Không để Việt Nam thành nơi trung chuyển ma túy

(ĐTTCO) - Sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là tư lệnh ngành đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề nóng như chống tội phạm ma túy, tội phạm “tín dụng đen”, xâm hại tình dục trẻ em, chống gian lận thi cử… 
Phiên chất vấn kết thúc với 47 đại biểu Quốc hội (ĐB) nêu câu hỏi, 11 ĐB tranh luận.
Xem xét xử lý hình sự người sử dụng ma túy
Ngay khi phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, dù Việt Nam được xem là điểm đến an toàn của khách du lịch, nhưng tình hình an ninh trật tự đang diễn biến phức tạp, dù số vụ phạm pháp hình sự giảm 3%.
Trong đó, tội phạm ma túy gia tăng, nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn bị phá. Nhóm tội phạm này đang lợi dụng Việt Nam để vận chuyển ma túy sang nước thứ ba. Trong khi đó, người nghiện ngày càng gia tăng.
Không để Việt Nam thành nơi trung chuyển ma túy ảnh 1
Mở đầu phần chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) và nhiều ĐB khác đều thể hiện bức xúc với tội phạm ma túy, khi mà lượng ma túy bị bắt giữ đến hàng tấn, len lỏi khắp các địa phương.
Vậy trách nhiệm của Bộ Công an ở đâu, giải pháp phòng ngừa căn cơ? Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Việt Nam đã dành nhiều nguồn lực cho công tác phòng chống tội phạm ma túy. Quốc hội cũng thông qua luật với hình phạt rất nghiêm khắc cho loại tội phạm này: 9/13 hình phạt ở khung cao nhất (tử hình).
Kết quả đấu tranh phòng chống ma túy vừa qua phần nào nói lên điều này. “Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Đây là loại tội phạm hết sức nguy hiểm, tội phạm của các loại tội phạm”, Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết, hiện 50% số phạm nhân trong các trại giam có liên quan tới ma túy.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, Việt Nam lại ở gần trung tâm sản xuất ma túy là Tam Giác Vàng nên nguy cơ phát triển tội phạm này rất cao. Hiện đã phát hiện các đường dây ma túy có sự can thiệp của các đối tượng người nước ngoài, phát hiện các đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.
“Với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn tội phạm ma túy, không để Việt Nam thành địa bàn trung chuyển”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đặt câu hỏi: Việt Nam liệu có chắc chắn không thành điểm trung chuyển ma túy lớn? Trong khi ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) yêu cầu làm rõ tại sao thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ án ma túy vận chuyển với số lượng lớn, phải chăng việc vận chuyển qua Việt Nam dễ dàng hơn? Chỉ khi làm rõ nguyên nhân thì mới có giải pháp căn cơ để ngăn chặn.
Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, Việt Nam đang phải chịu áp lực ma túy từ nước ngoài vào rất lớn. Từ khu vực Tam Giác Vàng đến Việt Nam chỉ 500km; điều kiện đất nước mở cửa để phát triển kinh tế cũng là cơ sở để tội phạm lợi dụng đưa ma túy vào Việt Nam. Ngoài ra, đường biên giới Việt Nam rất dài khiến việc kiểm soát khó khăn. Hiện cơ quan chức năng mới kiểm soát được ở các cửa khẩu, còn các lối mòn thì chưa thể.
Trước thực trạng tội phạm do sử dụng ma túy ngày càng tăng, nghiêm trọng, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam), ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) và một số ĐB khác đặt vấn đề, nguyên nhân khiến tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp có phải do chúng ta xem người nghiện ma túy là người bệnh, không phải là tội phạm, vì thế quy định người nghiện ma túy không bị xử lý hình sự?
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian tới Bộ Công an sẽ có đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy nhằm tăng cường xử lý trấn áp tội phạm liên quan đến ma túy và đã đến lúc cần nghiên cứu sửa đổi quy định về việc xử lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, phòng chống ma túy là cuộc chiến gian khổ, khốc liệt; đấu tranh với loại tội phạm này không chỉ trách nhiệm của ngành công an mà cả xã hội, gia đình. Nhắc tới 1 cán bộ chiến sĩ biên phòng vừa hy sinh trong quá trình bắt giữ tội phạm ma túy vào ngày 3-6, ở Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội nói, vừa qua ngành công an, biên phòng đã phối hợp rất tốt, ngăn chặn và phát hiện nhiều vụ ma túy. Nếu không phát hiện được thì lượng ma túy này sẽ gây tác hại rất lớn tới từng gia đình, thế hệ trẻ.
Đủ chế tài việc sử dụng bia, rượu khi lái xe
Nhiều ĐB bức xúc tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu lo lắng của cử tri về việc “sáng dắt xe đi, chiều không biết thế nào?”. Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, bộ sẽ kiến nghị Quốc hội xây dựng luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó có những chế tài để điều chỉnh, kiểm soát hành vi sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma túy...).
Sau phần trả lời về nội dung này của Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn vấn đề còn ý kiến khác nhau để tham khảo, xin ý kiến ĐB.
Việc xin ý kiến sáng 3-6, trước khi thông qua dự thảo luật (dự kiến ngày 14-6) là do quá trình thảo luận trước đó, nhiều ĐB đề xuất tăng chế tài với tài xế sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông và cũng để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, chứ không phải biểu quyết thông qua luật. Nếu đa số ĐB ủng hộ bổ sung quy định nào vào dự thảo luật, ban soạn thảo sẽ tiếp thu.
Nếu không, Việt Nam vẫn áp dụng chế tài theo quy định hiện hành. “Rất tiếc dư luận hiểu nhầm rằng Quốc hội chưa muốn chế tài, chưa muốn xử lý với người sử dụng phương tiện giao thông uống rượu, bia. Trong khi đó, pháp luật hiện hành trong lĩnh vực giao thông đã có nhiều quy định nghiêm cấm hành vi uống rượu, bia rồi sử dụng phương tiện giao thông, xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Luật Giao thông đường bộ; Luật Đường sắt; Luật Giao thông thủy nội địa; Bộ luật Hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính... đều quy định rất đầy đủ. Do vậy không phải không bổ sung quy định trên vào Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia thì chúng ta không có chế tài xử lý.
Trả lời thêm về quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng nói, nhiều vụ tai nạn hết sức đau thương đã xảy ra. Tất cả chúng ta đều thấy rằng đã uống rượu, bia thì không tham gia giao thông.
Với pháp luật, hiện có nhiều quy định để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông và Chính phủ có nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Tới đây Chính phủ sẽ sửa quy định theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, tính mạng, tài sản của người dân; liên quan đến trật tự, kỷ cương của nhà nước và bình yên của xã hội.
Thực tế diễn biến thời gian qua và qua nội dung chất vấn của các ĐB cho thấy, xã hội vẫn chưa thật sự yên bình, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, trước sự gia tăng hoạt động tội phạm. Chính phủ, Bộ Công an và các bộ ngành có liên quan cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế.
ĐB NGUYỄN TIẾN SINH (Hòa Bình): Lần này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có nhiều đổi mới. Thời gian để ĐB hỏi ngắn hơn, tập trung đi thẳng vào vấn đề. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời thẳng thắn, trọng tâm, không vòng vo, né tránh. Những giải pháp mà Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra sẽ được nhân dân giám sát.
 Không có vùng cấm trong xử lý cán bộ sai phạm
Trả lời các ĐB về tình trạng việc “xã hội đen” cấu kết với một số cán bộ trong ngành công an, về việc hoành hành của các băng nhóm, trong đó có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hóa, biến chất, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tội phạm đang không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hóa lực lượng công an. “Từ làm quen, dụ dỗ mua chuộc; không được thì tấn công đe dọa, bôi nhọ, vu khống, không chỉ chiến sĩ công an mà còn gia đình, người thân của họ.
Quá trình đó, có chiến sĩ mất phẩm chất, có quan hệ, thậm chí làm ngơ cho tội phạm, bảo kê, hợp tác với tội phạm” - Bộ trưởng nói và khẳng định, chủ trương của Đảng, Nhà nước là kiên quyết loại bỏ những cán bộ biến chất, nhưng cũng phải bảo vệ cán bộ bị vu khống, xuyên tạc. Vừa qua, các cán bộ công an vi phạm đã bị xử lý nghiêm, từ hành chính đến hình sự, “không có vùng cấm, bất kể cấp nào”. “Chúng tôi kiên quyết chống bảo kê để khôi phục lòng tin đối với ngành công an”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Tiếp tục điều tra việc phụ huynh đưa, nhận tiền
Về vụ gian lận thi cử, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, trước mắt để đảm bảo điều tra đúng thời hạn, cơ quan điều tra đề nghị truy tố các bị can đã xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao. Còn việc các phụ huynh đưa, nhận tiền đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ, cơ quan công an sẽ công bố sau khi có kết luận điều tra. Đến nay, chưa phát hiện vi phạm trong công tác điều tra về các vụ án gian lận thi cử.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng khẳng định, gian lận thi cử nếu đã phát hiện vi phạm thì ở mức nào phải xử lý ở mức đó, không làm oan và cũng không có vùng cấm.

Các tin khác