Mặc dù dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam nhưng cán cân thương mại của Việt Nam quý 1 thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng kết quả này cho thấy, hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội qua việc “biến nguy thành cơ.”
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng Ba,kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,16 tỷ USD, giảm 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,84 tỷ USD, giảm 5,4%.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng Ba có kim ngạch giảm so với tháng trước. Đơn cử như mặt hàng dầu thô giảm 20,8%; sắt thép giảm 20,3%; hàng dệt may giảm 19,4%; giày dép giảm 19,1%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Ba giảm 12,1%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 3,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 15,4%.
Đáng lưu ý, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là hàng dệt may giảm 29%; sắt thép giảm 16,4%; giày dép giảm 15,9%; thủy sản giảm 11,9%; điện thoại và linh kiện giảm 10,8%.
Theo Bộ Công Thương, tính chung quý 1/2020, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 5,2%), thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay.
Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực bởi trong 2 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hong Kong (Trung Quốc) giảm 12%; Đài Loan (Trung Quốc) giảm 6,3%...
Trong kết quả này, khối doanh nghiệp trong nước là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, cao hơn nhiều mức tăng bình quân chung cả nước.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Vào thời điểm đầu thángHai, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ.
Hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt-Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng Hai.
Dù vậy, theo các chuyên gia thương mại vẫn còn khó khăn do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng.
Một bất lợi khác, xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lan rộng tại khu vực này.
Chính vì vậy, các chuyên gia thương mại cho biết kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 50,05 tỷ USD trong quý 1, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 6,6%).
Sau giai đoạn đầu của quý 1, đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà cho cả các nước khác khi đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.
Vào thời điểm này, khi việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, thì xuất khẩu Việt Nam hiện lại đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng sang các nước châu Âu và Hoa Kỳ.
Vì thế, không ít mặt hàng như dệt may, da giày, túi xách, máy ảnh, máy quay phim… đều có kim ngạch giảm.
Nhóm hàng còn lại là nhiên liệu khoáng sản kim ngạch cũng giảm 15,9%; trong đó, dầu thô giảm 8% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại giảm 30,1%.
Tuy nhiên, đáng chú ý, cán cân thương mại của Việt Nam quý 1 tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy tác dụng.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, các chuyên gia thương mại cho rằng cả xuất khẩu và nhập khẩu ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dần phục hồi trong tháng 3 do bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước này đang dần được kiểm soát.
Do đó, tính chung 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 11,5%; Hàn Quốc giảm 2,7%; Nhật Bản tăng 3,5%...
Đối với thị trường Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn vào thời điểm tháng Ba nên đã có ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Vì thế, tính chung 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường Thái Lan giảm 11,2%; Lào giảm 9%; Campuchia giảm 3,2%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 3 đạt 19 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 4,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,3 tỷ USD, tăng 1%.
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý 1/2020 giảm 1,9% so với quý 1/2019, đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).
Theo đó, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước và khối doanh nghiệp FDI đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm lần lượt là 3,4% và 0,8%.
Tính chung quý 1/2020, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, đạt 13,19 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 14,1% so với quý 1/2019, dầu thô tăng mạnh 67,9%...
Trong khi đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với quý 1/2019 như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, vải các loại, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày, xăng dầu các loại.
Về thị trường nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 3 hoặc giảm tốc ở mức độ thấp hơn tại các thị trường có kim ngạch lớn.
Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Từ tháng Ba, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm. Do đó, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng Ba, hoãn đơn hàng trong tháng Tư, Năm và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng Sáu trở đi.
Thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian hai bên ngồi đàm phán cho các đơn hàng cuối năm.
Chính lý do này đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ đang hứng chịu tác động kép từ dịch COVID-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng Ba nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới.
Cụ thể, dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này trong thời gian tới.
Ngoài ra, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đặc biệt, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hơn nữa, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.
Đây là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.
Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường xuất khẩu, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.
Mặt khác, Bộ tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gây ra khó khăn trong thương mại, hạn chế giao thương tại các thị trường xuất khẩu lớn. Từ đó, đưa ra các dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm và đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Bộ Công Thương đã chủ động có báo cáo Chính phủ về việc sớm trình bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA để Chủ tịch nước ký trình Quốc hội thực hiện thủ tục phê chuẩn vào kỳ họp tới nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh vào thời điểm cuối năm 2020 để bù đắp cho sự khó khăn của các tháng đầu năm.