Không để mỗi nơi quy định cách ly một kiểu

(ĐTTCO)-Về quê ăn Tết, hiện mỗi nơi cách ly một kiểu. Người dân phải làm sao?
Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: X.MAI
Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Chưa tới rằm tháng chạp nhưng chị Nguyễn Thị Hiền (quận Hà Đông, Hà Nội) vừa đưa hai con nhỏ về quê ở Hà Tĩnh. Chị chia sẻ do bọn trẻ học online nên tiện có xe người nhà về, gia đình cho hai cháu về ông bà ngoại trước.

"Tôi cũng lo dịch gia tăng thế này, Hà Nội hạn chế người dân về quê nên phải đưa cháu về trước, ăn Tết với ông bà. Nhà còn bà cụ năm nay gần 80 tuổi, chắc vài hôm nữa cũng cho bà về, nhỡ đâu không về được thì bà buồn lắm. Còn hai vợ chồng vẫn phải đi làm nên không về sớm được. Năm nay tôi cũng xác định tâm lý là không về quê ăn Tết vì ngại về quê lại phải cách ly ở nhà 7 ngày, vậy thì ở lại còn hơn", chị Hiền nói.

Về quê sớm vì sợ cách ly, giãn cách

Cũng như chị Hiền, gia đình anh Dương Văn Sơn và chị Nguyễn Thị Như (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đưa con về quê ở xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang từ ngày 10-1.

"Con nhà mình mới 8 tháng, năm nay dịch COVID-19 nên chưa đưa về thăm ông bà nội lần nào. Tình hình dịch thế này việc đi lại cũng khó khăn nên gia đình quyết định nghỉ Tết sớm. Dù sao tôi làm công việc tự do nên cũng dễ sắp xếp. Khi về gia đình, tôi đi test nhanh, rồi gửi kết quả đến trạm y tế xã, khai báo y tế. Xã yêu cầu cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Những ai từ Hà Nội về đều phải cách ly theo dõi tại nhà như vậy", anh Sơn chia sẻ.

Cả năm dịch bệnh không có điều kiện về quê, nên dịp Tết nhiều người quyết định xin nghỉ sớm, làm việc từ xa. Chị T.N. (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gần 1 năm chưa về quê ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. 

"Tôi định 23 tháng chạp này sẽ về. Tôi làm giáo viên nên năm nay dạy online, tình hình từ giờ đến Tết các cháu cũng chưa được đến trường nên tôi xin phép về quê để dạy. Về sớm cho chủ động, không may gần Tết các tỉnh lại không cho về, phải đón Tết xa nhà thì rất buồn.

Trước khi về, tôi có gọi điện hỏi trạm y tế xã về việc cách ly người từ Hà Nội về như thế nào. Cán bộ y tế nói người từ vùng cam và vùng đỏ thì cách ly tại nhà, còn vùng xanh và vàng thì chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà, không phải cách ly. Cũng không rõ từ nay đến hôm đó có thay đổi gì nữa không?", chị N. nói.

Về quê ăn Tết sớm được nhiều gia đình tính đến. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lo lắng cuối năm xe cộ đông đúc, những người xa quê lựa chọn biện pháp này để được đón Tết bên gia đình. 

Gia đình anh H.K. ở Nam Từ Liêm, Hà Nội thì rối loạn cả tuần nay vì quê nhà (một huyện ở Hà Tĩnh) yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày với người từ Hà Nội về quê ăn Tết. 7 ngày cách ly thì vừa hết Tết nên gia đình anh K. lo ngại, mà Tết 2021 vì dịch gia đình anh đã không về.

"Quê tôi và Hà Nội đều là vùng vàng, thay vì để bình thường như cách Hà Nội đang áp dụng với người từ địa phương khác đến thì quê tôi lại kiên quyết cách ly người "đồng màu" và đặc biệt nhấn mạnh là từ Hà Nội. Tiêm đủ mũi rồi, xét nghiệm PCR âm tính rồi mà quê nhà vẫn bắt cách ly 7 ngày" - anh K. phàn nàn.

Không chỉ quê anh K. mà đang có rất nhiều cách chống dịch với người về quê ăn Tết đặc biệt. Vài ngày trước, gần 30 gia đình có người về ăn Tết ở Thanh Hóa đã bị chính quyền xã đóng cửa và giữ chìa khóa. Ở Thái Bình, một gia đình đã bị "nhốt" trong nhà 7 ngày vì trở về từ vùng đỏ của Hải Phòng. Nhiều tỉnh cũng yêu cầu người về ăn Tết có kết quả xét nghiệm...

"Đây không phải là biện pháp chống dịch mà là hiểu biết về chống dịch chưa đầy đủ, lại thêm thói cửa quyền" - ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nêu ý kiến.

Không để mỗi nơi quy định cách ly một kiểu - Ảnh 2.

Hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: X.MAI

Sớm chấn chỉnh những biện pháp cực đoan

Ngày 17-1 Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.

Tại công văn này, Bộ Y tế cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 242 ngày 11-1 của Văn phòng Chính phủ chấn chỉnh một số sự việc báo chí phản ánh như: "Mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ mua hàng về thay đổi liên tục", "Trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vắc xin", người dân phản ảnh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp...

Hiện tại, việc đi lại, thông thương, học hành... đều đang áp dụng nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, trong đó quy định chỉ cách ly với người đến từ khu vực đang cách ly y tế hoặc vùng đỏ. Tuy nhiên cách làm của các địa phương hiện nay lại "mỗi nơi một phách", gây khó khăn cho người dân và cũng không có tác dụng chống dịch rõ ràng.

Nhiều địa phương không cấm người dân về quê đón Tết Nguyên đán 2022 nhưng mỗi nơi áp dụng những quy định phòng chống dịch khác nhau. Có thực tế dù cùng cấp độ dịch nhưng có tỉnh yêu cầu xét nghiệm, cách ly y tế, trong khi có tỉnh lại "cởi mở" đón người dân về quê.

Điển hình, tại tỉnh Thừa Thiên Huế (đang ở cấp độ 3) ra quy định người dân từ vùng cam/đỏ, chưa tiêm vắc xin khi về phải cách ly 14 ngày và người từ vùng cam/đỏ, chưa tiêm đủ vắc xin về cách ly 7 ngày. Trong khi đó cũng đang ở cấp độ dịch 3 nhưng tỉnh Bình Định không yêu cầu cách ly và giám sát y tế đối với người dân về quê ăn Tết mà chỉ khuyến cáo người dân tuân thủ 5K.

Để đảm bảo việc vui xuân đón Tết an toàn, Bộ Y tế đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đó, đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch.

Đồng thời, nhấn mạnh việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K. Như vậy, Bộ Y tế không nêu các điều kiện về việc xét nghiệm, cách ly với người về quê ăn Tết.

Theo kết quả tổng hợp đánh giá cấp độ dịch tại 63 địa phương từ Bộ Y tế, tính đến trưa 16-1 có 33 địa phương ở cấp độ 1; 23 địa phương ở cấp độ 2 và 7 địa phương cấp độ 3 (Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh và Vĩnh Long).

Các tin khác