Khơi thông đầu tư công tạo động lực tăng trưởng

(ĐTTCO) - Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính thành lập 5 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) với 3 Phó Thủ tướng, 2 Bộ trưởng cùng được giao nhiệm vụ đôn đốc, cho thấy tính cấp thiết của giải ngân ĐTC, được đánh giá là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Khơi thông đầu tư công tạo động lực tăng trưởng

IuNhững điểm nghẽn cũ và mới

Có thể nói, giải ngân vốn ĐTC chậm là “căn bệnh” trầm kha suốt nhiều năm qua và chưa bao giờ hết “nóng”. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, nhiều giải pháp được đề xuất, song tiến độ nhiều dự án có vốn ĐTC vẫn không được như kỳ vọng.

Nguyên nhân giải ngân vốn ĐTC chậm chủ yếu tập trung ở 3 nhóm nguyên nhân: Thứ nhất, do thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp, kịp thời, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Thứ hai, cùng hệ thống pháp luật như nhau nhưng có tỉnh rất tốt, có bộ, ngành, địa phương còn kém. Chậm trễ trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư, công tác xây dựng kế hoạch còn hạn chế.

Thứ ba, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều nơi thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, tăng chi phí doanh nghiệp.

Ngoài 3 nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân khác không kém quan trọng: cán bộ không dám làm, không dám đề xuất giải pháp mới để thực hiện vì… sợ sai. Tất cả dẫn đến các dự án ĐTC rơi vào bế tắc.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, 2 lĩnh vực vướng mắc lớn nhất hiện nay liên quan đến ĐTC là công tác chuẩn bị đầu tư và việc thực hiện đầu tư. Trong khâu chuẩn bị đầu tư, theo quy định hiện hành khi có tiền mới được lập dự án đầu tư. Nhưng muốn có tiền thì theo quy trình dự án được duyệt 2 năm sau mới giải ngân được.

Để gỡ nút thắt này, Bộ Tài chính đã kiến nghị dùng nguồn ngân sách của chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Bởi được bố trí vốn đầu tư, khi triển khai công tác thực hiện đầu tư sẽ không có vướng mắc.

Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc.

Một điểm nghẽn nữa trong ĐTC là vấn đề đền bù GPMB. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quy định là cấp tỉnh phê duyệt đơn giá, sau đó về các huyện thành lập các hội đồng đền bù và phê duyệt các phương án đền bù. Nhưng khâu này hiện nay nhiều địa phương không thực hiện được, bị ách lại, cũng bởi sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm.

Nguyên nhân khiến cán bộ các bộ, ngành, địa phương không dám làm, khiến giải ngân vốn ĐTC chậm do những vụ việc sai phạm bị xử lý nghiêm trong thời gian qua, đã khiến những người thực thi dè dặt.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC cả nước trong 2 tháng đầu năm đạt 6,55% kế hoạch vốn giao, tương đương 49.247 tỷ đồng đã được giải ngân, thấp hơn so với cùng kỳ 2022 (8,61%).

“Vốn mồi” từ ĐTC

Năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn ĐTC và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, kế hoạch vốn ĐTC nguồn ngân sách nhà nước lập kỷ lục, gần 711.000 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ đồng so với 2022. Đó là chưa kể kế hoạch vốn năm trước chuyển sang.

Điều này vô hình trung tiếp tục tạo áp lực lớn cho việc giải ngân vốn năm nay. Tuy nhiên, việc tập trung đẩy mạnh ĐTC kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành, như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics.

ĐTC được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động.

Trong khi đó, theo tính toán của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), nếu giải ngân vốn ĐTC tăng thêm 1% so với năm trước, GDP tăng thêm 0,058%. Với kỳ vọng tiến độ giải ngân sẽ cải thiện mạnh mẽ trong các năm tới, đặc biệt khu vực phía Nam với các dự án hạ tầng lớn như Vành đai 3 TPHCM, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi khi tham gia chuỗi cung ứng các dự án nói trên.

Như vậy, song song với chính sách tiền tệ (hạ lãi suất, ân hạn nợ) và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác, giải ngân ĐTC nhanh cũng được xem là giải pháp gián tiếp “cứu nguy” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Lấy dẫn chứng trong giai đoạn 2016-2022, tổng vốn ĐTC giải ngân đạt gần 2 triệu tỷ đồng, đã trở thành “vốn mồi” giúp góp phần huy động tổng vốn đầu tư trong xã hội đạt hơn 9,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 33,7% tổng giá trị GDP trong giai đoạn 5 năm trước đó.

Gánh nặng về bài toán ngân sách của Nhà nước được khối tư nhân “gánh hộ”, khi tỷ trọng vốn nhà nước trong đầu tư xã hội giảm dần từ mức 39,1% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 34% trong giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy vai trò “vốn mồi” của vốn giải ngân ĐTC trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất của năm nay vẫn là ĐTC. Với số vốn ĐTC dự kiến giải ngân lớn hơn năm 2022 (tăng 25%) sẽ là động lực rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, các giải pháp đã có và chưa bao giờ chúng ta có nhiều giải pháp như hiện nay. Vấn đề là cần hành động cụ thể, quyết liệt, sớm triển khai giải pháp đã ban hành. Đối với một số chính sách đã triển khai, Chính phủ có thể cân nhắc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

"Từ phía doanh nghiệp, hơn lúc nào hết cần phát huy sự hợp tác, nâng cao chất lượng quản trị. Về phía nhà quản lý, cần sớm có thông điệp rõ ràng, minh bạch hóa quá trình giải quyết các vướng mắc, để từ đó củng cố lòng tin của thị trường, nhà đầu tư” - ông Hiếu nhận xét.

Chính phủ đặt mục tiêu năm 2023 sẽ giải ngân ít nhất 95% trong số hơn 711.000 tỷ đồng vốn ĐTC nói trên, theo nguyên tắc phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án.

Nếu đúng tiến độ, đây sẽ là động lực quan trọng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Nhưng để làm được điều đó, mấu chốt ở đây là yếu tố con người - những cán bộ dám nghĩ dám làm.

ĐTC được coi là động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các đầu kéo tiêu dùng, xuất khẩu chịu ảnh hưởng do áp lực lạm phát, tỷ giá tăng và kinh tế toàn cầu biến động.

Các tin khác