Để kéo tăng trưởng tín dụng, các NHTM đã tập trung mạnh vào mảng cho vay khách hàng cá nhân, vay tiêu dùng. Song dù đưa ra hàng loạt chương trình nhưng vay tiêu dùng không còn “miếng bánh ngon”.
Nở rộ ưu đãi
Trong cuộc đua cho vay tiêu dùng, hiện nay hầu hết NHTM phải “trang bị” một hoặc một vài chương trình ưu đãi để giành khách hàng. Ở nhóm những NH lớn, Vietcombank đã gây chú ý khi quyết định giảm mức sàn lãi suất cho vay thuộc chương trình ưu đãi lãi suất 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình xuống mức thấp nhất 8%/năm.
Trong khi đó, dù đang triển khai gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 6%/năm, nhưng BIDV tung ra chương trình “Lộc tân gia”, cho vay mua nhà ưu đãi lãi suất hỗ trợ nhu cầu nhà ở cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình khi vay tại BIDV với tổng nguồn vốn 3.000 tỷ đồng, lãi suất tối thiểu 8,99%/năm trong 6 tháng đầu và khách hàng chưa phải trả nợ gốc trong 3 tháng kể từ thời điểm giải ngân.
Ngoài số ít NH có thể mở rộng được tín dụng tiêu dùng như công bố trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, các NHTM khác đều rất khó phát triển mảng này, đang nằm trong vòng kỳ vọng chưa thể kích thích tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm. |
Trong khi đó, các NHTMCP cũng tạo sóng trong mảng cho vay tiêu dùng, như DaiABank có gói tín dụng 2.000 tỷ đồng lãi suất 9,99%/năm cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua xe ô tô, sản xuất kinh doanh. SHB triển khai sản phẩm "20 năm vàng - rộn ràng mua sắm" và "20 năm vàng - chung sức kinh doanh", tổng hạn mức 5.000 tỷ đồng.
Cá nhân vay vốn trung hạn tiêu dùng và sản xuất kinh doanh được áp dụng lãi suất 5,88%/năm trong 3 tháng đầu; vay ngắn hạn lãi suất 6,5%/năm cho 2 tháng. TienphongBank, NamABank, HD Bank không chỉ ưu đãi cho vay tiêu dùng mà còn mạnh tay hạ lãi suất xuống 0%/năm cho những tháng đầu tiên.
Việc các NHTM tung ra hàng loạt chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi không phải là chuyện mới, vì từ đầu năm đến nay khi doanh nghiệp đuối sức, khó cho vay, các NHTM đã chuyển sang mảng khách hàng cá nhân với mong muốn cứu tăng trưởng tín dụng.
Tổng kết 6 tháng đầu năm, một số NHTM như Sacombank, HDBank cho biết tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra chủ yếu nhờ cho vay tiêu dùng. Trước tín hiệu khả quan này, nhiều NHTM trước đây chưa mạnh dạn chạy đua ưu đãi đã nhanh chóng nhập cuộc với nhiều gói ưu đãi hấp dẫn.
Hiệu quả chưa cao
Dù các NHTM đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng tính đến ngày 20-8, tín dụng toàn hệ thống ước tính chỉ tăng 5,4%. Đây là con số khá thấp so với kỳ vọng. Theo thống kê mới đây của NHNN chi nhánh TPHCM, 7 tháng đầu năm, dư nợ cho vay đối với khu vực sản xuất kinh doanh chiếm trên 84% tổng dư nợ, còn lại cho vay bất động sản và tiêu dùng chiếm 16%.
Điều này cho thấy dù cho vay tiêu dùng nở rộ với nhiều chương trình hấp dẫn nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút trong bối cảnh người dân siết chặt chi tiêu. Phó tổng giám đốc một NHTMCP đang triển khai chương trình vay tiêu dùng, cho biết về cơ bản NH đưa ra ưu đãi hỗ trợ rất tốt, khách hàng được hưởng lãi suất 0%/năm trong 3 tháng đầu và những tháng sau mức lãi suất cũng được áp dụng hợp lý theo mặt bằng chung của thị trường, nhưng sau vài tháng triển khai, hiệu quả đạt được không như mong đợi.
Thực ra các NH dù mở rộng cho vay tiêu dùng, nhưng cũng đã siết chặt hơn về đối tượng được vay. Theo đó, muốn vay vốn ưu đãi, khách hàng phải đáp ứng được các tiêu chí xét duyệt hoặc phải thế chấp tài sản theo quy định của từng NH.
Đặc biệt gần đây, sau nhiều năm đẩy mạnh phát triển cho vay tiêu dùng qua thẻ, cho phép khách hàng tiêu trước trả sau, nhiều NHTM đang dần siết lại điều kiện, hạn mức cho vay đối với chủ thẻ nhằm ngăn ngừa nợ xấu gia tăng.