Khu kinh tế vắng nhà đầu tư

Ông Nguyễn Trọng Hảo - trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kon Tum - cho biết đã có 58 dự án đầu tư hạ tầng cho KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y, với tổng kinh phí hơn 1.122 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Hảo - trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kon Tum - cho biết đã có 58 dự án đầu tư hạ tầng cho KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y, với tổng kinh phí hơn 1.122 tỷ đồng.

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và KKT Nhơn Hội (Bình Định) dù được đầu tư hàng tỷ đồng cho hạ tầng, thế nhưng sau nhiều năm đi vào hoạt động giờ đây vẫn vắng bóng nhà đầu tư, dự án nằm trên giấy...

Cả hai Khu kinh tế (KKT) “hoang vắng” này được xem là điển hình về hiệu quả đầu tư thấp đến không ngờ.

Cửa khẩu quốc tế vắng lặng

KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y có diện tích trên 70.000ha, trong đó có đến ba khu công nghiệp. Khi khởi công xây dựng, năm 2003, nghe KKT này được quy hoạch thành vùng động lực, trung tâm liên kết trên hành lang kinh tế đông - tây trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, nhiều người kỳ vọng vào sự thay đổi diệu kỳ nơi đây.

Vì vậy, có dịp trở lại KKT cửa khẩu Bờ Y sau hơn tám năm, ai cũng bất ngờ trước dáng vẻ lặng lẽ của nó. Toàn KKT chỉ lèo tèo mấy nhà máy chế biến gỗ, sản xuất cơ khí và bêtông, chế biến tinh bột sắn, khai thác đá xây dựng... Họa hoằn lắm mới thấy khách vãng lai ghé vào siêu thị miễn thuế ở cửa khẩu quốc tế vùng biên bắc Tây nguyên này.

Ông Nguyễn Trọng Hảo - trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Kon Tum - cho biết đã có 58 dự án đầu tư hạ tầng cho KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y, với tổng kinh phí hơn 1.122 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ mới có tám doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây, với số vốn thực hiện trên 100 tỷ đồng. Các dự án đã triển khai và cả các dự án đang đăng ký đầu tư đều là dự án nhỏ, vốn ít. Các dự án lớn, công nghệ cao và dự án đầu tư nước ngoài vẫn là niềm hi vọng ở KKT này.

Trong một báo cáo mới đây, UBND tỉnh Kon Tum cho rằng cơ chế chính sách bán hàng miễn thuế tại các khu phi thuế quan (chỉ cho phép thực hiện đến năm 2012 và với mức mua hàng miễn thuế cho khách tham quan không quá 500.000 đồng/người/ngày) đối với KKT cửa khẩu mới hình thành ở một địa phương còn nhiều khó khăn như Kon Tum là chưa phù hợp, chưa kích thích được khách mua hàng.

Vì thế, các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư, dẫn tới việc phát triển dịch vụ, du lịch ở KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y rất chậm. UBND tỉnh Kon Tum cũng cho rằng với mức đầu tư hằng năm từ ngân sách nhà nước 240 tỷ đồng/năm là chưa đáp ứng được so với nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 gần 80.000 tỷ đồng của KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y nên giảm sức thu hút đầu tư vào KKT này.

KKT “sa mạc cát”

Cách đây hơn năm năm, khi mới ra đời KKT Nhơn Hội được xem là một điểm sáng đầy hứa hẹn trong bức tranh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Rất nhiều lần trên các diễn đàn, báo chí, UBND tỉnh Bình Định đã công bố danh mục các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ đăng ký đầu tư vào KKT Nhơn Hội 3,5 tỷ USD - một số tiền khổng lồ ở thời điểm ấy.

Thế nhưng năm năm trôi qua, 3,5 tỷ USD chỉ là con số trên giấy. Theo ông Lê Hữu Lộc - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện chỉ mới có hai dự án được xác định sẽ đầu tư tại KKT Nhơn Hội trong năm 2012 là khu du lịch Vĩnh Hội của Công ty TNHH du lịch - khách sạn Việt Mỹ đầu tư và khu du lịch Hải Giang do VinGroup đầu tư.

Trong khi đó, hiện đã có 2.050 tỷ đồng của các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng “đổ” vào KKT Nhơn Hội. Riêng ngân sách nhà nước đã đầu tư 850 tỉ đồng để xây dựng đường trục trong KKT, tuyến đường nối KKT Nhơn Hội với xã Nhơn Lý, đầu tư các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, hệ thống xử lý nước thải...

Hiện KKT Nhơn Hội về cơ bản vẫn chỉ là một “sa mạc cát” giữa bên này là đầm Thị Nại, bên kia núi là biển Đông. Duy có một “yếu tố thu hút” dữ dội nhất mà nhiều nhà đầu tư chăm chăm dòm ngó ở đây là titan. Dưới danh nghĩa tận thu titan, KKT Nhơn Hội bị đào bới kinh hoàng. Năm 2011, sau khi tỉnh Bình Định không cho tận thu titan, nơi này trở nên vắng vẻ.

Trưởng Ban quản lý KKT Nhơn Hội Man Ngọc Lý cho biết chi phí việc dọn cát lấp các tuyến đường và hệ thống thoát nước trong KKT đã mất 500 triệu đồng mỗi năm.

“Nếu không nhanh chóng tìm các giải pháp khắc phục nạn cát bay thì nó trở thành vấn đề khó khăn cho việc thu hút đầu tư vào KKT Nhơn Hội, làm các nhà đầu tư nản lòng”- ông Lê Hữu Lộc thừa nhận.

Các tin khác