PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá như thế nào về việc DN Việt Nam có thể sẽ bị mua rẻ, thâu tóm sau dịch Covid-19?
TS. ĐINH THẾ HIỂN: - Nói về thâu tóm DN có 2 loại hình. Thứ nhất, DN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) có thương hiệu và thời gian niêm yết lâu. Thứ hai, các DN cổ phần chưa niêm yết. Ngoài ra chúng ta còn hay nói đến DN BĐS có quỹ đất lớn do thâu tóm mà có.
Đối với DN niêm yết, xuất phát với lý do thời điểm dịch giá CP giảm mạnh sẽ xuất hiện lực mua vào chiếm đa số, làm dấy lên những nghi ngại về kịch bản thâu tóm đang được nói đến hiện nay. Song cũng phải nhìn nhận tình hình TTCK đi xuống là chung của nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam nên không thể coi là bất thường.
Ngoài ra, với các DN có vốn hóa lớn, khả năng bị đối tác đầu tư thâu tóm cũng thấp do chi phí rất lớn. Thực tế, muốn thâu tóm phải nhắc đến quan hệ của các cổ đông chính, chẳng hạn các quỹ đầu tư tài chính, đối tác khó thâu tóm được. Những quỹ này chỉ mua không thâu tóm DN. Tuy nhiên khi những quỹ này rời đi trong khi không có quỹ đầu tư khác thế vào, khả năng bị thâu tóm rất cao.
Đối với nhóm DN chưa niêm yết, không phải công ty đại chúng, thông thường của một hoặc một vài ông chủ. Khi đó ông chủ cảm thấy không thể duy trì tốt nhất cho DN mình sẽ phải bán đi. Điều này với cá nhân người mất công ty có thể là chuyện xấu, nhưng với nền kinh tế lại là chuyện tốt. Vì Nhà nước không thể và cũng không có nhiệm vụ phải bảo vệ những người buộc phải bán công ty vì kinh doanh thua lỗ.
Cũng có ý kiến cho rằng trước làn sóng mua bán DN trỗi dậy trong thời gian tới, nên làm cách nào đó để DN nội mua lại DN nội hơn là để ngoại mua nội. Tôi nghĩ rằng không nên quan niệm như vậy, vì trong nền kinh tế hiện nay, DN hoạt động tốt dù là vốn trong nước hay nước ngoài cũng được. Hiện nay chúng ta cũng đã có quy định DN 100% vốn nước ngoài được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
- DN yếu phải bán là bình thường, nhưng nếu nhiều DN làm vậy liệu có mất những thương hiệu Việt tiềm năng, thưa ông?
- Trong bối cảnh hiện nay DN sáng tạo mới là quan trọng, nhiều DN có thể phải bán nhưng nhiều DN khác cũng được hình thành. Trong nền kinh tế 4.0 sức mạnh của sự sáng tạo rất lớn, nó có thể đưa các DN từ xuất phát điểm thấp nhanh chóng trở thành những thương hiệu lớn trong nước, vươn ra khu vực và thế giới.
Chúng ta cũng đã thấy sự lớn mạnh rất nhanh của nhiều công ty công nghệ trên thế giới, trong thời gian ngắn chưa đầy 10 năm đã vượt qua những công ty khổng lồ với nền sản xuất kinh doanh kiểu cũ. Bây giờ không còn thời của công ty vốn lớn, chiếm lĩnh thị trường bằng hệ thống kinh doanh bề thế nhưng sức ỳ lớn. Thực tiễn 10 năm qua cho thấy những công ty có mô hình kinh doanh mới, có sự kết nối tốt và biết ứng dụng các công nghệ 4.0 là những người chiến thắng. Nếu cố giữ lại những DN yếu ớt sẽ khó để hình thành những thương hiệu mạnh trong tương lai.
Tất nhiên Nhà nước không thờ ơ với những khó khăn của DN. Vừa qua Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ DN. Nhưng cần khẳng định Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ hết cho DN, đặc biệt là DN không biết quản trị rủi ro. Điều DN cần lúc này là thị trường, là nhu cầu người tiêu dùng. Khi người mua có nhu cầu DN sẽ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đó là cách thoát khỏi khó khăn nhanh nhất.
- Trong bối cảnh dịch hiện nay tính liên kết yếu giữa các DN nội, cũng như việc làm sao đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng sản phẩm trong nước, lại được nhắc đến. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Nói về tính liên kết giữa các DN nên nhìn vào sự phát triển từng bước của nền kinh tế. Cách đây 20-30 năm DN sản xuất khá rời rạc, thiếu liên kết, nhưng nay sau quá trình phát triển, DN cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều, họ luôn biết mua bán thành phẩm trong chuỗi giá trị ở đâu là tốt nhất. Chúng ta không phải thiếu liên kết mà thực tế chuỗi cung ứng, nhất là trong mảng công nghiệp hỗ trợ, còn yếu và thiếu.
Còn việc đẩy mạnh sử dụng sản phẩm trong nước có thể nhìn kinh nghiệm của Hàn Quốc trong thập niên 80-90 của thế kỷ trước đã rất thành công với việc này, một phần do là sản phẩm cung ứng trong nước nhưng chất lượng rất đảm bảo. Tuy nhiên về lâu dài đây không phải cách phát triển bền vững. Muốn bền vững phải đẩy mạnh giao thương, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Với chúng ta giai đoạn này vẫn cần đẩy mạnh thị trường trong nước để tận dụng lợi thế dân số đông, nhưng đồng thời vẫn phải đẩy mạnh giao thương. Bằng chứng, xuất khẩu của Việt Nam đã và sẽ được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cạnh tranh với hàng ngoại ở trong nước. Đó là xu thế chung.
- Xin cảm ơn ông.
DN yếu bị mua lại, thâu tóm, với cá nhân người mất công ty có thể là chuyện xấu, nhưng với nền kinh tế lại là chuyện tốt. Vì Nhà nước không thể và cũng không có nhiệm vụ phải bảo vệ những người buộc phải bán công ty vì kinh doanh thua lỗ. |