Trong khi các cơ quan chức năng đang làm rõ những sai phạm tại dự án BT (xây dựng-chuyển giao) đường trục phía Nam Hà Nội để được khai thác 3 dự án phát triển khu đô thị Thanh Hà A - Cienco 5, Thanh Hà B - Cienco 5 và Mỹ Hưng - Cienco 5, thì Tập đoàn Mường Thanh vẫn rầm rộ mở bán nhà tại khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Những khuất tất trong việc thành lập, tăng vốn và chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) giữa Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) và Tập đoàn Mường Thanh cũng đang được làm rõ.
Cienco 5 tay không bắt giặc?
Từ năm 2007, Cienco 5 đề xuất với tỉnh Hà Tây cũ xin đầu tư dự án đường trục phía Nam theo hợp đồng BT để được làm chủ đầu tư 3 dự án tại khu đô thị Thanh Hà và Mỹ Hưng để hoàn vốn. Đề xuất này được chấp thuận, nhưng đằng sau nó ẩn chứa hàng loạt rủi ro khi nhà đầu tư này không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.
Vốn hơn trăm tỷ thực hiện 4 dự án ngàn tỷ
Theo hợp đồng BT được ký kết giữa UBND tỉnh Hà Tây cũ và Cienco 5, tổng mức đầu tư dự án đường trục phía Nam sau nhiều lần điều chỉnh lên tới 6.076 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong 3 năm đầu thực hiện dự án tạm tính khoảng 920 tỷ đồng), trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 607 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Là dự án nối quận Hà Đông với huyện Phú Xuyên có chiều dài 41,5km, mặt cắt đường 40m, được Cienco 5 giao cho công ty con là Cienco 5 Land thực hiện. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng 4.330 tỷ đồng, thu nhập chịu thuế 6% giá trị xây lắp.
Đổi lại việc thực hiện dự án này, Cienco 5 sẽ được tỉnh Hà Tây cấp đất thực hiện 3 dự án khu đô thị Thanh Hà (gồm Thanh Hà A và Thanh Hà B), đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 để hoàn vốn dự án. Trong đó, khu đô thị Thanh Hà có diện tích 388,73ha, khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 có tổng diện tích 182ha. Tổng diện tích đất 3 khu đô thị được giao cho Cienco 5 theo hợp đồng BT lên tới 570,73ha đất trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai. Kết quả thẩm định năng lực tài chính xác định vốn chủ sở hữu của Cienco 5 thời điểm năm 2007 trước khi thực hiện dự án BT đường trục phía Nam là 796,6 tỷ đồng. Nhưng kết quả xác minh của các cơ quan điều tra ghi nhận mức vốn chủ sở hữu của Cienco 5 giai đoạn 2007-2008 chỉ đạt khoảng 51-157 tỷ đồng.
Theo quyết định cho phép đầu tư dự án khu đô thị Thanh Hà A - Cienco 5, Thanh Hà B - Cienco 5 và Mỹ Hưng - Cienco 5 vào năm 2008 của tỉnh Hà Tây cũ, chủ đầu tư cả 3 dự án này là Cienco 5, nhưng doanh nghiệp thực hiện dự án là công ty con Cienco 5 Land. Cienco 5 Land lại là doanh nghiệp được thành lập từ vốn góp của Cienco 5, CTCP Xây dựng công trình 545 và một số cổ đông đơn lẻ khác có vốn điều lệ ban đầu vỏn vẹn 50 tỷ đồng.
Trong đó, Cienco 5 góp 24,5 tỷ đồng, sở hữu 49% vốn điều lệ. Theo phê duyệt quy hoạch 1/500 thời điểm năm 2008, diện tích đất xây dựng nhà ở chung cư tại đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (gồm cả khu A, khu B) 49,36ha, đất nhà ở thấp tầng 94,81ha, đất dịch vụ thương mại 12,4ha. Tại khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5, đất xây dựng chung cư 16,58ha, đất xây nhà ở thấp tầng 57,21ha, đất dịch vụ thương mại 6,66ha.
Khi đó, tổng mức đầu tư dự án đô thị Thanh Hà A - Cienco 5 được xác định 4.378 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư 818 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Dự án đô thị Thanh Hà B - Cienco 5 là 3.641 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư 529 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Với dự án đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 có tổng mức đầu tư 3.829 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư 677 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.
Như vậy có thể thấy sự bất hợp lý ngay khi Cienco 5 đề xuất đầu tư dự án đường trục phía Nam này và các dự án đô thị đối ứng. Đó là nhà đầu tư theo kê khai năng lực tài chính chỉ có khoảng 796,6 tỷ đồng, lại được cấp phép một dự án BT và 3 dự án đô thị đối ứng đều có quy mô nhiều ngàn tỷ đồng. Và khi nhà đầu tư BT không đủ năng lực tài chính thực sự sẽ gây ra hàng loạt hệ lụy.
Khu đô thị Thanh Hà A hiện đã được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng.
Vòng vo chuyển nhượng dự án kiếm lời
Điều đáng lưu ý trong hợp đồng BT dự án đường trục phía Nam có điều khoản bên B (Cienco 5) có thể chuyển nhượng hợp pháp các quyền và nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng BT cho nhà đầu tư khác. Và việc chuyển nhượng toàn bộ, hoặc một phần hợp đồng phải được bên A chấp thuận, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.Vậy nhưng, sau khi hoàn tất các thủ tục cấp phép dự án BT đường trục phía Nam và các dự án đối ứng, Cienco 5 đã không thực hiện đầu tư, triển khai dự án BT và dự án khác theo hợp đồng BT số 02/HĐBT và giấy chứng nhận đầu tư dự án BT số 15 được Bộ KH-ĐT cấp.
Và như đã nêu ở phần trên, Cienco 5 đã nhượng lại dự án BT và các dự án đối ứng cho Cienco 5 Land thực hiện để thu về 2% giá trị hợp đồng BT (không bao gồm giá trị lãi vay), khoản tiền Cienco 5 thu về từ việc nhượng dự án cho công ty con khi đó ước tính khoảng 103 tỷ đồng.
Bất ngờ hơn, đến tháng 6-2010, Cienco 5 và Cienco 5 Land lại ký thêm phụ lục hợp đồng điều chỉnh giá trị thu lợi nhuận từ chuyển nhượng dự án lên mức 131,7 tỷ đồng, tương đương 2% tiền sử dụng đất dự án phải nộp ngân sách. Và đến năm 2011, Cienco 5 Land đã trả đủ cho Cienco 5 khoản tiền cam kết theo phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, Cienco 5 và Cienco 5 Land không hề thông báo với cơ quan có thẩm quyền (thời điểm 2010) là UBND TP Hà Nội về việc giao cho Cienco 5 Land trực tiếp đầu tư, quản lý, kinh doanh dự án BT và các dự án đô thị đối ứng.