Khủng hoảng Syria: Còn có thể hy vọng thỏa hiệp

(ĐTTCO) - Sau phiên họp kín của ủy ban thảo luận về tình hình Syria, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev tuyên bố Nga sẽ không khoan nhượng nếu Hoa Kỳ vượt qua "giới hạn đỏ" trong vấn đề Syria
Đồng thời nhấn mạnh Washington đang nhận thức rõ về những "giới hạn đỏ" này. Theo TASS, ông Kosachev cho rằng cuộc khủng hoảng tại Syria hiện đang làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ. 
“Giới hạn đỏ”, giới hạn chung và hiệu ứng
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga khẳng định Moscow "đang kiểm soát tình hình và có chiến lược rõ ràng để phát triển tích cực mối quan hệ Nga - Hoa Kỳ". “Để thực hiện được tiến trình này, cần có thiện chí từ phía Hoa Kỳ. Hiện tại chúng tôi chưa nhận thấy điều này". 
Dù hiệu quả quân sự không đáng kể, cuộc tấn công bằng tên lửa gần đây do Hoa Kỳ, Pháp và Anh tiến hành vào Syria đã vượt quá giới hạn và gây ra hiệu ứng chính trị mạnh mẽ. Đây là nhận định của nghị sĩ Nghị viện châu Âu Mario Borghezio. 
Trả lời hãng truyền thông Sputnik của Nga, nghị sĩ người Italia đánh giá cuộc tấn công tên lửa này "giống như màn trình diễn pháo hoa hơn". Tuy nhiên, trên phương diện chính trị, đây là một sự vượt quá giới hạn và không có động cơ chính đáng vì không có bằng chứng nào cho thấy quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học. Theo nghị sĩ Borghezio, thành viên của Ủy ban Các vấn đề đối ngoại của Nghị viện châu Âu, các quốc gia phương Tây đã cho thấy thái độ không tôn trọng luật pháp quốc tế qua hành động tấn công Syria.
Ông Borghezio nhấn mạnh Hoa Kỳ, Anh và Pháp đã thực hiện vụ tấn công khi chưa có sự ủy thác của Liên hiệp quốc. Bản thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thừa nhận các cuộc không kích của liên quân Hoa Kỳ-Anh-Pháp cuối tuần qua nhằm vào Syria "không giải quyết vấn đề gì". Tuy nhiên, theo ông Macron, hoạt động này được triển khai theo một cơ chế đa phương hợp pháp, cũng như theo cách thức tấn công trúng mục tiêu mà không gây thương vong, qua đó phá hủy 3 cơ sở được cho là nơi sản xuất hoặc tàng trữ các vũ khí hóa học tại Syria. 

Không xác định được nguồn gốc các mẫu thử
Liên quan tới vấn đề vũ khí hóa học, nhiều quan chức quốc phòng và tình báo Mỹ ngày 17-4 thừa nhận các cơ quan tình báo nước này không hoàn toàn chắc chắn về việc chính quyền Syria sử dụng chất độc thần kinh đối với người dân. CNN đưa tin Mỹ đã tiến hành phân tích các mẫu vật được cho là có sự tồn tại của khí clo và sarin lấy từ khu vực xung đột tại Syria.
Tuy nhiên, các quan chức cũng thừa nhận Hoa Kỳ không thể lấy được mẫu thử trực tiếp từ hiện trường cũng như không thể đảm bảo một chu trình thử khép kín và chặt chẽ. Theo các quan chức này, có những mẫu đã được lén chuyển đến và giới tình báo Mỹ không thể khẳng định về nguồn gốc cũng như bên chuyển mẫu thử. Giới chức Pháp cũng tham gia vào việc đánh giá các mẫu được cho là lấy từ khu vực xảy ra vụ tấn công. 
Trước đó, Chỉ huy lực lượng phòng vệ hạt nhân, sinh học và hóa học Nga Igor Kirilov nhận định các đoạn ghi hình về vụ tấn công hóa học tại thị trấn Douma của Syria được dàn dựng và cái mà các nước phương Tây gọi là bằng chứng về vụ tấn công này là không đáng tin cậy. Nga và Syria đã nhiều lần bác bỏ thông tin về vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, cho rằng vụ việc là một kế hoạch được dàn dựng từ trước của phương Tây để tiếp tục can thiệp vào quốc gia Trung Đông này.
Người dân tại chính Syria và nhiều quốc gia trên thế giới, như Hoa Kỳ, Hy Lạp, CH Cyprus... đã cực lực lên án vụ không kích, đồng thời yêu cầu 3 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trên ngừng các hành động hủy hoại đất nước Syria như từng làm đối với Iraq khi Hoa Kỳ thực hiện cuộc tấn công quốc gia vùng Vịnh này hồi năm 2003. 
Khủng hoảng Syria: Còn có thể hy vọng thỏa hiệp ảnh 1 Đường phố Douma ngày 16-4. Ảnh: AP 
Những ngày sau
Có nhiều chuyên gia cho rằng sự lựa chọn tấn công Syria lần này là một biện pháp răn đe lớn hơn, hoặc cũng có thể được xem như một sự thổi phồng. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng leo thang dẫn đến những nguy cơ về một cuộc xung đột lớn hơn. Tại một phiên điều trần trước Quốc hội hôm 12-4, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đặt câu hỏi: "Ở cấp độ chiến lược, chúng ta sẽ làm gì để giữ tình hình không vượt khỏi tầm kiểm soát?”. Nhưng đến ngày 18-4, theo TRT, ông Mattis lại tuyên bố: Tôi hy vọng ông Assad đã nhận ra thông điệp từ vụ không kích. 
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia cho rằng ưu tiên ở đây là phải ngăn chặn chiến tranh. Khi được hỏi liệu có phải ông đang đề cập đến cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Nga, Đại sứ Vassily Nebenzia trả lời: "Điều thật không may là chúng tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào". Tác động lớn nhất của những cuộc tấn công này là chúng sẽ làm trầm trọng thêm sự căng thẳng hiện nay trong mối quan hệ Hoa Kỳ và Nga mà hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.
Khoảng thời gian khi Tổng thống Trump gặp Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson lúc đó nói: "Mối quan hệ này quan trọng tới mức không thể không được thúc đẩy. Khu vực phi xung đột này là biểu hiện đầu tiên cho thấy Hoa Kỳ và Nga có khả năng hợp tác với nhau ở Syria". Nhưng điều đó đã xa. Trong những tháng tiếp theo, các phát biểu của 2 phía đã trở nên gay gắt hơn. Cả 2 chính phủ đã công kích lẫn nhau tại Liên hiệp quốc, cáo buộc nhau lừa dối và có ý đồ, các thỏa thuận kiểm soát vũ khí đang tan vỡ. 
Trang mạng Người quan sát của Trung Quốc dẫn lời ông Phùng Thiệu Lôi, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông Trung Quốc, cho rằng tình hình hiện nay ít nhiều khiến người ta nhớ lại cuộc chiến Iraq cách đây 15 năm. Quy mô của cuộc chiến hiện nay có mở rộng hơn nữa hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tương tác của tất cả các bên.
Trước hết, Nga và Syria chắc chắn sẽ đợi thời cơ đáp trả, Hoa Kỳ cũng tuyên bố đây chỉ là hành động mang tính giai đoạn của cuộc tấn công liên tục mà thôi. Thứ hai, chiến trường Syria từ lâu đã trở thành nơi thử nghiệm của vũ khí quốc tế, chừng nào các bên vẫn có nhu cầu về trang bị vũ khí, cuộc chiến Syria sẽ không dừng lại. Quy mô cuộc chiến sẽ phát triển đến mức độ nào, sẽ giới hạn ở cuộc chiến khu vực và tiểu khu vực, hay phát triển thành cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn? Ngoài các cuộc không kích, sẽ được triển khai trên mặt đất ở mức độ ra sao, hay là đối đầu trên biển, quả thực vẫn tồn tại rất nhiều khả năng. 
Vẫn theo ông Phùng, rõ ràng sau vụ việc này, mức độ căng thẳng, đối địch và mất lòng tin lẫn nhau giữa Nga và Hoa Kỳ tăng lên nhiều. Thậm chí Hoa Kỳ đã hé lộ khả năng tiếp tục trừng phạt mạnh mẽ hơn, còn Moscow tuyên bố sẽ không khoan nhượng nếu Hoa Kỳ vượt qua "giới hạn đỏ" trong vấn đề Syria. Mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, có vẻ mọi chuyện cũng chưa đi quá xa. Bản thân đòn tấn công được coi là "hạn chế" của Hoa Kỳ và đồng minh tại Syria cũng được tính toán cẩn thận để hạn chế tối thiểu nguy cơ gây thương vong cho binh sĩ Nga.
Moscow sau vụ tấn công cũng đáp trả bằng những ngôn từ lên án mạnh mẽ nhất song không tung ra biện pháp giáng trả bằng quân sự. Trên thực tế, giới chức quân sự Hoa Kỳ và Nga ở Syria vẫn duy trì một đường dây nóng đặc biệt để trao đổi thông tin. Tất cả cho thấy vẫn còn "khe cửa hẹp" cho đối thoại và thỏa hiệp, Hoa Kỳ dường như phát đi thông điệp tránh đối đầu trực tiếp với Nga tại Syria, và Moscow cũng bày tỏ hy vọng rằng khi Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề nội bộ, 2 nước có thể "bắt đầu một số cuộc liên lạc".

Các tin khác