Khó hiểu sách tiếng Việt lớp 1

(ĐTTCO) - Vừa khai giảng năm học mới, những người quan tâm đến giáo dục lại một phen hoảng hồn vì những thử nghiệm khó hiểu trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1.
 Hiện nay, các em vừa chập chững cắp sách đến trường hầu hết được trang bị 2 bộ sách Tiếng Việt lớp 1, một bộ sách giáo khoa căn bản và một bộ sách công nghệ giáo dục. Bộ sách giáo khoa căn bản hướng dẫn học sinh viết vào sách nhằm không thể tái sử dụng và góp phần tăng trưởng thị trường in ấn, còn bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục lại đẩy học sinh vào mê hồn trận.
Về cách đánh vần, bộ sách công nghệ giáo dục yêu cầu đọc cả 3 chữ “C”, “K” và “Q” là “cờ”, cũng như ba chữ “R”, “D” và “GI” là “dờ”.  Cách đọc này không sai, nếu căn cứ vào tiêu chuẩn ngữ âm học. Tuy nhiên, ngữ âm học là một lĩnh vực chuyên sâu dành cho những nhà nghiên cứu ngôn ngữ, không thể áp dụng khiên cưỡng cho học sinh lớp 1. Với khả năng ghi nhớ và phân biệt của lứa tuổi 6-7, sự phân định “cờ” và “dờ” như vậy sẽ dẫn đến rối loạn hành vi đọc và viết.
Khó hiểu sách tiếng Việt lớp 1 ảnh 1  
Bên cạnh sự thay đổi kiểu sốt ruột “dục tốc bất đạt” về cách đánh vần, bộ sách công nghệ giáo dục còn giới thiệu cho học sinh những thành ngữ không phù hợp với đầu óc thơ ngây, chẳng hạn “dữ như quỷ sứ", "trăm thứ bà giằn", "bạt ngàn san dã", "vắt chanh bỏ vỏ"... Những thành ngữ ấy học sinh lớp 1 chỉ biết học thuộc như một cái máy, chứ không thể nào hiểu được thấu đáo.
Thế nhưng, điều khiến các bậc phụ huynh băn khoăn nhất là bộ sách công nghệ giáo dục lại cung cấp cho học sinh lớp 1 những bài học mang tính tiêu cực và diễn đạt bằng lối cổ súy tính cách chợ búa. Thí dụ, bài học “Quả bứa” viết: "Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả bứa, liền la to. Sáu nhanh tay nhặt lấy. Hai đứa tranh nhau, cứ giành đi giành lại.
Vừa may, có cậu Cả đi qua, hai đứa nhờ phân xử. Nghe hai đứa lần lượt kể lại chuyện đã xảy ra, cậu Cả lấy dao bổ quả bứa ra làm hai, đoạn, phán quyết: "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao". Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi. Hai đứa ngẩn tò te, trơ mắt ra".
Còn bài học "Bé xách đỡ mẹ", dạy sự láu cá và gian xảo khi đứa trẻ thấy mẹ mang nặng liền nảy ra sáng kiến: "Có cách, mẹ ạ! Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ". Nếu học sinh lớp 1 được truyền thụ cho những chiêu trò khôn vặt và tranh công giành phần liệu tương lai người Việt sẽ đi về đâu? Công nghệ giáo dục không thể vận động theo chiều hướng đi ra ngoài khát vọng chân - thiện - mỹ muôn đời của con người.
Chương trình công nghệ giáo dục được GS. Hồ Ngọc Đại thí điểm từ năm 1978. Suốt 40 năm qua, vẫn chưa có cuộc thống kê và khảo sát quy mô và khoa học đối với chương trình công nghệ giáo dục. Bây giờ lại đem học sinh lớp 1 ra làm thử nghiệm như một chuyến phiêu lưu đầy bất trắc và nguy hiểm.

Các tin khác