Khó giảm lãi suất USD bằng 0%

Sau hơn 1 tháng NHNN quy định khống chế lãi suất tiền gửi USD khu vực dân cư ở mức không quá 3%/năm và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ, đến nay thị trường tiết kiệm dân cư đã có dấu hiệu chuyển dịch từ nắm giữ USD sang VNĐ. Trong khi lãi suất USD hạ nhiệt, lãi suất huy động một số ngoại tệ khác tại các NH nước ngoài đang tăng nóng.

Sau hơn 1 tháng NHNN quy định khống chế lãi suất tiền gửi USD khu vực dân cư ở mức không quá 3%/năm và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ, đến nay thị trường tiết kiệm dân cư đã có dấu hiệu chuyển dịch từ nắm giữ USD sang VNĐ. Trong khi lãi suất USD hạ nhiệt, lãi suất huy động một số ngoại tệ khác tại các NH nước ngoài đang tăng nóng.

Tăng lãi suất huy động các ngoại tệ mạnh

Với chính sách USD thấp của Hoa Kỳ, từ đầu năm đến nay các ngoại tệ như bảng Anh (GBP), đô la Canada (CAD), đô la Australia (AUD) đã củng cố và ở đà tăng mạnh. Tại nước ta, từ đầu năm đến nay AUD tăng đến 15%, còn năm ngoái giá của đồng tiền này tăng tới 42%. Không chỉ vậy, các NH nước ngoài ở nước ta đang huy động lãi suất AUD khá cao, vượt xa mức lãi suất huy động USD và các loại ngoại tệ mạnh khác.

Khi lãi suất một số ngoại tệ mạnh tăng, khó có thể giảm lãi suất USD về 0%/năm. Ảnh: LÃ ANH

Khi lãi suất một số ngoại tệ mạnh tăng,
khó có thể giảm lãi suất USD về 0%/năm. Ảnh: LÃ ANH

Như tại HSBC tiền gửi kỳ hạn AUD có lãi suất 5%/năm; tại Standard Chartered Bank, chương trình tiền gửi tiết kiệm tiện lợi và sinh hoạt có lãi suất AUD dao động 4,25-5,17%/năm (kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng).

Những dòng tiền “nóng” hay còn gọi là những dòng tiền thông minh chỉ chảy vào những dòng tiền có tính thanh khoản cao nhất. Hiện nay, ở nước ta AUD không dễ mua và bán do ít NH giao dịch. Hơn nữa, các ngoại tệ ngoài USD biến động liên tục trên thị trường thế giới, trong khi NHNN chỉ kiểm soát tỷ giá VNĐ/USD thông qua biên độ tỷ giá ±1% và tỷ giá liên NH do NHNN công bố; các ngoại tệ khác  được NH định giá tùy vào biến động của giá quốc tế. Đó cũng là lý do vì sao các nhà đầu tư vẫn ngại đầu tư vào các ngoại tệ khác ngoài USD.

Ông Lê Quang Trung,
Phó Tổng giám đốc VIB

Trong khi đó các loại ngoại tệ khác như EUR, USD lãi suất huy động chỉ ở mức 0,2-3%/năm. Trái ngược với NH nước ngoài, các NH nội địa không huy động ngoại tệ khác ngoài USD và EUR với lãi suất không quá 3%/năm; chỉ số ít NH huy động AUD, CAD… với lãi suất chỉ 0,2-0,8%/năm.

Giải thích vấn đề trên, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc nguồn vốn và ngoại hối của VIB, cho biết trên thị trường quốc tế AUD đang có lãi suất rất cao. Cụ thể lãi suất AUD qua đêm lên đến 4,5%/năm, 1 tháng 4,95%/năm, 3 tháng 5,2%/năm, 6 tháng 5,3%/năm, 1 năm 5,8%/năm.

Vì thế mặt bằng lãi suất AUD trong nước cũng phải theo cơ chế lãi suất thị trường. Đó là lý do NH nước ngoài ở nước ta huy động AUD vượt mức lãi suất USD và EUR. Cũng theo ông Trung, các NH nội địa không mặn mà huy động ngoại tệ khác vì nhu cầu USD của khách hàng vẫn chiếm trên 80%. Chỉ một số NH huy động EUR, AUD, CAD hay GDP để phục vụ khách hàng du học.

Vấn đề đặt ra, khi ngoại tệ mạnh khác tăng tỷ giá lẫn lãi suất, liệu người dân có chuyển sang giữ các ngoại tệ này thay vì giữ USD chịu lãi suất thấp? Hiện nay giá vàng thế giới tăng còn Australia là một trong những nước xuất khẩu vàng lớn nhất thế giới. Vì thế giá vàng tăng, đồng tiền của Australia cũng mạnh lên là lẽ đương nhiên. Tuy AUD và các ngoại tệ mạnh khác đang có xu hướng tăng cao hơn so với USD, nhưng người dân vẫn chuộng mua USD hơn vì tỷ giá không tăng giảm quá nhiều.

Khó hạ tiếp lãi suất USD

Đầu tuần này, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản kiến nghị NHNN mạnh tay hơn nữa để hạ lãi suất tiền gửi USD ở cả khu vực dân cư và doanh nghiệp. Cụ thể, cần hạ lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế xuống 0%/năm.

Khi lãi suất cao như hiện nay, có thể người dân có con em đi du học ở Australia sẽ chọn giải pháp giữ một phần tài sản của mình dưới dạng AUD ở các NH nước ngoài, vừa được hưởng lãi suất, vừa có thể sử dụng trong tương lai. Trước đây người dân nhận kiều hối thường rút nguyên tệ nếu tiền chuyển về là USD, còn đối với các đồng tiền khác được chuyển sang VNĐ. Nhưng nay lãi suất và tỷ giá AUD tăng, có thể người nhận kiều hối từ Australia sẽ giữ AUD để được lợi hơn so với giữ USD.

Ông Phan Thanh Hải,
Trưởng phòng ngoại hối GiaDinhBank

Với lãi suất tiền gửi USD khu vực dân cư, VAFI kiến nghị hạ lãi suất trần từ mức 3%/năm xuống 1%/năm, đồng thời tính toán tăng thêm tỷ lệ dự trữ ngoại tệ ở mức hợp lý để các NHTM không vượt rào khi cạnh tranh thu hút tiền gửi USD. Có thể thấy kiến nghị này nhằm tiến đến lộ trình xóa bỏ tình trạng đô la hóa, chuyển dần từ quan hệ huy động và cho vay USD sang quan hệ mua bán USD.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, thời điểm này hạ lãi suất USD tiếp là không phù hợp với diễn biến thị trường. Bởi lẽ hiện nay trên thị trường quốc tế lãi suất USD đang dao động 0,5-1,2%/năm kỳ hạn tối đa 1 năm. Nếu hạ tiếp lãi suất USD xuống, luồng ngoại tệ mạnh này sẽ không nằm tại nước ta và sẽ có dịch chuyển vốn ra khỏi hệ thống NH.

Trong khi đó bản thân NH và nền kinh tế vẫn mong muốn giữ USD, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có nhu cầu cao vay USD. Ngoài ra, mức lãi suất USD 3%/năm hiện tại ở khu vực dân cư là mức hợp lý.

Vì tính định mức rủi ro ở các tổ chức thế giới đối với Việt Nam khi cho vay vốn vào khoảng 300 điểm (tương đương 3%/năm). Nếu kéo giảm mức huy động USD hiện tại của dân cư xuống dưới 3%/năm sẽ bất hợp lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn chống đô la hóa, ngoài thực hiện các giải pháp kỹ thuật, hành chính như hạ lãi suất huy động USD, cần phải có giải pháp kết hợp tạo niềm tin cho người dân khi kiềm chế được lạm phát, tăng giá trị nội tệ… tự khắc người dân sẽ thay đổi hành vi ứng xử trong chọn đồng tiền đầu tư và cất giữ có lợi nhất.

Các tin khác