Khó mở rộng cho vay

NHNN vừa ban hành Chỉ thị 03 về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH những tháng cuối năm 2013, trong đó yêu cầu các NHTM mở rộng cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cơ hội tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp (DN) vẫn rất mong manh, bởi các giải pháp để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế chưa thiết thực.

NHNN vừa ban hành Chỉ thị 03 về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH những tháng cuối năm 2013, trong đó yêu cầu các NHTM mở rộng cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cơ hội tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp (DN) vẫn rất mong manh, bởi các giải pháp để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế chưa thiết thực.

Rộng cửa nhưng khó vào

Chỉ thị 03 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh tín dụng đạt tăng trưởng toàn hệ thống ở mức 12% trong cả năm 2013 nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, góp phần tăng trường kinh tế ở mức hợp lý; chú trọng cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao.

Trên cơ sở định hướng điều hành lãi suất của NHNN, các TCTD xem xét ấn định lãi suất huy động theo kỳ hạn hợp lý để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, cải thiện cơ cấu nguồn vốn, thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất tiền gửi tối đa, tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; đánh giá, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, trên cơ sở khả năng tài chính, xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với DN và hộ dân.

Sức khỏe DN kém nguồn vốn giá rẻ cũng không phát huy được tác dụng. Muốn đưa vốn đến được với DN nhất thiết phải giải quyết được nợ xấu và giảm gánh nặng tài chính, giải phóng cho DN, khi đó thị trường sẽ tự động lấy lại thế cân bằng.

TS. Nguyễn Đình Cung,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương

Chỉ đạo xem ra thông suốt, nhưng quyết định cho vay là các NHTM chưa thể thông nên DN vẫn rất khó khăn trong tiếp cận vốn NH. Như DN trong nhóm ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ có tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản và trên vốn điều lệ ở mức chấp nhận được nhưng đang đối mặt với hàng tồn kho, phải cạnh tranh giảm giá, dẫn đến tỷ suất sinh lời của nhóm ngành này giảm sút mạnh. Và khi lợi nhuận giảm đừng nghĩ đến chuyện được vay vốn.

Hay như ngành xây dựng, bất động sản phát triển chủ yếu dựa vào vốn vay, những năm qua dù không tích lũy được vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tìm cách tăng vốn điều lệ để vay thêm vốn. Khi nguồn vốn NH bị thu hẹp và lãi suất lên cao, ngành này đã gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận ngày càng giảm sút và xuất hiện nhiều khoản nợ xấu, nên cũng khó tiếp cận vốn vay.

Với ngành thủy sản, không chỉ chịu tác động từ lãi suất mà còn nhiều yếu tố khác, nên thời gian qua, doanh thu, lợi nhuận của các DN đều rất thấp. Hiện tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROI) của các DN đều trong xu thế giảm, nhóm ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ có ROI bình quân tương đương với lãi suất cho vay, còn nhóm ngành xây dựng, bất động sản và thủy sản lại có ROI thấp hơn lãi suất cho vay. Với thực trạng như trên, cơ hội để nguồn vốn từ NH chảy vào DN khá ít.

Sức ép giảm lãi vay

Chia sẻ về việc tăng trưởng tín dụng, ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng giám đốc NHTMCP Quân đội (MB), cho biết năm 2012 đầy khó khăn nhưng MB vẫn vượt mức tăng trưởng tín dụng so với mục tiêu 15% do NHNN đề ra. Tuy nhiên, năm 2013 dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng giảm xuống còn 12% nhưng cũng là thách thức lớn, bởi những tháng đầu năm nguồn vốn huy động khó tìm được đầu ra.

Để đưa vốn vào nền kinh tế, MB liên tục giới thiệu các gói tín dụng ưu đãi, ưu tiên với lãi suất cạnh tranh. Cùng với động thái của các NHTM, từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện đưa nguồn vốn lãi suất thấp đến với DN. Nhưng xem ra DN tiếp cận không nhiều do chưa đáp ứng điều kiện cho vay.

Tìm đầu ra đáp ứng các điều kiện cho vay của NH trong thời điểm hiện nay không dễ. Ảnh: LONG THANH

Tìm đầu ra đáp ứng các điều kiện cho vay của NH
trong thời điểm hiện nay không dễ. Ảnh: LONG THANH

Đứng về góc độ DN, ông Đặng Đức Thành, Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định lãi suất cho vay trong nước cao so với mức 7%/năm đang được các nước trong khu vực áp dụng.

Do vậy trong bối cảnh khó khăn, DN có thể tìm vốn bằng cách phát hành trái phiếu DN kể cả trái phiếu chuyển đổi, mời gọi vốn hợp tác kinh doanh, phát hành tăng vốn cổ phần, tìm giải pháp đẩy mạnh bán hàng tồn để cắt lỗ, tiến hành tái cấu trúc. Đây là các giải pháp để giảm phụ thuộc vào vốn vay. Điều này sẽ tác động buộc NH phải giảm lãi suất huy động và cho vay.

Theo ông Thành, NHNN và các NHTM cần tập trung giải quyết nợ xấu bằng những biện pháp cụ thể hơn. Thời gian qua, nhằm giúp tháo gỡ khó khăn cho NH và DN, NHNN đã ban hành Quyết định 780 về việc phân loại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, cho phép cơ cấu lại nợ cho khách hàng nhưng vẫn giữ nguyên phân loại nợ và xếp hạng khách hàng lại sau khi cơ cấu lại nợ.

Tuy nhiên, Quyết định 780 dẫn đến hệ lụy sẽ không có dữ liệu nợ xấu chính xác của từng NH và của toàn hệ thống, từ đó dẫn đến việc trích lập dự phòng không chính xác và tất yếu cũng sẽ không có số liệu chính xác về kết quả kinh doanh của từng NH.

Từ những nhận định trên, VCCI đề nghị NHNN sớm đưa ra hiệu lực cho Thông tư 02 để điều chỉnh Quyết định 780, thay vì gia hạn thời gian đến năm 2014. Có vậy mới tìm ra con số cụ thể, chính xác về tỷ lệ nợ xấu của từng NH, trên cơ sở đó trích lập dự phòng để có lợi nhuận chính xác, cũng xác định được NH nào lời, NH nào lỗ.

Ngoài ra, NHNN cần quy định tỷ lệ cho một DN vay tối đa không quá 2 lần vốn điều lệ, thay vì quy định không quá 3 lần như hiện nay. Kinh tế đang khó khăn, việc giảm tỷ lệ vốn vay so với vốn điều lệ sẽ tránh rủi ro cho DN lẫn NH.

Chính phủ và NHNN cũng cần tập trung toàn lực đưa lãi suất cho vay của toàn hệ thống xuống xoay quanh 7%/năm, bằng với khu vực. Sức ép giảm lãi suất cho vay còn tạo áp lực thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc ngành NH diễn ra nhanh chóng.

Các tin khác