Mặc dù đang bước vào vụ mùa tăng trưởng tín dụng, nhưng năm nay nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp không tăng nhiều, trong khi đó tổng huy động vốn của các NHTM vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Làm thế nào để sinh lời trên đồng vốn huy động trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đơn giản của các NHTM.
Kỳ hạn và tín dụng ảo?
Đến thời điểm này nhiều NHTM khẳng định đang dồi dào thanh khoản, trong đó huy động vốn vẫn tăng trưởng rất mạnh. Số liệu từ NHNN cho biết đến tháng 10-2012, tăng trưởng huy động vốn của các NHTM đạt khoảng 14%, trong khi cho vay chỉ tăng trưởng 3,36%. Do vậy, gần đây một số NHTM lớn bắt đầu điều chỉnh giảm dần lãi suất ở một số kỳ hạn.
Hiện nay cho vay liên NH không còn dễ khi NHNN siết lại thị trường này, lãi suất cho vay chỉ còn 4-5%/năm, nhưng các NHTM lớn thừa vốn cũng ít cho vay những NHTM yếu kém vì ngại nợ xấu. Do vậy, giải pháp tiêu vốn từ nay đến cuối năm của các NHTM chỉ có thể cho vay ra với khách hàng trên thị trường dân cư, như cho vay tiêu dùng cá nhân bên cạnh cho vay doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. TS. CAO SỸ KIÊM, |
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng lách trần lãi suất huy động ở một vài NHTM nhỏ, dù tín dụng ở các NH này gần như không tăng. Lý giải mâu thuẫn này, phó tổng giám đốc một NHTMCP cho biết đa số NHTM lớn hiện nay đều thừa thanh khoản vì huy động tăng, trong khi đầu ra tín dụng không nhiều.
Trong khi đó, một số NHTM yếu kém nợ xấu gia tăng mạnh, ăn cả vào vốn điều lệ và vốn huy động của dân, dẫn đến thanh khoản thường xuyên căng thẳng.
Chưa kể, một số NHTM nhỏ đến thời hạn phải trả nợ tái cấp vốn từ NHNN. Khi chưa thu hồi được nợ xấu nhanh, các NH này buộc phải tăng cường huy động vốn để giải quyết thanh khoản, khiến các NH lớn dù thừa thanh khoản vẫn phải duy trì lãi suất huy động cao để giữ chân khách hàng tiền gửi.
Một lý do nữa khiến xảy ra tình trạng rốt ráo hút vốn huy động do nhiều NHTM huy động vốn kỳ hạn 12 tháng, khi khách hàng có nhu cầu rút vốn, các NH cho vay cầm cố sổ tiết kiệm với kỳ hạn 11 tháng.
Với cách này các NHTM giải quyết được 2 vấn đề: Thứ nhất, có thể cơ cấu tăng ảo được nguồn vốn huy động trung, dài hạn (12 tháng), trong khi thực tế chỉ huy động kỳ hạn 1 tháng theo chương trình này.
Thứ hai, có thể hạch toán tăng trưởng được tín dụng ảo dựa trên chương trình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Đây là cơ sở để NHNN xem xét cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm sau cho các NHTM. Một chuyên gia NH cũng nhận định từ nay đến cuối năm sẽ có một số NHTM khởi sắc về tín dụng, nhưng không phải là tín dụng mới với cầu tín dụng thực sự, mà là "thủ thuật" lách của các NHTM để tự cứu mình.
Đơn cử, NH có thể bắt tay với doanh nghiệp đẩy mạnh cho vay, giúp doanh nghiệp có vốn xoay vòng và có thời gian xoay sở vượt qua khó khăn tạm thời, trong khi NH vừa giải quyết được nợ xấu, thu được lãi, vừa giảm bớt trích lập dự phòng… Những điều này sẽ giúp lợi nhuận các NHTM tăng vào cuối năm tài chính 2012.
Cửa lợi nhuận Hẹp dần
Có thể thấy những nhận định trên có cơ sở khi mới đây NHNN cho biết khoảng 250.000 tỷ đồng đã được các NHTM cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp. Và thực tế việc cơ cấu lại nợ không chỉ NH chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, mà còn giúp NH vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, để gia tăng lợi nhuận thực sự cho các NHTM từ nay đến cuối năm xem ra không đơn giản.
Nguồn vốn huy động dồi dào, nhưng tìm đầu ra không dễ. Ảnh: LÃ ANH |
Lãnh đạo của Eximbank cho biết mảng kinh doanh ngoại hối giúp các NHTM có thế mạnh về xuất nhập khẩu gia tăng lợi nhuận nhanh chóng, nhưng năm nay rất khó khi tỷ giá khá ổn định, không có sự chênh lệch quá lớn giữa tỷ giá chính thức và thị trường tự do. Chưa kể, NHNN thu hẹp trạng thái ngoại tệ và hạn chế cho vay, hạ lãi suất huy động ngoại tệ… khiến các NHTM không còn nhiều cửa kiếm lợi nhuận từ mua bán, huy động và cho vay ngoại tệ.
Trong khi đó, mảng kinh doanh vàng cũng chưa có nhiều tiến triển khả quan. Dù theo Nghị định 24, cơ hội mua bán vàng miếng chủ yếu tập trung về các NHTM, nhưng hiện nay không ít NH buộc phải từ chối mua bán mà chỉ nhận giữ vàng hộ dân không tính phí. Nhiều NHTM tạm dừng mua vàng, nhất là với vàng miếng chưa đổi bao bì mới chống giả do lo ngại rủi ro.
Riêng với mảng kinh doanh dịch vụ như thẻ, thanh toán… chỉ vài NHTM lớn có thế mạnh là có thể tăng doanh thu đều đặn hàng quý, còn lại hầu hết NH đang phải chạy đua thu hút khách hàng, đã buộc phải giảm, miễn nhiều loại phí, nên lợi nhuận kiếm được từ mảng này không bao nhiêu.
Bên cạnh đó, hiện nay một số NHTM đã tung ra nhiều gói tín dụng cá nhân lãi suất cực sốc 8,5-9%/năm ở 3-4 tháng đầu tiên, nhằm chiêu dụ khách hàng vay vốn, những tháng tiếp theo tính theo lãi suất thả nổi.
Nhưng theo các chuyên gia NH, với những NHTM thừa vốn lớn từ nay đến cuối năm sẽ ưu tiên mua trái phiếu chính phủ (TPCP), bởi kênh tiêu vốn này dù lãi suất thấp, chỉ khoảng 9%/năm, nhưng vẫn là kênh an toàn và giúp NHTM có thể xoay vốn nhanh khi cần thanh khoản (dùng TPCP để thế chấp vay vốn trên thị trường liên NH).
Điều này có thể thấy rõ khi từ đầu năm đến nay các NHTM đã mua 117.755 tỷ đồng TPCP, gấp rưỡi lượng TPCP đã mua cả năm 2011. Nếu từ đầu tháng 10 đến nay chỉ qua 11 phiên đã có 11.600 tỷ đồng TPCP phát hành, trong khi đó 3 tháng cuối năm 2011, 25 phiên đấu thầu TPCP qua HNX chỉ huy động được 5.400 tỷ đồng.