Khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 khiến 205 triệu người thất nghiệp

(ĐTTCO) - Báo cáo “Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới: Xu hướng 2021” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố mới đây đã nêu bật nguy cơ tiếp tục kéo dài những đặc điểm của một thị trường lao động thời Covid-19 với sự gia tăng bất bình đẳng về địa lý và nhân khẩu học, tình trạng đói nghèo nhiều hơn và ít việc làm thỏa đáng hơn.
Khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 khiến 205 triệu người thất nghiệp
Theo đánh giá của ILO, cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 tạo ra còn lâu nữa mới kết thúc, và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023.
Dự báo “khoảng trống việc làm” do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên sẽ đạt đến con số 75 triệu năm 2021, trước khi giảm xuống còn 23 triệu vào năm 2022. Dự kiến sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Con số này tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp 5,7%.
Không tính đến thời kỳ khủng hoảng Covid-19 thì năm 2013 là lần cuối ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức này.
Khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 khiến 205 triệu người thất nghiệp ảnh 1 Đại dịch Covid-19 đang là thách thức nghiệt ngã với những người nghèo trên thế giới.
So với năm 2019, giờ đây đã có thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới được phân loại vào nhóm nghèo hoặc nghèo cùng cực (nghĩa là họ và gia đình họ sống với mức thu nhập tương đương thấp hơn 3,2 USD mỗi ngày).
Theo báo cáo, “những tiến bộ đạt được trong 5 năm qua hướng tới xóa bỏ tình trạng có việc làm nhưng vẫn nghèo đã trở lại điểm xuất phát”, đồng thời báo cáo cho biết thêm điều này khiến việc đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc về xóa nghèo trước năm 2030 càng khó khả thi hơn.
Khủng hoảng Covid-19 cũng khiến cho những bất bình đẳng vốn đã có từ trước trở nên tồi tệ hơn do khủng hoảng tác động nặng nề hơn tới những người lao động dễ bị tổn thương. Việc thiếu các chế độ an sinh xã hội ở nhiều nơi, như tình trạng của 2 tỷ người lao động trong khu vực phi chính thức trên toàn thế giới, đồng nghĩa với sự gián đoạn về việc làm do đại dịch đã và đang gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với thu nhập và sinh kế của gia đình người lao động.
Cuộc khủng hoảng cũng tác động đặc biệt nghiêm trọng tới phụ nữ. Việc làm của phụ nữ đã giảm 5% năm 2020, trong khi mức giảm việc làm của nam giới là 3,9%. Tỷ lệ phụ nữ rời khỏi thị trường lao động và không còn hoạt động kinh tế còn lớn hơn nữa. Việc phải gánh vác thêm những trách nhiệm gia đình do các biện pháp phong tỏa trong khủng hoảng cũng là nguy cơ dẫn đến “tái truyền thống hóa” những vai trò giới.
Trên toàn cầu, việc làm thanh niên đã giảm 8,7% năm 2020 so với mức 3,7% ở người trưởng thành, và các nước thu nhập trung bình ghi nhận sự sụt giảm này rõ rệt nhất. Hệ quả của sự trì hoãn và gián đoạn trong việc cho phép thanh niên sớm có được những trải nghiệm về thị trường lao động có thể còn kéo dài hàng năm.
Dự báo công cuộc phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021 nếu tình hình đại dịch về tổng thể không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vắc xin không bình đẳng và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Hơn nữa, chất lượng của những việc làm mới tạo ra ở những nước này cũng có khả năng kém hơn.

Các tin khác