(ĐTTCO).- Ngày 19-1, đồng chí Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐNN TPHCM dẫn đầu đoàn công tác đến giám sát về tình hình thực hiện công tác quản lý thị trường năm 2015 tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM.
![]() |
Báo cáo với đoàn giám sát, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM Phan Hoàn Kiếm cho biết, tình hình buôn bán hàng lậu, hàng gian, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi cộm là một số mặt hàng trọng điểm như thuốc lá nhập lậu, hóa chất, thực phẩm… đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi, quy mô, chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Cụ thể, năm 2015, Chi cục QLTT đã phối hợp với lực lượng chức năng trung ương và địa phương TP và các tỉnh giáp ranh kiểm tra gần 1.500 vụ vận chuyển và bán lẻ thuốc lá nhập lậu. Trong số này, cơ quan chức năng đã xử phạt gần 400 vụ với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; số vụ còn lại do chủ hàng bỏ trốn nên không xử phạt được. Số tang vật mà lực lượng chức năng tịch thu gồm trên 610.000 bao thuốc lá nhập lậu, 363 chiếc xe gắn máy, 12 ô tô và 3 vỏ lãi.
Tương tự, năm 2015 qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 18 vụ buôn bán gần 29.000kg hóa chất công nghiệp, 6 vụ kinh doanh hơn 14.000 hóa chất công nghiệp hết hạn sử dụng; 32 vụ kinh doanh khoảng 1,1 tấn hóa chất vi phạm quy định về nhãn hàng hóa…
Qua đó, cơ quan chức năng đã xử phạt tiền 875 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 42.000kg hóa chất hết hạn sử dụng và không đủ điều kiện lưu hành. Ở lĩnh vực thực phẩm, cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện hàng trăm vụ vi phạm, phần lớn là hành vi buôn bán thực phẩm ngoại nhập không có chứng từ hóa đơn, hàng nhập lậu. Kết quả, xử phạt tiền gần 6 tỷ đồng, buộc tiêu hủy trên 120.000 đơn vị sản phẩm và 19 tấn thực phẩm các loại.
Đối với kết quả đợt kiểm tra cao điểm 3 mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dược phẩm, từ ngày 15-7 đến 15-10-2015, lực lượng chức năng kiểm tra 447 cơ sở sản xuất kinh doanh, đã phát hiện 395 cơ sở vi phạm. Qua đó, xử phạt 360 cơ sở với số tiền hơn 5,1 tỷ đồng, tịch thu và và buộc tiêu hủy trên 160.000 đơn vị sản phẩm.
Trong số hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, nhiều đối tượng ngoài bỏ trốn hoặc thay đổi địa chỉ để tái hoạt động, nhiều vụ khác cơ quan chức năng chưa thể thu tiền phạt do đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt. Ngoài ra, do vướng mắc trong cơ chế phối hợp hay định giá tài sản, dẫn đến số hàng tịch thu chờ bán khoảng 56,6 tỷ đồng chưa thể xử lý.
Trong khi đó, số kho chứa hàng vi phạm chật hẹp nên nhiều loại sản phẩm phải đặt nằm ngoài trời nguy cơ hư hỏng. Trước vướng mắc này, Chi cục QLTT thành phố đã kiến nghị xem xét, bố trí một kho chung tạm giữ các mặt hàng và một kho chuyên dùng để tạm giữ hóa chất. Đồng thời, cơ quan tố tụng thống nhất bán tang vật, phương tiện trong giai đoạn điều tra nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc để tránh giảm giá trị, phẩm chất hàng hóa trong khi chờ xứ lý.
Chi cục QLTT TP cũng kiến nghị UBND thành phố bãi bỏ một số điểm trong Chỉ thị 18 (ngày 20-5-2011) về triển khai bán đấu giá tài sản tịch thu, nhằm thực hiện theo Nghị định 29/2014, được tổ chức thanh lý tài sản sau 2 lần giảm giá bán. Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM Phạm Văn Bá, những mặt hàng mà lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện thời gian qua như hóa chất, thực phẩm bẩn đang được dư luận và người dân quan tâm.
Do đó, trong thời gian tới, đặc biệt trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng mà chủ lực là QLTT cần đẩy mạnh phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có giải pháp giám sát lẫn nhau để mang đến hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm trong quản lý thị trường đạt hiệu quả cao.