 phút, tôi liên tục gọi điện lên tổng đài 2 hãng taxi lớn ở thành phố nhưng điện thoại luôn báo bận. Tôi đành ra đường vẫy taxi chạy qua, sau 20 phút mới có xe. Với các khung giờ bình thường còn đặt được xe - cho dù chờ lâu một chút, nhưng vào giờ cao điểm, lúc sáng sớm hoặc buổi chiều lúc tan tầm, thì rất khó gọi taxi. Chưa kể, nếu đặt được thì giá cước cũng cao hơn vài chục ngàn đồng, thậm chí cả trăm ngàn nếu là quãng đường xa”, ông Huỳnh Minh Tùng (ngụ quận Tân Bình) kể lại câu chuyện khổ sở tìm taxi của mình vào chiều 15-5.
Do thiếu tài xế?
Theo anh Đỗ Tấn Minh (tài xế chạy xe công nghệ của hãng Grab), giá xăng tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của anh và đồng nghiệp. Tài xế rất ngại nhận những cuốc xe cự ly ngắn, giá cước ít, không được bao nhiêu so với chi phí nhiên liệu bỏ ra. Mặt khác, việc khan hiếm xe còn do hàng loạt chủ xe công nghệ buộc phải bán xe vì không đủ tiền trả nợ ngân hàng.
Anh Võ Đức Hoàng cho biết, năm 2019, anh cùng người bạn góp 300 triệu đồng, vay thế chấp ngân hàng mua chiếc ô tô 4 chỗ trị giá 660 triệu đồng để chạy Grab. Hai người chia ca chạy 24/24 giờ, thời gian đầu thu nhập trên dưới 21 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các chi phí, mỗi người thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Được vài tháng thì dịch Covid-19 ập đến, xe nằm bãi, vừa làm không ra tiền vừa chịu thêm khoản tiền bến bãi, trả lãi ngân hàng, ráng hơn 1 năm thì các anh đành bán xe “cắt lỗ”.
Anh Hoàng cho biết thêm, trong nhóm trên mạng xã hội của anh có hơn 700 chủ xe kiêm tài xế xe công nghệ, từ đầu năm đến nay, phân nửa đã bán xe vì không cầm cự nổi.
Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện hãng xe công nghệ Gojek cho biết, nhu cầu đi lại của người dân đã trở lại như bình thường, trong khi đối tác tài xế hiện tại không nhiều vì nhiều tài xế tắt ứng dụng.
Đại diện Grab cũng xác nhận, nhiều thời điểm trong ngày thiếu tài xế nên việc đặt xe ở một số khu vực có nhu cầu đi lại cao gặp khó khăn. Các hãng khuyến cáo, để đi lại thuận tiện hơn, khách hàng không nên chỉ đặt một loại hình dịch vụ mà nên lựa chọn nhiều dịch vụ đi lại như 2 bánh, 4 bánh (xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ) để nhanh chóng đặt được xe. Trong khi đó, đại diện 2 hãng taxi truyền thống là Vinasun, Mai Linh cho hay, do giá xăng tăng cao nên nhiều đối tác tài xế cũng hạn chế hoạt động hơn trước, hiện chỉ có khoảng 60% số xe của hãng đang hoạt động.
Dưới góc nhìn khác về tình trạng khan hiếm xe, PGS-TS Nguyễn Xuân Mai (chuyên gia lĩnh vực giao thông) cho rằng, lợi dụng sự độc quyền, nhiều hãng xe bắt đầu tìm nhiều lý do như giờ cao điểm, giá nhiên liệu tăng, trời mưa… để hủy chuyến, thậm chí tăng giá “sốc” khiến hành khách mất niềm tin. Việc các hãng xe lập luận cung vượt cầu nên xe không đủ đáp ứng là cách “làm giá” trắng trợn. Bởi đa phần các hãng xe công nghệ đều lấy lợi nhuận theo phần trăm doanh thu mỗi chuyến xe, trung bình 15%-30%, và chính khách hàng là người trực tiếp bị ảnh hưởng. |