Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm về nông, thủy, hải sản của cả nước. Về hạ tầng giao thông đã có 2.688km đường bộ đã và đang được đầu tư, nhiều cầu lớn đã và đang được đầu tư như cầu Mỹ Thuận, Vàm Công, Cao Lãnh… 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, có 12 cảng biển với công suất 31 triệu tấn hàng hoá/năm, 4 cảng hàng không với công suất 7,4 triệu lượt khách/năm…
Tuy nhiên đường cao tốc chỉ có 91km/1.239km đường cao tốc của cả nước chiếm tỷ lệ 7%.
Nguyên nhân là nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng, suất đầu tư cao (thường cao hơn từ 1,3-1,5 lần so với các khu vực khác của cả nước do kết cấu địa chất) do đó khó thu hút nguồn lực xã hội hóa…
Theo kế hoạch, đến năm 2030 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 760km đường cao tốc, đến năm 2050 là 1.180km đường cao tốc.
Trong giai đoạn 2021-2025 đang có nhiều dự án đang triển khai, như hoàn thành tuyến Mỹ Thuận- Cần Thơ với tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng, đầu tư tuyến Cà Mau- Cần Thơ 109km tổng mức đầu tư 27.000 tỷ đồng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét tuyến Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng chiều dài 188km tổng mức đầu tư 44.000 tỷ…
Để đạt được kế hoạch đề ra, theo ông Lâm bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước cần có sự tham gia từ các nguồn lực xã hội khác, các địa phương cần phân bổ vốn, ưu tiên về vật liệu xây dựng để thi công, công tác giải phóng mặt bằng phải nhanh, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành…