Lạnh “thấu da thấu thịt”
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi nằm trên núi Pu Xai Lai Leng (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) quanh năm mây phủ. Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường kể, suốt mười mấy năm trời cắm bản ông đã được cảm nhận cái lạnh vùng cao nhưng những ngày vừa qua đúng là sống trong cảm giác lạnh “thấu da thấu thịt”. Nhiệt độ ban ngày dưới 7°C, ban đêm có thời điểm xuống 1-2°C.
Thầy Hùng tâm sự: “Chỉ thương hơn 400 em học sinh bán trú. Chúng tôi đã kêu gọi một số tổ chức, cá nhân ủng hộ áo ấm cho các em nhưng đến nay mới được 200 cái”. Để chống rét, thầy cô phải hướng dẫn các em “độn” các loại quần áo, ở trong phòng không được ra ngoài. Ngay cả củi đốt sưởi ấm cũng hiếm vì thời gian qua mưa nhiều nên kiếm không ra.
Học sinh ở bán trú tại xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) đốt lửa sưởi ấm
Tại Mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn), Đồng Văn - Mèo Vạc (Hà Giang), Nguyên Bình (Cao Bằng), Ba Bể (Bắc Kạn), Mù Cang Chải và Trạm Tấu (Yên Bái), Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai), Bình Liêu (Quảng Ninh)... tuyết rơi trắng xóa; băng đọng thành lớp dày 5-20cm...
Ở vùng núi cao, nhiệt độ xuống 4 đến 2°C, thậm chí nhiều nơi xuống dưới 0°C kéo dài 3 đến 4 ngày khiến trâu bò chết rét, bệnh hàng loạt. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân cũng bị đảo lộn, hoạt động sản xuất kinh doanh gần như “đóng băng”.
Chị Chảo Thị Hoa (thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết, những ngày vừa qua, tại xã Sìn Cái và Thượng Phùng cũng xảy ra băng giá, nhiệt độ xuống -0,2°C. Nhiều nơi người dân phải tạm gác lại nương rẫy, chợ búa để ở nhà đốt lửa sưởi ấm. Dọc thị trấn Mèo Vạc hầu như nhà nào cũng đặt 1-2 chậu than củi trước cửa để sưởi.
“Trời lạnh tới mức nước để trong ấm chén hoặc chậu, chỉ cần qua đêm sáng ra liền xuất hiện một lớp váng băng”, chị Hoa cho biết.
Trâu bò chết, mùa màng lệch vụ
Theo kinh nghiệm của người dân, thiệt hại nặng nề nhất là cây trồng, rau màu. Theo bà Vũ Thị Tính ở xã Nhìu Cồ San (bên dưới xã Y Tý - nơi băng giá và tuyết trắng phủ kín), Nhìu Cồ San, Trung Lèng Hồ và Y Tý là những nơi trồng nhiều thảo quả nhất huyện Bát Xát. Trong các năm 2013, 2014 và 2016, mưa tuyết khiến 70-80% diện tích thảo quả chết rét.
“Tình hình năm nay cũng khó tránh được. Thảo quả sẽ mất mùa lớn và 2-3 năm sau mới phục hồi như cũ”, bà lo lắng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, tổng diện tích thảo quả của địa phương này là hơn 12.000ha với gần 13.000 hộ gia đình canh tác. Thảo quả là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao nên sẽ thiệt hại nặng nề nếu bị chết.
Tại Hà Tĩnh, bà con đang rất lo lắng vì rơm khô - nguồn thức ăn chính cho bò - đã cạn kiệt. Chị Hồ Thị Liên (31 tuổi, ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) cho biết, trong vùng hầu như nhà nào cũng hết rơm khô do lũ lụt làm hư hỏng. Do nguồn rơm khô cạn kiệt nên gia đình bà Đậu Thị Hà (53 tuổi, ở xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) vừa phải bán 1 con bò. Với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài, một xe rơm khô nhỏ giá lên đến 500.000 đồng nên gia đình bà đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Vi Văn Hùng, Chánh văn phòng UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa), thông tin, do giá rét nên bò ở thị trấn Mường Lát và xã Trung Lý chết khá nhiều. Ông Cao Tuân Hà (xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình) than thở: “Lũ lịch sử gây thiệt hại khủng khiếp, nay rét lịch sử tiếp tục khiến người dân càng điêu đứng. Tui vay ngân hàng chính sách nuôi được 6 con trâu và bò, ai ngờ chúng lăn ra chết cả”.
Ông Trương Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết: “Vừa trải qua đợt lũ lịch sử, toàn xã có hơn 100 con trâu bò bị chết. Đợt rét đậm rét hại này lại cướp của bà con 46 con trâu bò”.
Ông Nguyễn Huy Hùng (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) lấy chăn ủ ấm cho trâu
Cập nhật đến chiều 12-1 từ Bộ NN-PTNT và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, từ ngày 7-1 đến ngày 12-1, rét đậm, rét hại đã làm 240 con gia súc bị chết rét. Trong đó thiệt hại nặng nhất là Điện Biên: chết 63 con trâu và 28 con bò; Lào Cai: chết 45 con trâu; Sơn La: chết 33 con trâu, 51 con bò, 1 con heo, 1 con ngựa, 11 con dê; Cao Bằng: chết 7 con trâu.
Đến nay, có 93ha rau màu và 1.050 chậu địa lan ở tỉnh Lào Cai bị thiệt hại. Tại tỉnh Yên Bái, hơn 98.170 học sinh ở 256 trường phải tạm nghỉ học vì rét đậm rét hại; tỉnh Lai Châu cũng có 132 trường cho học sinh tạm nghỉ học.
Thượng tá Đỗ Xuân Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần (Hà Giang) cho biết, những ngày gần đây, nhiệt độ ở Xín Mần xuống thấp, có đêm -1°C, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sức khỏe của người dân nơi biên cương. Vì vậy, bên cạnh công tác tuần tra, chốt trực ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch Covid-19, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Xín Mần còn tăng cường xuống các địa bàn để hỗ trợ bà con ứng phó giá rét.
Chiều 12-1, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, không khí lạnh đang có cường độ suy yếu dần song đêm 12-1 và ngày 13-1, Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục rét đậm, rét hại (dù ban ngày có nắng) với nền nhiệt độ thấp nhất chỉ 7-10°C, vùng núi 4-7°C; ở vùng núi cao có nơi vẫn dưới 0°C và có khả năng xảy ra băng giá, sương muối. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi trời tiếp tục rét (14-17°C); Tây Nguyên đêm và sáng trời rét; Nam Trung bộ và Nam bộ trời lạnh vào đêm và sáng sớm. Từ nay đến cuối tháng 2 sẽ liên tục xảy ra rét đậm, rét hại ở miền Bắc, mỗi đợt kéo dài khoảng 7-10 ngày, nhiệt độ giảm sâu, gây ra băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao. |