Đại diện một DN xăng dầu trên địa bàn TPHCM cho rằng, quỹ bình ổn giá xăng dầu thực chất chỉ là lấy tiền của người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Vì vậy, việc kiến nghị bỏ quỹ là hợp lý, nhằm giúp giá xăng trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới; đồng thời DN có thể chủ động trong việc điều chỉnh giá trước biến động của thị trường.
Đồng quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phân tích về mặt nguyên tắc, thành lập quỹ cũng là một biện pháp điều tiết, giúp ổn định thị trường, nhưng trong thực tế, khi vận hành quỹ đã có những vấn đề chưa được như mong muốn.
“Khách hàng mua xăng bỏ tiền ứng trước vào quỹ nhưng sau đó chưa chắc đã được mua lúc giá rẻ hơn. Chính vì thế, nó chưa phù hợp với đối tượng phải đóng quỹ. Còn đối với DN xăng dầu, khi giá xuống họ được trích tiền vào quỹ; thế nhưng, lượng tiền mà DN đó trích vào quỹ so với lượng tiền họ phải xả ra khi giá xăng dầu lên chưa chắc đã cân đối. Đơn cử, lúc giá xuống, nếu DN nào bán được nhiều trích được quỹ nhiều, nếu bán được ít thu quỹ ít. Do đó, khi giá lên cao thì DN có quỹ ít sẽ rất khó khăn, thậm chí không dám bán nhiều hàng vì sợ phải bù lỗ lớn. Như vậy là bất cập cả cho người tiêu dùng và cho cả phía DN”, ông Hoàng Văn Cường phân tích.
Trên thực tế, quỹ bình ổn giá xăng dầu được thành lập từ năm 2009 với số tiền trích lập hàng năm lên tới nhiều ngàn tỷ đồng, nhưng hầu hết người dân không ai biết số tiền đó được sử dụng như thế nào. Trước những bất cập, thiếu minh bạch của loại quỹ này, thời gian qua đã có nhiều ý kiến đề xuất nên sớm bỏ. Cụ thể, trong văn bản gửi Chính phủ hồi tháng 4, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lập luận, việc trích lập quỹ 300 đồng/lít theo quy định tại Nghị định 83/2014 đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Trong khi đó, Bộ Tài chính công bố, số dư quỹ này cuối năm 2018 là hơn 3.500 tỷ đồng, nhưng đã được chi rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019. Hết quý 1-2019, quỹ âm gần 621 tỷ đồng và quý 2 âm xấp xỉ 500 tỷ đồng. Những con số “tréo ngoe” này cho thấy, lợi cho người dân chưa thấy rõ nhưng với các DN, việc âm quỹ hàng trăm tỷ đồng là vấn đề đáng quan ngại!
Như vậy, có thể thấy sau 10 năm vận hành, quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ lợi bất cập hại. Việc cân nhắc lộ trình bỏ quỹ này là phù hợp với một nền kinh tế thị trường, Nhà nước có thể sử dụng công cụ về thuế để điều chỉnh khi giá xăng dầu trên thế giới biến động. Khi đó, công cụ về thuế sẽ khắc phục phần nào những bất cập của quỹ bình ổn giá xăng dầu tồn tại lâu nay.