ĐB Trịnh Ngọc Thúy, thay mặt tổ ĐBQH thông báo đến bà con cử tri một số nội dung kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vừa qua. Theo đó, tại kỳ họp này nhiều dự luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua như Luật An ninh mạng, Luật Cảnh sát biển, Luật Đo đạc bản đồ…
Một số dự luật được người dân phản ánh như dự thảo Luật Đặc khu nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân nên Quốc hội tiếp tục lắng nghe, sửa đổi, xem xét trong các kỳ họp tới.
Buổi tiếp xúc thực sự nóng lên khi đến phần phát biểu của cử tri. Dù buổi tiếp xúc dự kiến diễn ra trong vòng 2 tiếng đồng hồ, nhưng có đến 140 cử tri đăng ký phát biểu, nên đã phải kéo dài thêm gần 4 tiếng nữa. Nhiều cử tri có thư mời nhưng không được vào do hội trường quá tải.
Cử tri Nguyễn Thế Thịnh cho rằng, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được triển khai từ năm 1996 cho đến nay quá lâu. Trong suốt thời gian đó đã có rất nhiều khiếu nại, cuộc tiếp xúc của người dân với chính quyền nhưng người dân vẫn chưa “tâm phục khẩu phục”, chưa tạo sự đồng thuận trong người dân, nhất là vấn đề đền bù giải tỏa, tái định cư.
Cử tri Thịnh đề nghị Bí thư Thành ủy cho thanh tra tính pháp lý của dự án để giải quyết dứt điểm những tồn đọng. “Người dân chờ đợi quá lâu, chúng tôi muốn Nhà nước giải quyết nhanh và đúng pháp luật” - cử tri Thịnh đề nghị.
Một trong những vấn đề người dân quận 2 quan tâm muốn làm rõ là tính pháp lý của 930ha nằm ở đâu? Khu tái định cư 160ha nằm ở đâu? Cử tri cũng phản ánh Quyết định 135 của UBND TP quy định giá bán căn hộ tái định cư 1,6 triệu đồng/m2, mặt tiền chung cư 3,6 triệu đồng/m2… Nhưng sau đó giá bán thực tế lại tăng thêm trên dưới 2 triệu đồng/m2.
Cử tri Nguyễn Hồng Việt phản ánh, nhà cửa của ông được ông bà cư trú tại đây hơn 100 năm, nhưng khi di dời giải tỏa ông đã không được giải quyết thỏa đáng. Suốt 6 năm qua ông liên tục khiếu nại nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Cử tri Phạm Thế Vinh phản ánh những bức xúc về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm với ĐBQH.
Ảnh: TR.GIANG
Ảnh: TR.GIANG
Một cử tri khác phản ánh gia đình có 48.000m2 đất tại phường Cát Lái từ thời Pháp. Sau năm 1975 hơn một nửa diện tích đất này được đưa vào hợp tác xã, phần gia đình còn lại 17.000m2. Đến năm 1990 hợp tác xã giải thể, phần đất đó được chia cho người dân. Trong lúc gia đình bà và các hộ dân đang khiếu nại tranh chấp, chính quyền quận 2 lấy đất của họ chia cho 1 hộ dân khác bị thu hồi đất ở nơi khác mà không hề đền bù. Gia đình đã khiếu nại hàng chục năm nhưng vẫn không được giải quyết.
Trong khi đó, cử tri Nguyễn Thị Mão, phường An Phú phản ánh, khu dự án 87ha phường An Phú được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001, nhưng trước đó năm 2000 đã được UBND TP giao cho 13 doanh nghiệp kinh doanh. “18 năm qua dự án chỉ có khoảng 30% xây dựng, còn lại chuyển nhượng lòng vòng”- cử tri Mão nói. Bên cạnh đó nhiều ý kiến còn phản ánh, khi tiến hành cưỡng chế nhà, đất trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, cán bộ thực thi không có quyết định cưỡng chế hay thu hồi.
Cử tri Nguyễn Thị Tám vì quá bức xúc, nhiều lần phản ứng gay gắt vì chưa tới lượt phát biểu. Tới lượt mình trình bày, dù ban tổ chức quy định mỗi người chỉ phát biểu 5 phút, nhưng bà Tám nói gần 13 phút, chủ tọa nhắc nhưng bà vẫn tiếp tục trình bày. Lúc này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói: "Tôi đã hiểu ý chị Tám rồi. Chị muốn nói rằng nhà mình ở ngoài ranh thu hồi đất. Vấn đề ranh lát nữa tôi sẽ trình bày. Vì nếu ngoài ranh thật không phải di dời".
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận ý kiến của bà con cử tri. Ông nói: "Hôm qua tôi đến khu tạm cư để xem người dân sống thế nào, có nên sống như thế nữa không", rồi ông trả lời luôn: "Không nên sống như vậy nữa". "Dù bà con chưa đồng tình nhận chỗ mới, nhưng để bà con ở tạm cư như vậy không được. Trong khi chờ giải quyết theo pháp luật, không để cho người dân sống như thế nữa. Vào khu tái định cư ở cho đỡ khổ, chấm dứt tình trạng ở tạm cư nheo nhóc" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.
Trong hơn 6 giờ, có hơn 50 lượt ý kiến được trình bày, chủ yếu là của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết chủ trương giải quyết khu Thủ Thiêm là ưu tiên số một, tiếp đến là vụ việc ở Khu Công nghệ cao.
Quá trình tìm hiểu và tiếp xúc với bà con, có thể chia thành các nhóm để giải quyết như sau: Nhóm thứ nhất, hiện trạng đất bà con khiếu nại trong ranh hay ngoài ranh quy hoạch. Nhóm thứ hai là không chấp nhận giá đền bù vì thấp, không chịu đi và nhóm thứ ba là những người đã di dời rồi… Thanh tra Chính phủ, chính quyền TP sẽ xem xét, rà soát lại từng nhóm để trả lời và giải quyết cho bà con.