Khôi phục “kinh tế mặt tiền liền sau bếp”

(ĐTTCO) - Du lịch là “kinh tế mặt tiền” chịu ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề và dai dẳng do đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua. Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói này đang là điểm sáng, tạo ra bứt phá trong các kịch bản phục hồi kinh tế của các địa phương và cả nước. 

Khách du lịch du xuân tại TPHCM bằng xe buýt 2 tầng.
Khách du lịch du xuân tại TPHCM bằng xe buýt 2 tầng.
Bật dậy sau cú ngã trọng thương
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2.400 tỷ USD. Theo Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ghi nhận tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tổn thất việc làm trong các ngành liên quan đến du lịch trong năm 2020 cao hơn 4 lần so với các ngành khác.
Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 như “cú đấm bồi” lên thân thể ngành du lịch sau gần 2 năm chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Tác động tiêu cực, tích lũy, liên hoàn do đại dịch đến người làm du lịch, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp và toàn ngành du lịch cả nước. 
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2021 tiếp tục giảm 95,9% so với năm trước; khách du lịch nội địa chỉ đạt khoảng 40 triệu lượt, mức rất thấp so năm 2018 là 80 triệu lượt. Có đến 90-95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề, mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.
Nhưng từ tháng 10-2021, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khí thế phục hồi kinh tế, mở cửa du lịch đã tạo ra sức bật mới. Du lịch thành điểm sáng nổi lên những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. 
TPHCM đã xóa đi hình ảnh “tâm điểm” của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 để trở lại vị trí của trung tâm du lịch lớn của cả nước. Chỉ riêng những ngày tết vừa qua, TPHCM đã đạt doanh thu hơn 3.100 tỷ đồng với khoảng 300.000 lượt khách du lịch; khoảng 1 triệu lượt người sử dụng các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, vận chuyển.
Nhiều điểm vui chơi từ miền Tây sông nước miệt vườn, đến TPHCM sôi động, miền Trung nhiều cảnh quan đặc sắc, Tây nguyên mộng mơ, hùng vĩ đến các điểm du lịch hấp dẫn phía Bắc bừng lên đầy sức sống. 
Nếu không đi du lịch, ngồi nhà, ngoài các món ăn truyền thống tự làm, bất cứ lúc nào, thực khách cũng có thể đặt món ăn ưa thích qua dịch vụ ship hàng tận nơi, qua các kênh bán hàng trực tuyến xuyên tết. Những thứ trong những ngày tết các năm trước, mọi người phải đợi đến hết “mùng”. Nền kinh tế thực đang vận hành khác hẳn trạng thái nghỉ ngơi dịp tết mọi năm.

Mở rộng cửa, kích hoạt du lịch an toàn
Có được khí thế mới, trạng thái bình thường mới của ngành du lịch chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để mở rộng cửa du lịch, kích hoạt chế độ “lò xo an toàn”. Sự thay đổi nhận thức lẫn hành vi giao tiếp theo tư duy “sống chung an toàn trước dịch bệnh” giúp sức khỏe nền kinh tế, sức sống của xã hội và ngành du lịch được hồi sinh.
Du lịch là ngành “kinh tế mặt tiền” có khả năng tích hợp đa giá trị từ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, cảnh quan môi trường sinh thái đến “bếp ăn” - các giá trị ẩm thực đa dạng, hấp dẫn của Việt Nam. 
Để ổn định và phát triển nền “kinh tế mặt tiền” này, ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện linh hoạt thích ứng, tăng cường liên kết hệ thống, từ trọng tâm sang thị trường du lịch nội địa, mạnh dạn khai thác du lịch quốc tế trong an toàn để tránh chậm chân trước các đối thủ cạnh tranh.
Ngành du lịch cần liên tục làm mới sản phẩm, dịch vụ để duy trì hoạt động trong an toàn là những yêu cầu mà người làm du lịch đã trải nghiệm và thực hiện trong thời gian qua. 
Với việc đẩy mạnh các hoạt động liên kết không gian du lịch, sản phẩm du lịch an toàn cần sự hợp tác, chia sẻ, khai thác hiệu quả hơn tài nguyên du lịch của từng địa phương mang lại hiệu quả tốt và an toàn hơn.
Thế mạnh du lịch sông nước, miệt vườn, biển đảo, du lịch trải nghiệm văn hóa của ĐBSCL là sự kết nối có nhiều lợi thế với du lịch TPHCM cũng như du lịch Tây nguyên, con đường di sản miền Trung và những giá trị đặc sắc của vùng văn hóa du lịch cảnh quan, lịch sử nhiều tuyến, điểm, sản phẩm du lịch độc đáo khu vực phía Bắc. 
Trước mắt, thực thi tốt các nhóm giải pháp phục hồi và tăng trưởng du lịch. Tiếp tục đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận tốt nhất các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch.
Huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh phù hợp với xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với tiêu chí du lịch an toàn.
Đặc biệt, khẩn trương số hóa toàn bộ các dữ liệu du lịch, kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến. 
Bản thân mỗi doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch phải chủ động xây dựng và triển khai các phương án kinh doanh tốt nhất, chuẩn bị các gói sản phẩm dịch vụ tốt nhất để tận dụng sức bật tốt nhất.
Nhưng như “người bệnh mới khỏi”, ngành du lịch rất cần tiếp sức kịp thời từ các gói hỗ trợ kinh tế và chính sách, các chương trình kích cầu ngay những nơi kiểm soát tốt dịch bệnh hay an toàn trên diện rộng. Tăng cường liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư.  
 Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… là cách thức để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển an toàn.

Các tin khác