Theo dõi báo trên:
HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị góp ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 7/3. Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, không nên quy định ghi đầy đủ các thành viên hộ gia đình vì rất khó giải quyết khi sang nhượng, mua bán, tặng cho.
Hội nghị lấy ý kiến đối với toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm: bố cục, nội dung, kỹ thuật trình bày của Dự thảo. Các vị đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đã đóng góp ý kiến về 9 vấn đề trọng tâm của Dự thảo Luật, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất. Ngoài ra, các vị đại biểu với kinh nghiệm thực tiễn tại Đà Nẵng góp ý nhiều vấn đề khác trong dự thảo luật; đánh giá tính khả thi của các điều luật đang Dự thảo.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết: “Việc lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nhằm tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu HĐND thành phố cũng như HĐND huyện Hòa Vang để hoàn thiện Luật bảo đảm chất lượng, khoa học, hiệu quả; phản ánh được ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, tạo nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Qua đó, góp phần kiến nghị giúp Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sắp đến.”
Ông Trần Thắng Lợi, Bí thư Quận ủy, Tổ trưởng Tổ Đại biểu HĐND quận Hải Châu đề nghị bổ sung giải thích đối với cụm từ “đất đai thổ cư”. Theo ông Lợi, Thổ cư là từ Hán Việt và có nghĩa: Thổ là đất - Cư là ở, đồng nghĩa với Thổ cư là đất ở. Tuy nhiên việc thực hiện pháp luật đất đai qua các thời kỳ thì Thổ cư (ký hiệu là T trên bản đồ và hồ sơ địa chính) bao gồm có đất ở và đất vườn ao (nếu có). Khoản 9 và các điều liên quan khác chỉ đề cập đến chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác, trong khi việc chuyển giao quyền này có cả tổ chức, các pháp nhân, nên giải thích tổng quát là cá nhân, tổ chức và pháp nhân.
Góp ý Điều 5, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về Người sử dụng đất, ông Trần Thắng Lợi cho rằng, đối tượng Hộ gia đình nên ghi tên chủ hộ (là người đứng tên) và chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại liên quan đến đất và tài sản gắn liền với đất. Theo ông Lợi : "Không nên quy định ghi đầy đủ các thành viên hộ gia đình vì các cơ quan chức năng rất khó giải quyết khi sang nhượng, mua bán, tặng cho”. Đồng thời cần làm rõ những đối tượng thuê lại đất có phải là “người sử dụng đất” hay không, làm căn cứ để xác định các quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến việc sử dụng đất của đối tượng này.
Không nên ghi đầy đủ các thành viên hộ gia đình khi sang nhượng đất đai
Nhiều Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng nêu thực tế: Trong những năm qua, có một số trường hợp công bố vùng quy hoạch, người dân không được sửa chữa, không được xây nhà, không được mua bán bất động sản. Nhưng qua nhiều năm, dự án vẫn chưa thực hiện, nhà cửa của người dân thì ngày càng xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống, nhiều trường hợp kinh tế gặp khó khăn nhưng không thể thực hiện giao dịch trên ngôi nhà đang ở... Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, cần có quy định chặt chẽ thời gian thực hiện dự án là bao lâu, nếu quá thời hạn mà vẫn chưa thực hiện dự án thì xem như thông báo giải tỏa, đền bù hết hiệu lực.
Góp ý Điều 78, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về nội dung Thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng”, ông Trần Thắng Lợi, Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến: "Cần phải xác định rõ tiêu chí, điều kiện của cụm từ ‘‘lợi ích quốc gia, công cộng” để tránh tình trạng tùy tiện khi ban hành thông báo thu hồi đất. Tại điểm d Khoản 4 có nêu trường hợp phải thu hồi đất ở quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 điều 81 Luật này thì việc thu hồi đất căn cứ vào văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người – chưa đầy đủ.”
Góp ý Điểm c Điều 87 quy định:“ Không thực hiện cưỡng chế trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; trong thời gian 15 ngày trước và sau Tết nguyên đán và các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương;”, Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể thế nào là các trường hợp đặc biệt khác hoặc giao cho cơ quan nào quy định cụ thể nội dung này.
Khoản 3 Điều 150, Dự thảo Luật quy định: “Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất.”. Nhiều ý kiến của Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng đề xuất đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất thì thời điểm tính thu tiền sử dụng đất là thời điểm nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ hoặc thời điểm chuyển thông tin địa chính cho cơ quan Thuế.
Khoản 2 Điều 153, Dự thảo Luật quy định. “Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định, không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác.”
Ngoại trừ lấn sông, lấn biển chứ đất không phát triển mà chỉ chuyển hóa từ mục đích này sang mục đất khác.
Ông Phan Thanh Long, Chánh Thanh tra thành phố Đà Nẵng phân tích: Trong thực tế, thì rất khó thực hiện, nội dung này cũng đang là vướng mắc chung của thực tế hiện nay. Nhiều dự án đặc thù rất khó để tìm giá thị trường giao dịch thành công cùng mục đích, tương đồng về tính chất dự án. Chỉ có đất thông qua đấu giá thì thông tin giao dịch thành công tương đối chính xác, còn các giao dịch chuyển nhượng thì trên hợp đồng vẫn không thể hiện giá trị thực nên việc tham khảo sát thị trường tương đối khó khăn. Đồng thời quy định “trong khoảng thời gian nhất định” mà không giới hạn cụ thể cũng rất khó khăn cho công tác khảo sát giá vì khi thị trường sôi động thì giá luôn biến động hàng ngày, khi thị trường lắng thì có khi giá 1 năm không thay đổi.
Đối với cụm từ “Phát triển quỹ đất” tại Chương VIII và Điều 111, ông Phan Thanh Long đề nghị nghiên cứu, bổ sung làm rõ khái niệm và nội hàm của cụm từ “Phát triển quỹ đất”: “Dự thảo cần làm rõ hơn nội hàm của cụm từ “Phát triển quỹ đất”. Bởi đất không phát triển thêm lên đâu mà lâu nay cứ dùng cụm từ này. Như vậy, nội hàm của từ “phát triển” ở đây có nghĩa là gì. Ngoại trừ lấn sông, lấn biển thôi chứ đất thì chỉ chuyển hóa từ mục đích này sang mục đích khác. Hoặc là loại đất này sang loại đất khác. Thế nhưng chúng ta dùng từ “Phát triển quỹ đất” từ xưa đến nay. Tôi đề nghị, trong giải thích từ ngữ, cần làm rõ nội hàm “Phát triển quỹ đất” để đảm bảo công tác quản lý đất đai trong thực tế”.