Theo đánh giá của giới chuyên gia, phần lớn các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài hiện nay đều chưa được bảo hộ. Sản phẩm của Việt Nam muốn vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, hầu hết đều đóng gói dưới nhãn mác của các thương hiệu quốc gia khác.
Cụ thể như Công ty Phát triển nông sản và môi trường chuyên xuất khẩu các loại nông sản gia vị tươi của Việt Nam như gừng, xả, tiêu, ớt... Thế nhưng, sản phẩm khi đến tay khách hàng quốc tế lại ở dưới dạng bao gói các thương hiệu quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore...
Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty Phát triển nông sản và môi trường cho biết, là một đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu các loại nông sản ra nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tôi rất thiếu thông tin đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
"Nguồn thông tin về bảo hộ sản phẩm hiện nay vô cùng nhiều, nhưng tiếp cận làm sao được nguồn thông tin chính thống cũng như nhận được sự hướng dẫn cụ thể, phù hợp nhất với đặc điểm, yêu cầu của công ty là rất không dễ dàng. Đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước đã khó, còn muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài càng khó khăn hơn", ông Hiếu cho hay.
Đây chỉ là một trong số ít các doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm ở nước ngoài.
Vẫn thờ ơ với bảo hộ sở hữu trí tuệ
Theo PGS-TS Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, nền kinh tế thị trường tại Việt Nam phát triển không bài bản, dẫn đến nhận thức của người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng về sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Chiến lược về bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài còn chưa rõ ràng, cụ thể.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, do đó buộc phải chấp hành mọi thông lệ quốc tế bao gồm cả việc bảo hộ sở hữu trí tuệ.
"Những bài học đau xót về bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phan Thiết, kẹo dừa Bến Tre... không cách đây quá lâu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp sản xuất nông sản Việt muốn phát triển bền vững, đem lại lợi ích lâu dài thì buộc phải tính tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm ở nước ngoài", PGS-TS Mai Hà khuyến cáo.
Không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hay không bảo hộ thương hiệu khiến sản phẩm trong nước bị giảm giá trị hoặc có xuất khẩu thì chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp.
Thống kê của các hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong đó có bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản giúp gia tăng giá trị 20-100%, ví như Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%, Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%...sau khi có bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp sản xuất nông sản Việt chủ yếu là nhỏ và vừa, nguồn lực còn hạn chế, do đó, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nên xác định trước thị trường tiềm năng của mình. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các hiệp hội và hội chuyên về sở hữu trí tuệ để chọn giải pháp thích hợp nhất cho chiến lược phát triển của mình.
Tháng 8 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Quy chế phối hợp được coi là cơ sở để các Bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý, phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế.