Mặc dù đã có những chuyển biến, nhưng việc xử lý hành vi vi phạm ở các quận huyện hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả chưa được như kỳ vọng.
Quận huyện kêu khó
Ghi nhận tại một số khu vực ở quận 12 cho thấy, tình trạng xả rác bừa bãi ra khu vực công cộng vẫn còn rất phổ biến. Đơn cử như ở phường Thới An, rất nhiều kênh rạch đã bị bức tử bởi lượng rác sinh hoạt của người dân ở đây xả ra. Kênh ứ đọng rác thải, nước không lưu thông, lâu ngày bốc mùi hôi khó chịu, gây bức xúc cho nhiều người dân.
Bà Nguyễn Thị Quế Nhung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy - Chủ tịch HĐND phường Thới An, cho biết phường đã thường xuyên tổ chức ra quân vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần để xóa điểm rác lưu cữu. Đã tổ chức được 39 đợt ra quân xóa 28 điểm rác lưu cữu với hơn 2.000 lượt người tham gia.
Tuyên truyền vận động từng hộ gia đình, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thực hiện không xả rác ra đường và kênh rạch. Đồng thời thực hiện các công trình xã hội hóa để lan tỏa trong nhân dân. Kết quả đã thực hiện 22 công trình với tổng kinh phí vận động trong nhân dân gần 9 tỷ đồng.
Nhiều kênh rạch ở quận 12 đang bị ô nhiễm do tình trạng xả rác thải bừa bãi.
Song công tác xử lý các hành vi vi phạm về pháp luật bảo vệ môi trường ở địa bàn vẫn còn những khó khăn vướng mắc nhất định. Đơn cử như công tác vận động tuyên truyền đối với những người tạm cư chưa được hiệu quả. Các hành vi vi phạm pháp luật về xả rác, xả nước thải ra đường, kênh rạch, khu dân cư chưa được xử lý kịp thời.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đặng Hải Bình, Phó Trưởng phòng TN-MT quận 12, cũng cho biết từ đầu năm 2019 đến nay, UBND quận đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 10 công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn, với tổng số tiền phạt gần 600 triệu đồng.
Thực hiện tiếp nhận phản ánh, góp ý của người dân qua website quận, Facebook quận và ứng dụng Zalo… Tuy nhiên, trong thời gian qua, UBND quận gặp vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Quận đã có báo cáo và kiến nghị hướng dẫn biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt như nói trên.
Song đến nay vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ. Hiện nay, các hành vi liên quan đến môi trường của tổ chức hay cá nhân đều xử lý theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ là muốn xử lý phải bắt tận tay, bắt quả tang, lập biên bản rồi mới xử lý; còn việc áp dụng phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ như camera hay hình ảnh để xử phạt thì chưa có quy định chính thức trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Tìm cách tháo gỡ
Trong thực tế, không chỉ riêng quận 12 mà ở hầu hết các quận huyện trên địa bàn thành phố đều đang phải chịu chung tình trạng này. Cơ quan nhà nước còn ra sức tuyên truyền, một số người dân thì vẫn có thói quen xả rác vô tội vạ ra nơi công cộng.
Trong thực tế, không chỉ riêng quận 12 mà ở hầu hết các quận huyện trên địa bàn thành phố đều đang phải chịu chung tình trạng này. Cơ quan nhà nước còn ra sức tuyên truyền, một số người dân thì vẫn có thói quen xả rác vô tội vạ ra nơi công cộng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cũng nhìn nhận Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản luật liên quan khác chưa có quy định cụ thể biện pháp cưỡng chế trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Bất cập này kéo theo khó khăn trong việc ban hành quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền, vì trong quyết định cưỡng chế phải ghi rõ biện pháp cưỡng chế được áp dụng. Thực tế triển khai tại TPHCM,
công tác xử phạt vi phạm về môi trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do các cơ quan chức năng thiếu nhân sự, trang thiết bị hỗ trợ, mặt khác do luật ban hành chưa cụ thể nên khó cho các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện. Để khắc phục tình trạng này, Sở TN-MT TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp với các sở ban ngành, quận huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng sẽ kiến nghị lên Bộ TN-MT điều chỉnh một số điều trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chất lượng nước bị ô nhiễm bởi nitrat, các kim loại nặng và hạt vi nhựa (microplastics), đã trở thành “một cuộc khủng hoảng vô hình” ảnh hưởng đến cả các nước giàu cũng như các nước nghèo. Theo WB, chất lượng nước kém có thể tiêu tốn tới 1/3 tăng trưởng kinh tế tiềm năng ở các khu vực bị ảnh hưởng nhất. Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc lại, hơn 80% nước thải trên thế giới, đặc biệt có 95% ở một số nước đang phát triển được thải ra môi trường không được xử lý. Những nguyên nhân này đã và đang tác động mạnh đến sức khỏe, đời sống, kinh tế của tất cả các quốc gia. WB kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp giải quyết tình trạng ô nhiễm nước để các quốc gia có thể phát triển nhanh hơn theo cách bền vững và công bằng hơn. |