Tại hội thảo “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc NHTM” do BIDV tổ chức hôm qua 9-10 ở Hà Nội, ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH (NHNN), cho biết đang triển khai nhiều giải pháp để xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống. Theo đó, sẽ từ chối nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, sử dụng vốn vay NH để góp vốn, mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu NH.
Tái cơ cấu đã chủ động hơn
![]() |
Theo ông Bùi Huy Thọ, việc cơ cấu lại NHTM cổ phần yếu kém thời gian qua đã đạt được một số kết quả. NHNN đã trình Thủ tướng 8 phương án cơ cấu lại đối với 9 NHTM cổ phần yếu kém. Trong đó, 3 NH đã được hợp nhất, 1 NH hợp nhất với 1 TCTD khác, 1 NH sáp nhập vào NH khác, 3 NH được chấp thuận phương án tự tái cơ cấu.
Đối với 1 NH yếu kém còn lại, NHNN đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của TCTD nước ngoài. “Chúng tôi đang xin ý kiến về phương án can thiệp bắt buộc của Nhà nước để dự phòng trường hợp phương án tự củng cố, chấn chỉnh do NH đề xuất không thành công” - ông Thọ cho biết thêm.
Đáng chú ý, bên cạnh các NHTM cổ phần yếu kém, các NH còn lại cũng chủ động lên phương án tái cơ cấu. NHNN đã nhận được phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTM cổ phần, trong đó đã có 6 phương án được phê duyệt. Đối với các TCTD phi NH, NHNN cũng nhận được 13/13 phương án tái cơ cấu và đang tiến hành thẩm định.
Ông Bùi Huy Thọ cho biết nếu năm 2012 việc cơ cấu là bắt buộc ở một số NH yếu kém, sang năm 2013 việc tái cơ cấu các TCTD đã mang tính chủ động và tự nguyện. Xu hướng sáp nhập, hợp nhất không chỉ diễn ra ở những TCTD yếu kém mà còn giữa các NH lành mạnh.
Lo sở hữu chéo và nợ xấu
Tuy nhiên, nhìn nhận về tái cơ cấu NH của các chuyên gia không được lạc quan như nhận định của cơ quan quản lý. TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh, cho rằng quá trình tái cấu trúc hệ thống NH còn rủi ro lớn là giải quyết sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn.
“Cái này không thể ngày một, ngày hai vì cơ sở pháp lý để xử lý còn thiếu, chế tài cũng thiếu. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng dứt khoát đưa họ ra hệ thống tài chính, cho họ quay trở về tập đoàn kinh tế nếu vi phạm sở hữu lũng đoạn” - ông Nghĩa nói và dự báo tới đây một số NH sẽ bị xử lý theo hướng này, tránh tổn thất dài hạn cũng như cú sốc ngắn hạn trong chương trình tái cơ cấu các TCTD.
Thách thức khác trong quá trình tái cơ cấu là xử lý nợ xấu. Do ma trận sở hữu chéo, phần lớn nợ xấu của NH là của chính các ông chủ, những người có đủ quyền lực biến nợ xấu thành trung, dài hạn.
“Nhưng nó rất có thể là nợ xấu trong tương lai. Nợ nằm trong tập đoàn tư nhân ở nhóm 1, 2 rất có thể trở thành nợ xấu nếu thị trường bất động sản và nền kinh tế phục hồi chậm. Bởi vậy, cần hết sức quan tâm các khoản tín dụng hiện hành chưa phải nợ xấu nằm trong tập đoàn tư nhân lớn” - TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
Theo ông Bùi Huy Thọ, sở hữu chéo trong lĩnh vực NH ở nước ta là vấn đề có tính lịch sử và cần được xử lý từng bước, triệt để, bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Để hạn chế, khắc phục những tồn tại về cơ chế, chính sách và những tác động tiêu cực do sở hữu chéo, đầu tư chéo đem lại, NHNN đang triển khai các giải pháp.
Cụ thể sẽ đánh giá thận trọng nguồn lực tài chính của các cổ đông khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD để từ chối nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, sử dụng vốn vay NH để góp vốn, mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu.
Đồng thời, xây dựng quy định về các khoản cho vay để góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD phải loại bỏ khỏi vốn lõi khi xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, nhằm hạn chế tình trạng sở hữu, đầu tư chéo. Tăng cường giám sát đối với các cổ đông và nhà đầu tư lớn của NH trong quan hệ tín dụng để hạn chế nguy cơ NH bị lạm dụng, chi phối bởi lợi ích nhóm.
Về định hướng tái cơ cấu trong giai đoạn tới, NHNN yêu cầu các TCTD triển khai tái cơ cấu toàn diện trên các mặt tài chính, hoạt động và quản trị điều hành. Căn cứ thực tế của các TCTD, NHNN sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp để tiến hành tái cơ cấu, trong đó ưu tiên giải pháp tự tái cơ cấu dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất tự nguyện hoặc kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vốn để xử lý tổn thất, khôi phục hoạt động.
“Sau khi khai thác tối đa biện pháp trên không có hiệu quả, NHNN sẽ kiên quyết và sẵn sàng áp dụng các biện pháp can thiệp, kể cả cứng rắn mang tính bắt buộc để xử lý các TCTD yếu kém” - ông Thọ nói.