Di dời càng sớm càng tốt
Mỗi lần đến khu vực 1 Kinh thành Huế, chúng tôi lại chứng kiến sự mòn mỏi của người dân về nơi ăn, chốn ở. Có nhiều gia đình sinh sống ở đây đến thế hệ thứ 4, thứ 5, họ sinh con đẻ cái, khiến Thượng Thành - khu vực trên mặt tường thành bao quanh tạo nên Kinh thành Huế ngày một chen chúc, tạm bợ. Đặc biệt, phần lớn các hộ dân này đều là người nghèo, sống bằng nghề lao động phổ thông. Sự nghèo khó buộc họ phải sống chung với di sản thế giới trong tình trạng kham khổ và thấp thỏm chuyện di dời.
Bà Nguyễn Thị Thê, sống trong căn chòi, mái tôn cũ kỹ, tựa vào bờ thành rêu mốc, chia sẻ: Gia đình bà sống ở đây từ trước năm 1975. Ở trên di tích nên nhà cửa chỉ xây dựng tạm bợ làm chỗ tránh mưa nắng. “Mong chờ Nhà nước quan tâm để giải tỏa, cho đi càng sớm càng tốt để an cư lạc nghiệp”, bà Thê nói.
Chung nỗi niềm, cụ Lê Thị Gái nói, cùng với nhà cửa chật hẹp không được sửa chữa, địa hình dốc hẹp, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực sống trong điều kiện về vệ sinh, môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích.
Di sản Huế bị xâm hại nghiêm trọng khi người dân sinh sống chật kín trên Thượng Thành.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết: Để trả lại mặt bằng nguyên trạng cho di tích, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từng bước di dời dân cư. Cụ thể, giai đoạn 1996 - 2018 có 1.050 hộ dân tại hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng Thành, eo bầu phía Nam kinh thành, được di dời.
Song con số này là không mấy khả quan, khi sự gia tăng dân số tự nhiên đang tạo áp lực lớn lên các khu vực di tích còn lại chưa được di chuyển dân cư. Hiện khu vực 1 di tích Kinh thành Huế có hơn 4.200 hộ dân sinh sống. “Việc di dời, giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế đã được đưa vào quy hoạch từ rất lâu. Tiếp tục kéo dài thì đời sống người dân càng thêm khó khăn và công tác thu hồi đất sau này rất khó khăn. Chưa kể, kinh phí giải phóng mặt bằng tăng”, ông Tuấn nói.
Dân đồng thuận
Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1, hệ thống di tích Kinh thành Huế vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt, có tổng cộng 4.201 hộ phải di dời với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng. Đề án thực hiện từ năm 2019 - 2021 (giai đoạn 1) tập trung hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ).
Từ năm 2022 - 2025 (giai đoạn 2) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ). Đề án còn đưa ra phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân sau di dời thông qua việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo công ăn việc làm ổn định…
Ông Hồ Minh (80 tuổi, phường Tây Lộc) nói: “Chính sách và phương án di dời của TP Huế đưa ra rất phù hợp, tôi ủng hộ, song thành phố cần có văn bản về các chính sách này gửi về từng nhà”. Tương tự, bà Phan Thị Thủy, tổ 20 ở phường Tây Lộc, TP Huế, cho rằng: “Người dân ở Thượng Thành đa số là lao động nghèo, dân chạy bão năm 1983, lũ lụt năm 1999. Phần lớn các hộ dân sinh sống ở đây đều không có hộ khẩu, nhiều người không có chứng minh nhân dân”, bà Thủy trình bày.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, cho biết, theo khung chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các hộ dân di dời được hưởng nhiều ưu đãi hơn. Nhà nước còn hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian 6 tháng đối với hộ có số nhân khẩu từ 4 người trở xuống là 2 triệu đồng/hộ/tháng; hộ có 4 nhân khẩu trở lên thì ngoài số tiền hỗ trợ nêu trên, cứ 1 nhân khẩu tăng thêm được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/khẩu/tháng…
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, để dự án được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền phải quyết tâm cao, tập trung lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của bà con để kịp thời giải quyết, không để kiến nghị trở thành khiếu nại. Cán bộ phải đến từng hộ, gặp từng người để giúp người dân hoàn thành hồ sơ, thủ tục di dời. Có vậy thì việc di dời mới diễn ra thuận lợi, ít sai sót và hợp với tâm tư, nguyện vọng của bà con.