Lãi suất cho vay đã dần được điều chỉnh về mức phù hợp, thậm chí nhiều NH cho vay dưới trần huy động 6%/năm, song tín dụng toàn ngành NH đến cuối tháng 5 chỉ tăng hơn 1%. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm nay có thực hiện được vẫn là dấu hỏi khi sức mua yếu.
Tín dụng chỉ mới đạt hơn 1%
5 tháng đầu năm NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, giảm 0,5% đối với các mức lãi suất điều hành của NHNN; giảm 0,2-1%/năm lãi suất cho vay tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ của tổ chức, cá nhân tại TCTD; điều chỉnh giảm 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế; giảm 0,25%/năm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi cá nhân là người cư trú, người không cư trú. Lãi suất cho vay tiền đồng tương đối ổn định. Cụ thể, đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 7-8%/năm.
Không thể nóng vội trước thực trạng khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Bởi muốn thoát được giai đoạn trì trệ này đòi hỏi phải có thời gian, ít nhất cuối năm nay hoặc sang năm sau sức hấp thụ vốn của nền kinh tế mới cải thiện. TS. Trần Du Lịch, |
Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay lãi suất 6-7%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác 9-10,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 11-12,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Tính đến ngày 29-5, dư nợ cho vay bằng VNĐ lãi suất dưới 10%/năm chiếm tỷ trọng 38,35%; lãi suất 10-13%/năm 47,27%; lãi suất 13-15%/năm 9,5%; lãi suất trên 15%/năm 4,9%. Còn lãi suất cho vay ngoại tệ phổ biến 4-7%/năm. Trong đó, cho vay ngắn hạn 4-6%/năm và 5,5-7%/năm trung, dài hạn.
Tuy nhiên, số liệu đưa ra từ NHNN lại cho thấy, tính đến ngày 30-5, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,26% so với cuối năm 2013. Tín dụng đối với nền kinh tế mới tăng 1,51%, nhưng khả năng có thể đạt được mục tiêu 12-14% năm 2014.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, NHNN cho biết tiếp tục chủ động, linh hoạt các mức lãi suất để kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường theo hướng giảm dần phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt diễn biến lạm phát để góp phần ổn định thị trường tiền tệ.
Theo đó, NHNN sẽ tiến hành rà soát tình hình áp dụng lãi suất của các TCTD cho vay đối với các khoản nợ hiện hành của khách hàng phù hợp với mặt bằng lãi suất và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Trên cơ sở phân tích cơ cấu đối tượng cho vay của dư nợ có mức lãi suất trên 13%, NHNN sẽ đề xuất phương án chỉ đạo, xử lý phù hợp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Không thể nóng vội
Thực tế cho thấy, dù lãi suất giảm, cầu về vốn tín dụng vẫn không tăng do sức mua yếu và nợ xấu tiếp tục là rào cản đối với tăng trưởng dư nợ. Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay Nhà nước phải làm thế nào để kích cầu, tăng sức mua. Như vậy, hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra mới tiêu thụ được, tồn kho mới giảm và doanh nghiệp mới có thể vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh tiếp. Bên cạnh đó, giải quyết được nợ xấu và nợ thuế.
Tuy nhiên, theo TS. Kiêm, bản thân doanh nghiệp cũng cần tự đánh giá, cơ cấu lại về những mặt mạnh, mặt yếu và thất bại, thành công và căn cứ vào chính sách, diễn biến của thị trường để khai thác được lợi thế vốn có nhằm tồn tại và phát triển. Sức mua, tồn kho chưa cải thiện, kéo theo nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không tăng, hệ lụy vốn tín dụng NH không ra được nền kinh tế. Thực tế cũng cho thấy, tất cả yếu tố về sức mua, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang phản ánh bức tranh kinh tế vẫn trong giai đoạn trì trệ, khó kỳ vọng sớm tăng trưởng trở lại.
Thời gian qua đã có không ít chương trình kích cầu tín dụng lãi suất thấp để có thể khơi thông được dòng chảy của đồng vốn. Trong đó, có chương trình kích cầu tín dụng bất động sản đã được đưa ra trong 1 năm qua. Thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giải ngân được nhiều nên không thể nói đến tính lan tỏa và tác động tích cực cho thị trường.
Bởi lẽ còn những vướng mắc về chính sách nên đối tượng được tiếp cận vốn còn hạn chế. Chẳng hạn với gói 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 5%/năm cho người thu nhập thấp mua nhà giới hạn về đối tượng tiếp cận vốn. Mặt khác, chủ trương đưa ra các gói kích cầu, trong đó có kích cầu bất động sản cũng chỉ tác động ở một phân khúc nhất định, không thể kỳ vọng làm tan băng và hồi phục thị trường.
Vì thế, đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn và chịu tác động ở nhiều yếu tố khác như tình hình kinh tế chung, sức khỏe của doanh nghiệp và sức tiêu thụ của thị trường. Trong khi đó, tình hình của nền kinh tế còn những khó khăn nhất định, cho dù cũng có những yếu tố thuận lợi từ bên ngoài, song chưa hẳn đã được thuận lợi hoàn toàn mà đang giai đoạn trì trệ.
![]() |
Lãi suất cho vay giảm vẫn khó tăng tín dụng. Ảnh: LONG THANH |
Mặt khác, các chương trình kích cầu được đưa ra thời gian qua cũng còn hạn chế, chủ yếu tập trung lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng các chương trình kích cầu chỉ cứu được ngọn, không thể chữa được gốc của vấn đề. Bởi mục tiêu của các gói kích cầu tín dụng bất động sản là để giải cứu thị trường bất động sản, tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu của NH nhanh hơn.
Nhưng để giải cứu được thị trường này hoàn toàn không dễ dàng trong ngắn hạn. Vì thế, theo các chuyên gia, điều quan trọng trước hết là phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành NH, đưa hệ thống NHTM phát triển lành mạnh. Đồng thời, NHTM phải biết đưa đồng tiền của dân vào trong hoạt động sản xuất-kinh doanh và đầu tư một cách chính đáng.