Khôi phục mỹ quan sông Sài Gòn bằng cách nào?

(ĐTTCO)-Hiện nay tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào mục đích cá nhân đang rất phổ biến, nhất là khu vực có mật độ dân cư đô thị hóa cao. Không chỉ cá nhân, bờ sông còn bị chia cắt bởi các dự án bất động sản nên con đường kết nối ven sông không được thông suốt. Các công viên bờ sông trở thành không gian riêng của những người sống trong các dự án… 
Một góc hành lang sông Sài Gòn bị các dự án, khu biệt thự lấn chiếm làm của riêng.
Một góc hành lang sông Sài Gòn bị các dự án, khu biệt thự lấn chiếm làm của riêng.
Đây là lý do UBND TPHCM đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn, kênh rạch nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản vào năm 2025”. 
Trong nhiều năm qua, khu vực ven sông, kênh rạch tại TPHCM đã và đang bị lấn chiếm xây dựng nhiều công trình, gây sạt lở, sụt lún và làm mất mỹ quan TP.
Trước thực trạng này, TPHCM đã phủ kín quy hoạch phân khu, trong đó cập nhật quy hoạch mép bờ cao, hành lang bảo vệ bờ sông từ 30-60m. Theo đó, quy hoạch được duyệt với không gian dọc sông Sài Gòn, kênh rạch nội thành là cây xanh, công viên và công trình hạ tầng kỹ thuật.
 Sông nước đối với TPHCM là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt nên phải được sử dụng, phát triển tốt trong tương lai. TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch hành động phát triển TP định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có quy hoạch kè bờ sông và sử dụng quỹ đất ven sông.
Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN
Bí thư Thành ủy TPHCM
TP cũng đã quy hoạch tuyến du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn, tuyến buýt sông, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, quy hoạch 10 phân khu dọc sông Sài Gòn… Và đến nay TP đã xây bờ kè được 15% tổng số kênh rạch…
Tuy nhiên, tính định hướng kết nối khai thác tiềm năng cảnh quan không gian 2 bên bờ sông chưa được quan tâm đúng mức. Một số đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trải qua nhiều giai đoạn nhưng thiếu đồng bộ.
Đặc biệt, đoạn sông chảy qua quận 2, nhiều bờ sông trở thành sân sau của các ngôi biệt thự, nhiều chủ nhà tự xây bờ kè cho đoạn sông sau nhà mình, tự làm bến du thuyền cho riêng gia đình... Có khu vực bị các công trình lấn sông để kinh doanh nhà hàng, quán cà phê, nhưng chính quyền chưa xử lý dứt điểm… 
Vậy làm thế nào để sông nước là tài sản chung của dân, quy hoạch không chạy theo chủ đầu tư, không phân lô để các chủ đầu tư lấn ra sông, đảm bảo hành lang tối thiểu của bờ sông, bảo đảm các chức năng cơ bản của sông, kênh rạch... là những vấn đề cấp thiết được đặt ra tại hội thảo, nhằm biến 2 bên bờ sông Sài Gòn đoạn đi qua các quận trung tâm của TP là dải công viên cây xanh kết nối với nhau bằng con đường ven sông? 
ĐTTC ghi nhận một số ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước… nhằm tìm kiếm, đề xuất giải pháp khai thác tiềm năng bờ sông Sài Gòn, cùng hệ thống kênh rạch TP một cách hiệu quả nhất, tận dụng tối đa ưu thế trời phú mà không phải TP nào cũng có được.  
Ông VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TPHCM:

Quy rõ trách nhiệm từng cơ quan

Hệ thống sông ngòi có vai trò quan trọng trong sự phát triển của TPHCM. Tuy nhiên, TP đang đối mặt với nhiều thách thức, như quá trình đô thị hóa gây nên tình trạng sạt lở, sụt lún; hệ thống quản lý chưa đồng bộ khiến các bờ sông đang bị lấn chiếm, xây dựng nhiều dự án cao tầng…
Do đó, việc đặt ra các giải pháp ứng phó và phát huy tiềm năng của phần không gian dọc các sông, rạch… làm đô thị đẹp hơn, tận dụng tiềm năng này góp phần phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực bất động sản. 
Muốn vậy cần có tư duy quy hoạch không gian các bờ sông. Theo đó, phải nhìn vào thực tiễn của TP, làm không gian mở công cộng, kết hợp phát triển các dự án kinh tế. TP tận dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 để thu hút các nguồn lực đầu tư, xã hội hóa trong xây dựng, giao thông, du lịch… dọc các bờ sông.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh đề án phát triển bờ kè kênh rạch, kêu gọi đầu tư một số dự án trọng điểm như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát...
Cùng với đó, TP sẽ xây dựng khung pháp lý phát triển và quy chế quản lý thống nhất đồng bộ, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, vai trò của người dân và doanh nghiệp, có nhiều cơ chế để huy động nguồn lực xây dựng một số vùng đệm để bảo vệ bờ kè, khai thác quỹ đất.

Ông NGUYỄN THANH NHÃ, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM:

Các đồ án quy hoạch thiếu tính tổng thể

TPHCM đã phủ kín quy hoạch phân khu, trong đó quy hoạch mép bờ cao và hành lang bảo vệ bờ sông 30-50m theo Quyết định 150/2004 và Quyết định 22/2017 của UBND TP. Theo quy hoạch được duyệt, không gian dọc bờ sông Sài Gòn chức năng chủ yếu là cây xanh, đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
UBND TP đã có ý kiến chỉ đạo các sở ngành có liên quan nghiên cứu quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng phát triển ngành, lĩnh vực trên không gian dọc sông Sài Gòn và ven kênh rạch nội thành. 
Tuy nhiên, hiện nay tính định hướng kết nối, khai thác tiềm năng cảnh quan không gian 2 bên bờ sông còn bị hạn chế, do chưa có công cụ về quy hoạch và thiết kế đô thị mang tính tổng thể xuyên suốt; chưa đặt dòng sông, dòng kênh là yếu tố quan trọng trong quy hoạch, kế hoạch thực hiện.
Một số đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trong nhiều giai đoạn theo các căn cứ pháp lý khác nhau, nên thiếu đồng bộ, xuyên suốt và chưa có giải pháp khai thác cảnh quan ven sông để phục vụ các hoạt động công cộng. 
Cụ thể, thiếu cách tiếp cận công viên hành lang bờ sông; chưa có giải pháp với từng khu vực, từng vùng; thiếu đồng bộ về quản lý giữa các ngành, lĩnh vực dự án đê bao chống ngập; chưa chú trọng khai thác giao thông, cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái; tình trạng lấn chiếm bờ sông để sử dụng vào mục đích riêng còn khá phổ biến.
Ông MIQUEL ANGEL PEREZ MARTORELL, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia:

Mở rộng không gian 2 bên bờ sông

15 năm trước, du lịch Tây Ban Nha bắt đầu tăng trưởng nóng như Việt Nam hiện nay. Tây Ban Nha và đặc biệt là Barcelona nơi tôi ở chứng kiến sự bùng nổ của các dịch vụ du lịch từ ăn uống đến nghỉ ngơi, giải trí. Dịch vụ tự phát khắp nơi, các khu nhà nghỉ mọc lên…
Hậu quả, du khách xả rác bừa bãi xuống các bãi biển, sông rạch; khách sạn đua nhau mọc lên dọc bờ biển, bờ sông chắn ngang những con đường xuống bãi biển. Sau khi quy hoạch lại, chúng tôi đã phải đập bỏ, di dời rất nhiều tòa nhà.
TPHCM có lợi thế các bờ kênh, sông chạy dọc TP, cần phải mở rộng không gian 2 bên bờ, tránh những sai lầm của Barcelona. Cần làm cho các bờ kè, bờ sông Sài Gòn là nơi người dân đến được, thưởng thức cà phê, hóng gió hay dạo mát tản bộ với không khí trong lành, thoáng đãng.
Từ đây, người dân dễ dàng kết nối với taxi đường thủy, lên bờ rồi dễ dàng bắt xe để đi đến nơi làm việc, mua sắm...
Những không gian bờ kè hay bờ sông là một phần trong hệ thống giao thông của TP, không được tách rời.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:

Sửa luật để phát huy tiềm năng sông, rạch

Trước tiên, cần bổ sung Luật Đất đai để quy định giao đất cho chủ đầu tư dự án đến mép bờ cao sông rạch, đồng thời quy định cơ chế quản lý quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch.
Bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng quy định thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu đối với bờ kè và hành lang bảo vệ sông rạch trên địa bàn. Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất. 
Hiện đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, chúng tôi đề nghị TP chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch. Không để tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn sông, biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở.
Quy định chủ đầu tư dự án có trách nhiệm đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ, đường ven sông, công viên, mảng xanh, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng trong khu vực quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch. 
Với các dự án trước đây chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, đề nghị có cơ chế, chính sách khuyến khích chủ đầu tư dự án đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng; đầu tư xây dựng bờ kè, đường ven sông, công viên, thảm cỏ, các công trình dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng. Thực hiện hình thức đấu thầu các quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực.
Triển khai các dự án chỉnh trang kênh rạch, di dời, tái định cư, kè bờ, làm đường, theo phương thức đối tác công - tư với hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP…

Ông PHAN XUÂN ANH, Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt:

Công khai quy hoạch, cần nhiều ý kiến

Trục đường Tôn Đức Thắng có khu vực bến cảng và công viên dài chạy dọc ven sông Sài Gòn, rất thích hợp xây dựng địa điểm tập trung vui chơi, giải trí, hóng mát của người dân TP và du khách, giúp tăng thêm sản phẩm đường sông. Những cầu tàu được đầu tư sẽ trở thành điểm nhấn cho tuyến sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, hiện nay sự kết nối giữa các bến thủy dọc bờ sông Sài Gòn còn rời rạc, chưa tạo được sức hút là nơi vui chơi giải trí hay nơi tụ tập của người dân. Đây là điều đáng tiếc vì những TP có được bờ sông đẹp nội thành như TPHCM không nhiều.
Sông Sài Gòn hiện nay đang được khai thác quá hạn hẹp, trong khi công năng của nó phong phú hơn nhiều. Quy hoạch chắc chắn là cần thiết, nhưng điều cần không kém là phải minh bạch thông tin, công khai để doanh nghiệp có thể tham gia ý kiến, tham gia đầu tư. 

Các tin khác