Không thể cấp bù lãi suất cho BOT giao thông

(ĐTTCO) - Theo Bộ Giao thông - Vận tải, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn tới cần khoảng 2 triệu tỷ đồng, ngân sách chỉ đáp ứng 40-50%, còn lại hơn 1 triệu tỷ đồng phải trông chờ vào hình thức hợp tác công - tư (PPP), đặc biệt là các dự án BOT và BT. Nhưng thực tế các chủ đầu tư dự án BOT chỉ tự đáp ứng được 10-15% tổng vốn đầu tư, còn lại đều dựa vào tín dụng ngân hàng.

Ngân hàng ngại BOT vì tù mù thông tin
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến hết tháng 7, dư nợ cho vay BOT chỉ còn 99.000 tỷ đồng (giảm so với dư nợ 103.573 tỷ đồng cuối tháng 3 và giảm gần 4% so với năm 2018). Song dự báo còn tiếp tục giảm do chủ trương của NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát chặt chẽ vốn vào các dự án BOT, BT giao thông. Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đang e ngại đổ vốn vào các dự án này. 
 Đến nay đã có đến 30 dự án BOT rơi vào tình trạng không đảm bảo doanh thu để trả nợ cho NH. 
Chủ trương của NHNN có căn cứ khi việc cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trung và dài hạn, với các dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian cho vay dài, năng lực tài chính của đại bộ phận chủ đầu tư hạn chế, tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí; chính sách và hợp đồng liên quan đến thu phí BOT bất ổn, thiếu đồng bộ, hay thay đổi, nên nguy cơ chuyển nợ sang nhóm nợ xấu rất lớn. 
Bên cạnh đó, các NH cũng đối mặt với hàng loạt rủi ro rất khó kiểm soát, như chất lượng và tiến độ dự án, tình trạng thất thoát lãng phí trong quá trình xây dựng, lưu lượng xe cộ lưu thông thấp hơn dự kiến, thay đổi quy hoạch, sự phản đối khiếu nại của người tham gia giao thông, thiếu công khai minh bạch trong khai thác và vận hành dự án… Những điều này gây ra rủi ro cho nhà đầu tư, đã có không ít dự án BOT giao thông lâm vào tình trạng thua lỗ. 
Tính đến tháng 9 đã có đến 30 dự án BOT rơi vào tình trạng không đảm bảo doanh thu để trả nợ cho NH. Việc NH lựa chọn chỉ cho vay các dự án BOT có chủ đầu tư đảm bảo về năng lực tài chính và tính khả thi của dự án là cần thiết và hợp lý. Rõ ràng không phải là quá đáng khi các TCTD hợp vốn cho dự án BOT yêu cầu phải được bảo đảm trước khi cho vay: chủ đầu tư phải bố trí đủ vốn đối ứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cam kết hỗ trợ đủ vốn cho dự án, hay chính quyền địa phương và Bộ GTVT phải bảo đảm cho hoạt động thu phí của các trạm thu phí thuộc dự án không bị gián đoạn, và lộ trình tăng phí như đã cam kết trong hợp đồng BOT. 

Thay đổi cơ chế bảo lãnh
Nếu nguồn thu của dự án không đạt được như phương án tài chính, cơ quan nhà nước có liên quan phải có những giải pháp hỗ trợ cho chủ đầu tư nhằm bảo đảm khả năng trả nợ. Nói cách khác, nguồn vốn tín dụng cho các dự án BOT chỉ có thể được khơi thông và an toàn hơn, khi thay thế cơ chế hiện hành là dồn rủi ro chính sách sang rủi ro cho chủ đầu tư và cuối cùng là sang các TCTD, bằng cơ chế vốn được thực hiện phổ biến là bảo lãnh doanh thu hay/và bảo lãnh tín dụng cho chủ đầu tư dự án BOT. 
Thực ra nếu cơ chế bảo lãnh được áp dụng và vận hành tốt, không chỉ thu hút được nhà đầu tư trong nước, còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án BOT, đồng thời các NH sẽ mạnh dạn và yên tâm hơn trong cho vay dự án BOT theo cơ chế thị trường, thay vì kéo dài tình trạng cho vay có tính chất tín dụng chỉ định như thời gian qua.
Không thể cấp bù lãi suất cho BOT giao thông ảnh 1 Từ sự cố các trạm thu phí BOT, các NH đã siết lại việc cho vay.
Với cơ chế bảo lãnh, cơ quan chức năng sẽ buộc phải thận trọng và nghiêm túc hơn trong lựa chọn chủ đầu tư dự án BOT, hạn chế đến mức thấp nhất sự tham gia của nhà đầu tư yếu năng lực tài chính cũng như tăng tính khả thi của mỗi dự án BOT. Quan trọng hơn, cơ chế bảo lãnh giúp giảm thiểu rủi ro chính sách liên quan đến dự án BOT, do ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ bảo lãnh với quyền điều chỉnh chính sách. 
Ngay cả khi thực hiện phương án đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho dự án BOT, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng NH, cơ chế bảo lãnh chính là cơ sở vững chắc và đáng tin cậy nhất đảm bảo thành công cho phương án này. Cơ chế mới cũng sẽ khắc phục được những nhược điểm của một số đề xuất gần đây nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư BOT nói chung và tín dụng NH cho dự án BOT nói riêng.

Đề xuất lãi suất chưa hợp lý
Theo đề xuất mới đây của Ủy ban kinh tế Quốc hội, để khuyến khích các dự án BOT thông qua, những doanh nghiệp đảm bảo được 50% tổng mức đầu tư của dự án và vay từ NH 50%, có thể chỉ vay với mức lãi suất 6%/năm (phần chênh lệch lãi suất Nhà nước bù). Nếu doanh nghiệp chỉ đảm bảo được 30% vốn, còn lại sử dụng vốn vay, lãi suất vay sẽ ở mức 9-11%/năm, không hoặc ít được hưởng ưu đãi của Nhà nước.
Thực chất đây là đề xuất phục hồi và mở rộng cơ chế lãi suất ưu đãi và cấp bù lãi suất trước đây. Cơ chế này chỉ giải quyết được một phần chủ đầu tư dự án BOT có năng lực tài chính yếu kém, chưa đụng chạm đến vấn đề cốt lõi là rủi ro tín dụng bắt nguồn từ rủi ro chính sách đã nêu trên. 
Rủi ro chính sách không bị hạn chế và kiểm soát mà chuyển sang các TCTD, tức kéo thêm cơ quan chịu trách nhiệm cấp bù lãi suất vào cuộc. Theo đó, nguyên tắc gắn quyền hạn với trách nhiệm không những không được củng cố, mà bị phân tán trách nhiệm cho các bên không hoặc ít có quyền hạn liên quan đến dự án BOT. Hơn nữa, chủ đầu tư dự án BOT có thể lạm dụng để được hưởng lãi suất ưu đãi và được cấp bù lãi suất thông qua sử dụng vốn sai mục đích, khai khống vốn tự có, sang nhượng dự án bất hợp pháp… 
Mặt khác, thị trường tín dụng NH tiếp tục bị méo mó do tăng quy mô vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khoét sâu tình trạng đa lãi suất, đồng thời tạo áp lực lên tài chính của Nhà nước, khi cơ chế cấp bù lãi suất này đi ngược lại các nguyên tắc thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế tài chính quốc tế. 

Các tin khác