Bất cứ lý do nào, nếu thiếu thuốc không đủ điều trị cho người dân là không thể chấp nhận được. Điều đó đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ phải có giải pháp giải quyết ngay lập tức.
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội, sáng 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 28-10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phát biểu sáng 28-10, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tiếp tục nhấn mạnh đến những khó khăn hiện nay của ngành y tế. ĐB cho rằng, nền y tế Việt Nam đang bị chao đảo, thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, y bác sĩ không yên tâm làm việc, tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ... Bất cứ lý do nào, nếu thiếu thuốc không đủ điều trị cho người dân là không thể chấp nhận được. Điều đó đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ phải có giải pháp giải quyết ngay lập tức.
Về tự chủ bệnh viện, ĐB cho rằng, đang có nguy cơ đổ vỡ, tự chủ nhưng bệnh viện không được tự chủ tài chính, nên không làm được. Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.
ĐB Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ quan ngại về việc băng hoại đạo đức xã hội thời gian qua, nhất là trong giới trẻ. Gần đây, xảy ra nhiều vụ việc thương tâm cho thấy nền tảng đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận xã hội đang băng hoại, suy thoái. Việt Nam cần một nền giáo dục "tôn sư trọng đạo", một nền văn hóa nhân văn sâu nặng tình người, một xã hội có đạo đức với nền tảng sống và làm việc tuân thủ pháp luật. ĐB đề nghị các bộ, ngành có giải pháp cho các vấn đề suy thoái đạo đức này.
Vấn đề quan ngại nữa theo ĐB Nguyễn Anh Trí là chưa bao giờ, nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật như bây giờ. Tán thành công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng ĐB cho rằng, nhìn vào số lượng cán bộ công chức vi phạm vẫn là con số đáng buồn, đau xót.
ĐB đề nghị cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực. Cần chú ý hơn việc tự rèn luyện, đào tạo của cán bộ, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân đối với các cán bộ, công chức để có thể ngăn chặn những tiêu cực. Mặt khác, khi xử lý sai phạm của cán bộ phải có lý, có tình, đơn cử trong những vụ việc liên quan đến phòng chống Covid-19 vừa qua.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) có ý kiến đáng chú ý trước Quốc hội khi đề nghị tập trung trả dứt điểm những “món nợ” đã có từ những nhiệm kỳ trước, đó là đổi mới mô hình tăng trưởng. Giải quyết các dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém, nợ xấu… vốn đang đè nặng lên nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế, không để đây là lực cản đối với sự phát triển.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM dự phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng 28-10. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những hành động ngay với một số lĩnh vực. Cụ thể, phải có ngay giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế để có thể trở về hoạt động như trước khi có dịch: đấu thầu thuốc, nhân lực, gỡ khó thanh toán bảo hiểm y tế.
“Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất, chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới”, ĐB nêu.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc “lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình”.
ĐB cho rằng, mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là “ngày ba bữa cơm, năm hai bộ quần áo” như thời bao cấp. Trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất, không đủ cho mức sống tối thiểu, cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1-1-2023. Đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp.
Các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn. Để chia sẻ khó khăn chung, tiến tới ban hành luật về lương tối thiểu. Nếu không có biện pháp này thì việc vượt thu ngân sách 202.000 tỷ đồng (+14,3%), hay tăng GDP bình quân đầu người từ 3.900 lên 4.075 USD, và các thành tích kinh tế - xã hội khác của năm 2022 sẽ không có nhiều ý nghĩa với nhiều người dân.
Cùng với việc hỗ trợ phục hồi kinh tế và tăng lương, tăng thu nhập, đề nghị đẩy mạnh kiềm chế lạm phát cũng như nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường; đồng thời tiếp tục kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tài sản công.
ĐB cũng đề nghị có ngay chủ trương, chính sách khuyến khích xây và bán, bán trả góp, cho thuê mua nhà ở cho người thu nhập thấp. Trước mắt, ưu tiên cho người lao động, cán bộ, chiến sĩ, công viên chức chưa có nhà ở, qua đó bồi dưỡng nguồn nhân lực cho nền kinh tế và cho khu vực công.
Có ngay biện pháp cấp bách khắc phục tình trạng ngập lụt đô thị, là những vấn nạn đang gây thiệt hại lớn về người và của, cản trở cuộc sống và hoạt động hàng ngày của hàng chục triệu người dân, trong đó có một bộ phận là lao động cấp cao, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, vào ngân sách quốc gia.
ĐB cũng cho rằng, cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước, cho dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này. Vừa qua, nợ tư nhân phi tài chính có số lượng rất lớn (khoảng 140% GDP), trong đó tỷ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.
Nợ trái phiếu này tăng nhanh, lãi suất cao, không có bảo lãnh và không công khai, nên khó kiểm soát, có tính rủi ro cao, có nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán.
“Năm 2023 rất khó khăn, tuy nhiên, nếu không vượt qua được những thách thức cụ thể đó, chúng ta có khả năng cao sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, cũng có nghĩa là từ biệt khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và phát triển thu nhập cao vào năm 2045”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu.