Không lãng phí nhà tái định cư

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC ngày 24-3 có bài “Căn hộ chung cư tái định cư xuống cấp vì… bỏ hoang”, phản ánh tình trạng nhiều khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn TPHCM xây xong không có người ở. Đề cập tình trạng này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Sở Xây dựng cuối tuần qua, Giám đốc Sở xây dựng Trần Trọng Tuấn thừa nhận một số khu TĐC chưa phù hợp với cuộc sống người dân.

(ĐTTCO) - Báo ĐTTC ngày 24-3 có bài “Căn hộ chung cư tái định cư xuống cấp vì… bỏ hoang”, phản ánh tình trạng nhiều khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn TPHCM xây xong không có người ở. Đề cập tình trạng này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Sở Xây dựng cuối tuần qua, Giám đốc Sở xây dựng Trần Trọng Tuấn thừa nhận một số khu TĐC chưa phù hợp với cuộc sống người dân.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, chương trình nhà ở TĐC phải xem xét nhiều khía cạnh, không chỉ về mặt kinh tế mà còn ở góc độ xã hội và nhân văn, không chỉ đánh giá dựa vào hiện tại mà phải xem xét quá trình lịch sử. Ông Tuấn khẳng định chương trình xây dựng nhà ở TĐC là một chủ trương đúng đắn, sự nỗ lực lớn của cả TP khi tiến hành từ khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng cho đến xây dựng chung cư, góp công lớn trong phát triển TP, nâng cao chất lượng nhà ở người dân. Tuy nhiên, sau đó TP nhận ra nơi ở an cư không chỉ là căn hộ để ở mà còn là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nên một số khu TĐC hiện không phù hợp, không thể đưa người dân từ sống đất ruộng lên ở chung cư, từ quận 1 ra huyện Bình Chánh… Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các dự án TĐC, chính sách thay đổi liên tục, cho dân đăng ký căn hộ hoặc nhận tiền tự lo nơi ở khác…

Tuy nhiên, vẫn phải chuẩn bị số lượng căn hộ TĐC đủ để bố trí trong trường hợp người dân muốn chọn nhà TĐC. “Chính vì thế mới có tình trạng nhà TĐC dôi dư  như hiện nay vì TP không thể tính toán chính xác nhu cầu của người dân, nhưng đó là cái giá phải chấp nhận để bảo đảm nơi ở cho người dân sau khi bị giải tỏa. Không thể coi đó là lãng phí” -  ông Tuấn cho hay. Ông Tuấn cho rằng hiện TP cũng đưa ra nhiều phương án để cân đối quỹ nhà TĐC đang dôi dư, cụ thể như: bán đấu giá 1.000 căn tại khu TĐC Vĩnh Lộc B, riêng các căn hộ thuộc chương trình 12.500 căn TĐC tại Thủ Thiêm sẽ được xác định quyền sử dụng đất theo giá thị trường để cấn trừ căn hộ cho nhà đầu tư, một phần giao lại cho TP làm quỹ nhà dự phòng nhằm chủ động về nhà ở cho các tình huống có thể xảy ra như thiên tai, hỏa hoạn… Thực tế, sau khi bố trí người dân đến chỗ ở mới đã bộc lộ một số hạn chế, do đó trong thời gian tới sẽ nghiên cứu khắc phục tình trạng này để nơi ở mới phù hợp với người dân hơn.

Như ĐTTC đã phản ánh, hơn 1.500 căn hộ TĐC trong tổng số gần 2.000 căn thuộc dự án TĐC Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) đang xuống cấp do không có người ở, phải xin kinh phí ngân sách để bảo dưỡng. Dự án TĐC Vĩnh Lộc B thuộc xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được xem là dự án TĐC “hoành tráng” nhất với 45 block chung cư, tổng số 1.939 căn hộ và 529 nền đất. Dự án được hoàn thành vào năm 2010 với mục đích TĐC cho những hộ dân bị di dời tại các dự án nâng cấp đô thị của TP trải dài tại nhiều quận/huyện như Gò Vấp, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 6, 12… và tại những dự án khác của TP. Tuy nhiên ông Lý Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh - đơn vị được bàn giao để quản lý, vận hành toàn bộ dự án, cho biết công ty nhận bàn giao từ tháng 5-2010 nhưng đến nay mới chỉ bàn giao 306 căn hộ trong tổng số 1.939 căn, chiếm tỷ lệ 15,7%.

Nhiều căn hộ tại chung cư TĐC Vĩnh Lộc B hoàn thành nhiều năm nhưng chưa có hộ dân đến ở do xa trung tâm.
Nhiều căn hộ tại chung cư TĐC Vĩnh Lộc B hoàn thành

nhiều năm nhưng chưa có hộ dân đến ở do xa trung tâm.

Các hộ dân nhận căn hộ đến nay cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Số nền đất bàn giao được 222/529 nền và đã có 142 hộ xây nhà. Ông Sơn cho biết số hộ nhận căn hộ quá ít lại rải rác tại nhiều block của chung cư khiến công tác quản lý, vận hành hết sức khó khăn. Theo quyết định bố trí TĐC, chi phí quản lý 2%, theo hợp đồng đã ký hơn 1 tỷ đồng, nhưng thực thu chỉ mới 735 triệu đồng. Do số hộ nhận nhà quá ít và số tiền thu phí của những hộ đã đến ở cũng không đủ nên công tác bảo trì, duy tu hết sức khó khăn. Theo ghi nhận của ĐTTC, nhiều căn hộ, hạng mục do không có người ở nên xuống cấp trầm trọng, đơn vị quản lý phải nâng cấp, sửa chữa một số căn hộ (như thay cửa, đèn…) trước khi bàn giao cho hộ dân nhận nhà. Trước tình hình này, ông Sơn kiến nghị TP có cơ chế cấp kinh phí từ ngân sách TP để đảm bảo công tác duy tu, bảo dưỡng nhằm chống sự xuống cấp của chung cư.

Các tin khác