Trao đổi với ĐTTC về vấn đế này, TS. PHẠM HÙNG TIẾN, chuyên gia kinh tế Cổng thông tin điện tử Alumniportal (Cộng hòa Liên bang Đức), cho rằng:
Để đánh giá về sự bình đẳng hay không bình đẳng giữa các khu vực DN, người ta phải so sánh trên 3 yếu tố, cùng 1 địa phương, 1 ngành nghề và trong 1 thời điểm. Thứ nhất, nhìn vào cơ cấu đầu tư DN FDI tại Việt Nam từ những năm 1990 đến nay chủ yếu đầu tư vào 19 nhóm ngành nghề. Trong đó, DN FDI tập trung đầu tư lĩnh vực chế biến, chế tạo, bất động sản nghỉ dưỡng, thương mại bán lẻ, các ngành điện, nước uống đóng chai... Một số ngành nghề khác như giáo dục, y tế, DN FDI hầu như không quan tâm đến. Như vậy, họ đầu tư vào Việt Nam có chọn lọc, không phủ rộng như DN trong nước.
Thứ hai, DN FDI có thật sự được hưởng ưu đãi đầu tư nhiều hơn hay không? Phải nói rằng cho đến năm 2000, các DN FDI vào Việt Nam vẫn theo mô hình công ty liên doanh giữa NĐT FDI và DN nội. Theo mô hình này DN nội thường đóng góp khoảng 30% vốn pháp định (chủ yếu góp bằng tài sản đất đai), 70% vốn còn lại của DN FDI. Như vậy với mô hình công ty liên doanh trước năm 2000, không hề có sự bất bình đẳng giữa 2 khu vực. Nhưng sau năm 2000, các DN trong nước bộc lộ rõ phần yếu kém trong chiến lược đầu tư, kinh doanh, nên hầu hết NĐT FDI đến Việt Nam chọn mô hình đầu tư 100% vốn nước ngoài, đồng thời họ đầu tư vào các lĩnh vực định hướng xuất khẩu.
Trong khi đó, các DN trong nước đa phần phục vụ thị trường nội địa và một phần còn lại mới xuất khẩu. Như vậy hàng hóa sản xuất ra để phục vụ cho các nhóm thị trường có sự khác nhau. Có thể thấy các DN FDI chỉ tập trung vào các lĩnh vực họ có thế mạnh, có thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện, điện tử, chế biến, chế tạo, một số thiết bị công nghiệp phụ trợ xuất khẩu.
Khi mời gọi đầu tư nước ngoài chúng ta tạo điều kiện ưu đãi cho họ về thuế, tiền thuê đất đai, thời hạn sử dụng đất… cũng nên tìm hiểu các dự án tương tự đã đầu tư vào các nước phát triển họ được ưu đãi gì, đặc biệt những tiêu chuẩn môi trường, sử dụng người lao động… để đưa vào điều khoản cam kết đầu tư. Điều này sẽ có lợi về lâu dài, nếu không khi mặt bằng tiền lương trong nước tăng lên, môi trường đầu tư kém hấp dẫn, NĐT FDI sẽ chuyển đi nơi khác. |
Thứ ba, cho đến những năm 2015 trở về trước chúng ta vẫn ưu tiên mô hình kinh doanh dựa trên DN lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Như vậy vẫn có ưu tiên DN trong nước. Nếu nói ít quan tâm đó là đối với DNNVV. Song từ năm 2015 trở lại đây, Chính phủ chuyển hướng ưu đãi, quan tâm hơn đến thành phần kinh tế tư nhân trong đó có DNNVV, như ưu đãi vay vốn, bảo lãnh tín dụng, khả năng tiếp cận đất… dù phần ưu đãi đó chưa đủ lớn.
PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhìn nhận gì về cơ chế ưu đã cho DN FDI?
TS. PHẠM HÙNG TIẾN: - Kinh nghiệm thành công trong chính sách thu hút đầu tư FDI của Trung Quốc là điều đáng quan tâm. Trong chính sách thu hút FDI, Trung Quốc có sự phân biệt rõ ràng. Khu vực trong các ĐKKT, các NĐT FDI được hưởng ưu đãi đặc biệt, chính quyền địa phương sẽ lo việc xây dựng hạ tầng tốt nhất cho NĐT FDI.
Về thuế cũng được hưởng ưu đãi tối đa, nhưng hàng hóa sản xuất trong các ĐKKT của Trung Quốc chủ yếu xuất sang các nước công nghiệp phát triển, hoặc xuất đi toàn thế giới. Trung Quốc ưu đãi NĐT nước ngoài tại các ĐKKT để phục vụ thị trường ngoài nước. Đối với DN FDI, muốn sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Trung Quốc, họ phải đầu tư ngoài vùng ĐKKT và phải chọn hình thức liên doanh với DN nội địa để cùng sản xuất.
Tóm lại, vì nhiều lý do như chất lượng nguồn nhân lực, trình độ DN nội địa, nên trước năm 2000 DN trong nước hầu như không hấp thụ được công nghệ chuyển giao từ khu vực FDI. Mặt khác, quy mô thị trường Việt Nam chưa đủ lớn, dù có tới 90 triệu dân nhưng thu nhập đầu người còn thấp. Vì vậy, khả năng DN FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất tại Việt Nam, cung cấp cho thị trường nội địa rất thấp, buộc họ phải chọn con đường xuất khẩu.
- Nói như vậy DN trong nước bị thua thiệt?
- Cơ chế vận hành của thị trường cần phải tôn trọng các nguyên tắc thị trường về cung cầu, bình đẳng, minh bạch trong cạnh tranh. Hơn nữa, Chính phủ đã tham gia và ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo đầu ra cho sản phẩm. Điều này rất có lợi cho DN FDI đầu tư vào Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế từ các FTA với các đối tác trên thế giới. Hiện Việt Nam đã tham gia đàm phán 16 FTA, trong đó có 15 FTA đã được ký kết.
Nhưng có một thực tế là chúng ta quá quan tâm tới các FTA mà quên các hiệp định về bảo hộ đầu tư, đây cũng là một vấn đề liên quan trực tiếp đến khu vực DN trong nước. Khi các DN FDI vào Việt Nam họ thực hiện cam kết với Chính phủ, tuy nhiên khi NĐT đàm phán các dự án lớn thường thực hiện riêng rẽ. Có những dự án vượt quá thẩm quyền của địa phương, NĐT FDI có thể làm việc trực tiếp với Chính phủ để xin cơ chế ưu đãi đặc thù. Chẳng hạn như các dự án Formosa (Hà Tĩnh), LG (Hải Phòng), Samsung (Thái Nguyên)…
Trước đây đã có những trường hợp liên doanh rất thành công như Coca-cola, Pepsi, Honda… Nhưng bằng cách này, cách khác NĐT FDI ép DN trong nước thoái vốn hoặc bị mua lại vốn rời khỏi liên doanh, cuối cùng trở thành DN 100% vốn FDI. Cụ thể trường hợp Coca-cola, dù lợi nhuận của họ rất lớn, nhưng thông qua các khoản chi cho quảng cáo, marketing, nâng giá đầu vào thiết bị, công nghệ, làm DN của họ bị lỗ trong một thời gian dài. Khi phía đối tác Việt Nam không đủ năng lực cùng họ trả nợ, buộc phải thoái vốn. Và khi mô hình liên doanh không còn phổ biến, DN trong nước rất khó học hỏi về công nghệ từ các DN FDI.
- Xin cảm ơn ông.