Thực tế, các hợp đồng cho thuê, dù dưới danh nghĩa “hợp tác” cũng khá mập mờ, còn giá thuê thì tùy hứng, thậm chí thấp đến bất thường. Điều này làm dấy lên thắc mắc, liệu các vị trí, địa chỉ là không gian sinh hoạt của người dân có thành “chùm khế ngọt” cho một nhóm người, khi tiền cho thuê có khả năng thất thoát.
Thuê 180m2 chỉ trả 1 triệu đồng/tháng
Nhà đất, không gian sinh hoạt chung như công viên, trường học… có mục đích phục vụ cộng đồng hoặc là nơi tổ chức học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí của học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động nghèo. Tuy nhiên, các đơn vị được giao quản lý cho trổ tường rồi “phân lô” để cho thuê mặt bằng nhưng không tổ chức đấu thầu công khai.
Phương thức phổ biến là “thông báo cho thuê nội bộ”. Chính vì thiếu minh bạch nên chỉ một số ít là người quen hoặc “đối tác” mới biết được để tham gia bỏ thầu “nội bộ”. Đặc biệt, giá cho thuê, kể cả ở những nơi được coi là vị trí đắc địa cũng thấp hơn so với giá thuê mặt bằng chung trên thị trường.
Tại Phân viện Thanh thiếu niên miền Nam, giá cho thuê mặt bằng là theo sự thỏa thuận giữa hai bên. Đơn cử, theo hợp đồng số 05, ký kết giữa ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc phân viện với ông N.L.T., ông N.L.T. được thuê 180m2 (5mx36m) chỉ với giá 1 triệu đồng/tháng. Hợp đồng số 07, phân viện ký với ông N.V.T. cho thuê 1.730m2 sử dụng để mở xưởng sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, với giá 8,5 triệu đồng/tháng. Xét cả 21 hợp đồng mà phân viện ký cho thuê mặt bằng thì đơn giá cho thuê mỗi mét vuông với từng mặt bằng là khác nhau.
Tham khảo các giá thuê này, lãnh đạo một công ty kinh doanh địa ốc nhận xét, trụ sở Phân viện Thanh thiếu niên miền Nam nằm ở nơi có mật độ dân cư đông đúc của TP Thủ Đức. Các vị trí cho thuê mặt bằng rất thuận lợi cho kinh doanh, buôn bán và có khả năng sinh lợi cao. Vì thế, việc cho thuê mặt bằng rộng đến 180m2, nằm ở mặt tiền đường lớn, với giá chỉ 1 triệu đồng/tháng là quá thấp.
Trong khi đó, ông Lê Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, cho biết, Nhà sách Văn Lang thuê mặt bằng của trung tâm với số tiền 25 triệu đồng/tháng, hợp đồng ký theo năm. Còn kiốt kinh doanh hoa là “được tận dụng thêm để buôn bán cây cảnh”.
Tại công viên Lê Thị Riêng, bà Bùi Kim Hòa, Giám đốc Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, thông tin, bảng giá hợp đồng cho thuê xe đẩy bán hàng trong công viên 5 triệu đồng/tháng cho 2m2. Trong khi đó, Nhà sách Nhân Văn thuê diện tích 900m2, với giá 200 triệu đồng/tháng và nộp tiền thuế sử dụng đất mỗi năm là 1,2 tỷ đồng.
Khu dịch vụ vui chơi giải trí Tuổi thần tiên thuê hơn 10.000m2, nộp phí quản lý 100 triệu đồng/tháng; đồng thời cam kết mỗi năm hỗ trợ 300 triệu đồng để thực hiện các hoạt động xã hội của địa phương và đóng 2,5 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất... Tổng số tiền mà đơn vị thu từ các dịch vụ trong công viên mỗi năm trên 10 tỷ đồng.
Thất thoát
Giải thích về việc cho thuê mặt bằng, lãnh đạo các đơn vị khai thác đưa ra những lý do như “tăng thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên”, “phục vụ cộng đồng”... Tuy nhiên, số tiền thực tế thu được không tương xứng với giá mặt bằng cho thuê cũng như những lợi ích cộng đồng bị xâm phạm.
Ông Phan Anh Việt, Giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Thủ Đức cho biết, số tiền thu được từ việc cho thuê các dãy kiốt, quán cà phê tại nhà văn hóa được sử dụng để nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên và tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em. Từ đó, nhiều lớp trẻ ở TP Thủ Đức biết bơi, được tiếp cận với các chương trình văn thể mỹ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh, cho biết, Nhà văn hóa Lao động quận có chức năng tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, giải trí cho người lao động, công nhân viên và người dân trên địa bàn. Là đơn vị sự nghiệp tự cân đối thu chi nên đơn vị cho thuê mặt bằng để có thêm kinh phí trang trải hoạt động.
“Khu vực kiốt cho thuê làm căn tin để phục vụ việc ăn uống cho người lao động làm việc tại đây và người dân đến vui chơi sinh hoạt. Bãi giữ xe bên trong cũng được cho thuê với giá 8 triệu đồng/tháng. Việc cho thuê được thực hiện qua hình thức đấu thầu. Tất cả kinh phí thu được dùng để trả lương cho người lao động và thực hiện đầy đủ các quy định về tài chính”, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh khẳng định.
Tương tự, bà Bùi Kim Hòa, Giám đốc Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng, thông tin, đơn vị có 30 cán bộ, nhân viên và đã tự chủ 100% về kinh phí hoạt động nhiều năm qua. Nguồn thu từ việc cho thuê các công trình, dịch vụ hoạt động trong công viên khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Ngoài khoản tiền phí, thuế sử dụng đất nộp cho nhà nước khoảng 6 tỷ đồng/năm, số còn lại được đơn vị chi trả lương cho cán bộ, nhân viên và đầu tư tu bổ mảng xanh, hạ tầng cũng như giữ gìn vệ sinh trong công viên. “Nếu thành phố yêu cầu ngưng cho thuê, chúng tôi sẽ không có nguồn chi trả lương cho cán bộ, nhân viên và không có kinh phí giữ gìn, vệ sinh công viên, phục vụ người dân”, bà Bùi Kim Hòa giãi bày.
Trong lúc ở nhiều đơn vị có thu, có chi, thì tại Phân viện Thanh thiếu niên miền Nam đã cho 21 khách thuê sử dụng miễn phí trên 16.000m2 để kinh doanh, buôn bán đã 2 năm qua. Sở dĩ như vậy vì cách đây 2 năm, phân viện đã thông báo, yêu cầu các khách thuê trả mặt bằng. Thế nhưng, bên thuê vẫn cứ khai thác mà tiền thuê mặt bằng lại không trả. Tính ra, từ đó đến nay, số tiền cho thuê mặt bằng ở đây thất thoát lên đến hàng tỷ đồng.
Một nhân viên của Phân viện Thanh thiếu niên miền Nam bức xúc phản ánh, nhân viên, người lao động đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo phân viện công khai giá cho thuê mặt bằng, số tiền thu được và mục đích sử dụng, nhưng không được đáp ứng. Còn ông N.L.T., khách hàng thuê đất phân trần về lý do chưa trả mặt bằng: “Tôi chưa trả mặt bằng là vì phân viện thiếu minh bạch trong ký hợp đồng và không công tâm trong thu hồi mặt bằng”.
Thực tế cho thấy, không gian sinh hoạt của người dân đã bị cắt xén cho thuê trái quy định, trong khi tiền cho thuê lại rơi rụng, thất thoát, thậm chí mang lại lợi lộc cho một số cá nhân. Lý do nâng cao thu nhập, tăng kinh phí hoạt động hay xã hội hóa... được đưa ra để giải thích cho việc cắn xén không gian sinh hoạt của người dân là chưa thuyết phục, nhất là ở nhiều nơi còn mập mờ trong việc thu, chi.
Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị chủ quản cần tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng cho thuê mặt bằng trái phép, có giải pháp thu hồi lại mặt bằng; thanh, kiểm tra việc sử dụng nguồn tiền từ cho thuê mặt bằng để ngăn chặn khả năng tư lợi từ việc cắt xén không gian sinh hoạt của người dân.
Mập mờ, thiếu minh bạch Khi phóng viên đề cập đến hợp đồng cho thuê/hợp đồng khai thác không gian công cộng cùng giá thuê mặt bằng, phân chia lợi nhuận từ việc hợp tác, nhiều đơn vị đưa ra không ít lý do để thoái thác trả lời. Đơn cử, khi phóng viên Báo SGGP nêu thắc mắc về giá cho thuê các kiốt tại trụ sở, ông Phan Anh Việt, Giám đốc Nhà văn hóa Thiếu nhi TP Thủ Đức, xin phép không trả lời, vì “đơn vị đang xây dựng đề án sắp xếp lại các nhà thiếu nhi nên giá cho thuê thường thay đổi”. Trong khi đó, ông Phạm Vũ Phước Huy, Phó Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TPHCM, khẳng định, các dịch vụ tại Cung Văn hóa Lao động đều phục vụ công đoàn viên với mức phí luôn thấp hơn 15-20% các dịch vụ bên ngoài. Về giá thuê, quán Business Coffee (mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai) được thuê với giá hơn 8 triệu đồng/tháng. Ông Huy cũng khẳng định, Cung Văn hóa Lao động “cho thuê với giá theo mặt bằng chung hiện nay” và hứa sẽ cung cấp cho phóng viên hợp đồng thuê mặt bằng để chứng minh. Tuy nhiên, sau đó ông trả lời “không thể cung cấp được vì đây là hồ sơ đấu giá đất, chỉ phục vụ cho kiểm tra của cơ quan thuế hoặc kiểm toán”. |