Sau khi được thay đổi “hình hài” đơn vị chủ quản, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang gặp nhiều khó khăn khi không được giao dự toán ngân sách cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hay quản lý vốn nên đã thiếu tính chủ động và phá vỡ điều hành tập trung thống nhất trong đảm bảo an toàn, chạy tàu thông suốt và có thể dẫn tới khả năng phải dừng chạy tàu.
“Tiến thoái lưỡng nan”
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, tháng 11/2018, VNR được chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tổng công ty gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt.
Theo ông Minh, hiện VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải nên không phù hợp với khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước khi quy định phải giao dự toán chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định giao Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức triển khai dự toán chi ngân sách Nhà nước để thực hiên công tác quán lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có 2 văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định về việc Cục Đường sắt không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ này bởi không có đủ nhân sự để tổ chức quản lý, triển khai, thực hiện dự toán và quản lý chất lượng bảo trì công trình xây dựng; không có quy định pháp luật nào phù hợp để Cục ký hơp đồng đặt hàng với VNR do Tổng công ty chỉ có chức năng tổ chức quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (chủ đầu tư), chức năng thực hiện bảo trì (nhà thầu) là 20 Công ty cổ phần do Tổng công ty nắm giữ cổ phần chi phối.
Hơn nữa, trong trường hợp VNR ký hợp đồng đặt hàng cũng không thể ký tiếp hợp đồng với các Công ty cổ phần đường sắt do Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dich vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, không có quy định về trường hợp đơn vị nhận đặt hàng (nhà thầu) được phép ký lại toàn bộ khối lượng hợp đồng đặt hàng cho các đơn vị khác tiếp theo.
Mặt khác, do nguồn kinh phí mới đáp ứng đươc 40% định mức kinh tế-kỹ thuật nên cũng không thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn các nhà thầu khác theo quy định của pháp luật do đặc thù quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt tại khu vực.
Lo ngại mất an toàn phải dừng chạy tàu
Chính vì lý do này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện đề xuất chuyển VNR từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về lại Bộ Giao thông Vận tải quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.
Theo ông Minh, trước đây, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giao dự toán ngân sách hàng năm cho VNR thực hiện đặt hàng cho 20 Công ty cổ phần để thực hiện sản phẩm công ích để thực hiện đảm bảo an toàn giao thông gồm tuần đường, gác chắn, đảm bảo duy tu bảo trì, đảm bảo cho tàu chạy thông suốt.
Người đứng đầu ngành đường sắt bày tỏ lo ngại VNR không phải là đơn vị trực thuộc Bộ sau khi chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên từ ngày 1/1/2020 không được giao dự toán ngân sách. Tới nay các đơn vị trực thuộc đường sắt đang gặp khó khăn và không thể kéo dài lâu khi chưa có tiền trả lương cho công nhân lao động, sửa chữa vật tư hư hỏng... trong khi vẫn phải đảm bảo sản xuất kinh doanh, an toàn chạy tàu.
Thống kê của VNR cho thấy, trung bình một tháng, 20 đơn vị đặt hàng sản phẩm công ích trên phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng trong khi vốn của các doanh nghiệp này chỉ dao động 10-20 tỷ đồng lại nằm chủ yếu ở vốn tài sản.
“Nếu như các đơn vị này không thực hiện những việc trên sẽ buộc phải dừng tàu. Mặc dù mệnh lệnh hành chính này từ Tổng công ty là sai nhưng vẫn phải chỉ đạo. Trong quý 1/2020, nếu như tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải báo cáo Chính phủ dừng tàu vì không đảm bảo an toàn chạy tàu. Đây là việc hết sức cấp bách,” ông Minh nhấn mạnh.
Chỉ ra những vướng mắc này xuất phát kể từ khi VNR được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, vị Chủ tịch VNR cho rằng, phương án Tổng công ty điều chuyển về Bộ Giao thông Vận tải sẽ thuận lợi hơn khi chỉ kiến nghị sửa đổi các danh mục của các doanh nghiệp trước đó chuyển về.
“Nếu VNR trực thuộc Ủy ban Quản vốn Nhà nước phải chỉnh sửa hàng loạt các hệ thống văn bản pháp luật đã được ban hành trong đó bao gồm việc chuyển giao kết cấu hạ tầng. Do đó, giải pháp nào tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu của xã hội thì nên chọn. Những vướng mắc đó chính là từ cơ chế chính sách nên từng bước chọn phương án tháo gỡ thì Chính phủ xem xét quyết định để doanh nghiệp hoạt động thông suốt,” ông Minh cho hay.
Trên cơ sở này, VNR kiến nghị Chính phủ giao dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư, đặc biệt giao dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 kịp thời để tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì liên tục kết cấu hạ tầng, đảm bảo điều hành đường sắt thông suốt, an toàn. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng các định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, VNR kiến nghị Chính phủ giao cho Tổng công ty làm chủ đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.