Bệnh không rõ triệu chứng
Giữa năm 2023, anh H.T.Q. (31 tuổi, ngụ Tây Ninh) bị nghẹt mũi, chảy máu cam, đau đầu nhiều. Các cơn đau âm ỉ từ vùng đỉnh đầu xuống sau vùng trán, càng về sau cơn đau càng dữ dội kèm theo chóng mặt và kéo dài. Ở bệnh viện địa phương, anh Q. được chẩn đoán bị viêm xoang.
Gần 2 tuần nằm điều trị nội trú, thấy các triệu chứng không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn, anh xin xuất viện, chuyển đến khám bệnh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Tại đây, bác sĩ phát hiện anh Q. có khối u bất thường ở vùng niêm mạc hầu mũi trái lan vào xoang bướm trái. Sau khi giải phẫu bệnh, bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư vòm họng, được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TPHCM để tiếp tục điều trị.
Chị L.H.T.S. (45 tuổi, ngụ TPHCM) cũng thường xuyên có các biểu hiện như nghẹt mũi, chảy máu mũi. Khi tình trạng chảy máu mũi diễn ra thường xuyên hơn, chị mới vào Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM kiểm tra, kết quả bác sĩ cũng chẩn đoán chị S. bị ung thư vòm họng giai đoạn 2.
Theo thống kê của Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, bình quân mỗi ngày, phòng nội soi mũi - xoang của bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-15 người đến thăm khám có những triệu chứng chảy máu mũi, trong số đó phát hiện 2-3 trường hợp nghi ngờ mắc ung thư vòm họng.
Còn tại Khoa Xạ đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi ngày điều trị từ 80-150 trường hợp mắc ung thư vòm họng.
Biến chứng nguy hiểm
Theo các chuyên gia y tế, bệnh ung thư vòm họng có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao. Nhưng ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng, dễ dẫn đến người dân chủ quan, bác sĩ ít kinh nghiệm thường nhầm lẫn sang một số bệnh lý về tai mũi họng thông thường.
Ở giai đoạn 2, ung thư vòm họng có các biểu hiện triệu chứng rõ rệt hơn như người bệnh có hiện tượng nghẹt mũi một cách liên tục, kèm theo chảy mũi nhầy. Ngoài ra, có thể xảy ra chảy mũ do viêm xoang gây ra, đôi khi người bệnh còn chảy mũi nhầy có máu.
Tiếp đó, người bệnh xuất hiện hạch ở cổ hoặc góc hàm (hạch cứng, ấn vào không gây cảm giác đau và xung quanh không có biểu hiện viêm); xuất hiện cảm giác ù tai, giảm thính lực, đau nhức một bên. Ở giai đoạn này, người bệnh còn gặp các triệu chứng liên quan đến thần kinh như nhức đầu kéo dài, đau vùng thái dương hoặc xuất hiện các cơn đau sâu trong hốc mắt…
TS-BS Lâm Đức Hoàng, Trưởng khoa Xạ đầu cổ, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, ung thư vòm họng nằm trong số 10 loại ung thư phổ biến nhất ở nước ta. Nam giới (thường trong độ tuổi từ 40-60) mắc ung thư vòm họng nhiều gấp 3 lần nữ giới.
Đến nay, y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ung thư vòm họng. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ có thể kể đến như địa lý, chủng tộc, thói quen sinh hoạt và đặc biệt là vai trò sinh bệnh học của Epstein Barr virus (EBV). EBV là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người, là nguyên nhân gây bệnh bạch cầu đơn nhân và liên quan tới một số loại ung thư như ung thư biểu mô vòm họng, ung thư dạ dày, u lympho Hodgkin…
BS-CKII Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi - Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, khuyến cáo người dân khi gặp bất cứ triệu chứng chảy máu mũi nào hoặc khịt mũi có lẫn máu cần đến cơ sở y tế nội soi để kiểm tra, loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm cho bệnh nhân như ung thư vòm họng, các ung thư khác vùng mũi xoang nói riêng và mũi họng nói chung.
Theo TS-BS Lâm Đức Hoàng, trong số những người mắc ung thư vòm họng có đến 70% trường hợp phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Bệnh này nếu được phát hiện sớm sẽ có những liệu pháp điều trị phù hợp nhằm giảm thiểu các biến chứng và nâng cao tỷ lệ điều trị thành công. Khi có các dấu hiệu bất thường, người dân cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh để thăm khám, phát hiện sớm để được tư vấn về chẩn đoán và điều trị.
Để phòng ngừa, người dân cần tăng cường sức đề kháng cho niêm mạc mũi họng bằng các thuốc súc miệng, ăn uống điều độ, hợp vệ sinh nhằm tránh virus EBV phát tán; hạn chế ăn các món dưa muối, cà muối; người có yếu tố gia đình mắc ung thư vòm họng nên tránh các nghề có tiếp xúc với bụi gỗ, đốt than, khói bụi ô nhiễm…