Hai quan điểm giao dịch của khối ngoại
Phiên 10-10, GTGD khớp lệnh tại HOSE đạt 3.740 tỷ đồng, giá trị mua vào của NĐTNN đạt 363 tỷ đồng, tức chiếm gần 10% giao dịch, còn giá trị bán đạt hơn 703 tỷ đồng, tức gấp gần 2 lần so với giá trị mua vào và chiếm khoảng 20% giao dịch.
Phiên 5-11 GTGD khớp lệnh tại HOSE đạt mức thấp nhất tính từ 10-10 đến 6-11 với 2.421 tỷ đồng, khối ngoại mua gần 510 tỷ đồng, bán hơn 450 tỷ đồng. Phiên 30-10 NĐTNN mua vào với giá trị thấp nhất trong khoảng thời gian này, khoảng 325 tỷ đồng, nhưng cũng chiếm tỷ trọng khoảng 13% so với giá trị giao dịch tại HOSE đạt khoảng 2.500 tỷ đồng. Những thống kê trên đây đã chỉ ra 2 điểm quan trọng trong giao dịch của khối ngoại.
Thứ nhất, hoạt động mua vào của khối ngoại nhìn chung vẫn ổn định, giá trị mua vẫn luôn chiếm ít nhất 10% so với tổng giá trị giao dịch, và tỷ lệ này đã được duy trì trong một thời gian rất dài. Còn xét về số tuyệt đối giá trị mua của khối ngoại vẫn luôn được duy trì ở mức trên 300 tỷ đồng, xấp xỉ khoảng 15 triệu USD.
Mặt khác, hoạt động mua vào của khối ngoại không hẳn phụ thuộc vào việc tăng giảm ngắn hạn của thị trường. Dẫn chứng 2 phiên 29 và 30-10, VN Index đều đóng cửa dưới ngưỡng 900 điểm với độ rung lắc rất mạnh, nhưng đây lại là 2 phiên có giá trị mua vào thấp nhất. Ngược lại, 2 phiên NĐTNN mua ròng mạnh nhất với giá trị tính bằng ngàn tỷ đồng, bao gồm 16-10 (1.141 tỷ đồng) và 1-11 (2.777 tỷ đồng) lại là 2 phiên VN Index đều tăng trên 1% điểm số. Nghĩa là chưa hẳn khối ngoại đã thấy rẻ thì mua hay giá tăng thì bán, mà còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố và những toan tính của riêng mình.
Thứ hai, việc bán ra của khối ngoại cũng không có gì quá bất ngờ với 2 nguyên nhân chủ đạo, đó là theo trend (xu hướng) và việc tái cơ cấu danh mục. Câu chuyện bán ra theo trend cũng không còn quá mới, từ giữa năm 2018 đến nay, VN Index chỉ dao động quanh ngưỡng 900-1.000 điểm, vì vậy việc tranh thủ có lãi trong ngắn hạn và cắt lỗ khi cần là chiến thuật phổ biến cho các NĐT, trong đó có cả NĐT ngoại.
Nên biết, số lượng quỹ ngoại tham gia TTCK đã liên tục tăng mạnh trong 2 năm nay và phương thức giao dịch cũng rất đa dạng, không chỉ mua-giữ dài hạn, mà cũng có lướt sóng, mua-bán trong ngắn và trung hạn. Dẫn chứng rõ nét là phiên 2-11, khi VN Index tăng 17 điểm từ 907 lên 924 điểm, tương ứng 1,86%, giá trị bán ra của khối ngoại lên đến gần 1.080 tỷ đồng, vượt trội so với giá trị mua vào cũng khá lớn (817 tỷ đồng). Nhưng điều đáng lưu tâm nằm ở hoạt động tái cơ cấu danh mục của khối ngoại.
Khách hàng giao dịch tại SSI. Ảnh: VIẾT CHUNG
Khối ngoại tái cơ cấu
Cách đây vài ngày, Vinamilk (VNM) đã có buổi gặp gỡ NĐT để chia sẻ về hoạt động kinh doanh của mình. Đây là một sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư, vì lượng tiêu dùng sữa nội địa lẫn thế giới đang giảm. Lãi ròng của VNM trong quý III-2018 đạt 2.560 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. VNM vốn được đánh giá là một trong những CP tốt nhất thị trường với vị thế đầu ngành, duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong hàng chục năm bỗng phát ra một vài tín hiệu chựng lại, tất nhiên sẽ tác động đến tâm lý của một số NĐT.
Hồi đầu tháng 10, CP này còn có giá khoảng 137.000 đồng/CP nhưng đến đầu tháng 11 thì giá còn khoảng 114.000 đồng/CP, tức giảm khoảng 8%. Thống kê trong khoảng thời gian 20 phiên tính đến 6-11 có đến 19 phiên NĐTNN bán ròng VNM. Nhìn cả về ngắn lẫn dài hạn chuyện của VNM cũng rất bình thường, công ty tăng trưởng một thời gian dài, CP nhận được nhiều kỳ vọng lớn, cũng phải có lúc chững lại.
Mặt khác, lãnh đạo công ty cho biết không bi quan về lượng tiêu thụ sữa giảm, biên lợi nhuận quý IV sẽ cải thiện cũng là tín hiệu lạc quan. Đó là lý do khiến VNM nếu có bị “ngoại” này bán ra cũng có “ngoại” khác mua vào. Vả lại, mua vào những CP đầu ngành, tiềm năng tăng trưởng mạnh ngay tại những lúc có giá tốt nhất mới là hợp lý.
Tương tự VNM chính là Thế giới di động (MWG), khi phải tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng của mình tại chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX). Cũng như VNM, MWG thu hút NĐT ở thị phần. Thành công nhiều, kỳ vọng lớn, và tất nhiên áp lực dành cho BHX cũng cao. Nếu như ở thời điểm mới xuất hiện trên thị trường, chiến lược của BHX là việc lựa chọn những thị trường vùng ven, cách xa trung tâm thành phố, hiện nay BHX lại thay đổi khi sẵn sàng mở cửa hàng tại các trục đường lớn, cạnh tranh trực tiếp với nhiều đối thủ khác.
Câu chuyện của VNM hay BHX vẫn sẽ cần thêm thời gian để trả lời, nhưng một điều không thể phủ nhận là nó sẽ tạo ra những sự phân hóa trong suy nghĩ. Và tương tự chiến lược của mỗi NĐTNN cũng vậy, chủ yếu là các quỹ đầu tư. Các quỹ có thể tính đến việc tìm kiếm những mục tiêu khác, hoặc giảm tỷ trọng, giữ nguyên hay mua thêm. Việc bán ra trong hoạt động tái cơ cấu cũng là rất bình thường.
TTCK vẫn đang chờ đợi một con sóng, dù có thể không phải con sóng cuối năm điều đã xảy ra trong 3 năm gần đây. Do vậy, nhiều khả năng động thái giao dịch của khối ngoại trong ngắn hạn cũng là một sự chuẩn bị cho những diễn biến bất ngờ, và cũng đáng để chờ đợi trong thời gian tới. |