![]() |
Nguồn kiều hối của kiều bào gửi về nước năm 2011 đạt trên 9 tỷ USD, tăng gần 1,5 tỷ USD so với 2010. Những ngày cuối năm âm lịch, lượng kiều hối tăng mạnh và một phần lớn được đầu tư vào BĐS. Đây được xem là động lực quan trọng kích thích thị trường trong bối cảnh khan hiếm nguồn tiền.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy một tỷ lệ lớn lượng kiều hối hàng năm được đầu tư vào BĐS. Năm 2011 có tới 52% nguồn kiều hối đổ vào BĐS. Nắm bắt được xu hướng này, những ngày cuối năm không ít doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh BĐS tại TPHCM mạnh dạn đưa sản phẩm ra thị trường.
Cuối tháng 12-2011, CTCP Tấc Đất Tấc Vàng tung ra thị trường dự án biệt thự nghỉ dưỡng Green River Villas (thuộc khu đô thị mới Mỹ Phước 4, tỉnh Bình Dương). Khách hàng quan tâm và chính thức ký hợp đồng mua bán với Tấc Đất Tấc Vàng trong thời điểm hiện nay phần lớn là kiều bào và thân nhân trong nước.
Nhiều khách hàng cho biết BĐS nghỉ dưỡng thích hợp để đầu tư lâu dài vì có khả năng sinh lời, nhất là cho thuê khi chưa sử dụng. Mặt khác, về lâu dài loại hình BĐS này rất thích hợp cho nhu cầu nghỉ dưỡng của kiều bào.
Tương tự, dù mở bán vào đúng dịp thị trường trầm lắng nhưng dự án Natureland (quận 9) của CTCP địa ốc Thăng Long vẫn thu hút lượng khách hàng đáng kể mua sản phẩm từ nguồn kiều hối.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Tấc Đấc Tấc Vàng, cho biết lượng kiều hối tăng đã góp phần đáng kể vào thanh khoản BĐS, nhất là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng. Trong bối cảnh thị trường khó khăn về vốn, số tiền hàng tỷ USD được bơm vào BĐS được ví như “bình ôxy” thổi ngạt cho thị trường BĐS.
Đây cũng là minh chứng cho việc kiều bào đã nhìn thấy cơ hội đầu tư khi giá nhiều dự án BĐS trong nước đã giảm về mức hấp dẫn.
Trong một hội nghị giới thiệu về chính sách nhà, đất cho kiều bào do Ủy ban Về người nước ngoài TPHCM tổ chức, nhiều người bày tỏ mong muốn trở về quê hương sinh sống và việc đầu tiên họ nghĩ đến là chuẩn bị cho mình một ngôi nhà ở vùng ven, yên tĩnh để nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy còn nhiều vướng mắc về thủ tục nên chưa khơi thông tiềm năng và đáp ứng nguyện vọng của kiều bào.
Dù chưa có chính sách định hướng dòng kiều hối, nhưng 9 tỷ USD (chiếm gần 1/10 GDP của Việt Nam) là một trợ lực hữu hiệu cho nền kinh tế, nhất là thị trường BĐS ở thời điểm hầu hết chủ đầu tư đang khát vốn.