
Kinh nghiệm phong phú từ thế giới
Khi nói về vấn đề xây dựng TTTC quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để lỡ mất thời cơ.
Hiện Việt Nam nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ các quốc gia đã thành công trước đó, cũng như sự tư vấn tích cực các tổ chức quốc tế đang hoạt động trên các TTTC quốc tế lớn.
Giữa tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm và làm việc tại 3 nước châu Âu, gồm Anh, Luxembourg và Đức. Đây là những nơi có các TTTC nổi trội, như TTTC London của Anh được tổ chức Z/Yen đánh giá là một trong 2 TTTC trên thế giới đã phát triển toàn diện, và có thế mạnh đặc biệt trong các sản phẩm tài chính.
TTTC Luxembourg có thế mạnh về quản lý quỹ đầu tư, ngân hàng (NH) quốc tế, bảo hiểm, tài chính xanh và công nghệ tài chính. TTTC Frankfurt của Đức là một TTTC quốc tế lớn, cạnh tranh với Paris và London trong lĩnh vực tài chính tại châu Âu.
Chuyến thăm này cũng đã mở ra nhiều cơ hội, triển vọng hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với 3 nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, NH để thúc đẩy hợp tác trong xây dựng và phát triển các TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Việt Nam cũng nhận được sự tư vấn của rất nhiều tập đoàn, NH lớn đến từ các TTTC quốc tế thành công trên thế giới. Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Iain Frew, từ năm 2022, TheCityUK được Chính phủ Vương quốc Anh chỉ định đã hợp tác với các bên liên quan trong khu vực công và tư của Việt Nam, nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng TTTC.
Ông Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng cho biết, Thụy Sĩ có hai TTTC quốc tế tại Zurich và Geneva, lần lượt xếp hạng 13 và 17 trong báo cáo toàn cầu năm 2024, cũng đã có quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam nhằm tăng cường chính sách và củng cố hệ thống NH cũng như các TTTC.
Các TTTC quốc tế đều vận hành theo một khuôn khổ pháp lý quốc tế. Trong khi đó pháp luật của Việt Nam là hệ thống pháp luật dân sự nên sẽ có nhiều điều rất khó. Để tạo điều kiện cho sự thành công của TTTC quốc tế Việt Nam, phải nội hóa những quy định của nước ngoài thành quy định của Việt Nam.
Luật sư TRẦN ANH ĐỨC, Thành viên cấp cao A&O Shearman
Đến Việt Nam trong một hội nghị mới đây, TS. Kang Qu, Giám đốc Chiến lược Phát triển Bền vững, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Kế hoạch và Phát triển NH Trung Quốc (Hồng Kông), cũng đưa ra gợi mở để Việt Nam tham khảo từ TTTC Thượng Hải.
TS. Kang Qu cho rằng, điểm nhấn thú vị của TTTC Thượng Hải là phục vụ nền kinh tế Trung Quốc và kết nối thế giới, trong đó thiết lập khu thương mại tự do giao dịch quốc tế nhưng khuyến khích sử dụng đồng tiền nội địa.
Về kiểm soát quản lý khu vực này, hoạt động tại TTTC Thượng Hải chịu sự giám sát và quản lý theo khung pháp lý của Trung Quốc, nhưng có một số cơ chế cởi mở hơn đối với khu vực thương mại tự do.
Tương tự, ông Tyler McElhaney, Giám đốc quốc gia Tập đoàn APEX (Dubai), đã có những chia sẻ về câu chuyện xây dựng TTTC quốc tế Dubai. Nền kinh tế Dubai phát triển thành công là nhờ có nguồn vốn từ TTTC quốc tế, và để xây dựng TTTC này Dubai đã không ngừng đổi mới và sáng tạo.
Trước đây, Dubai tập trung vào ngành dầu mỏ, nhưng muốn trở thành TTTC quốc tế, họ đã không còn nghĩ mình là một nơi chuyên kinh doanh dầu, mà biến mình thành nơi có thể tồn tại mà không cần đến “vàng đen”. Theo ông, Việt Nam hiện nay cũng có những điều kiện mà Dubai của 20 năm trước. Do vậy Việt Nam cần phát huy lợi thế sẵn có, đồng thời phải luôn sẵn sàng đổi mới sáng tạo để thích nghi.
Lời giải nào cho bài toán của Việt Nam?
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, mỗi quốc gia có một đặc thù khác nhau, chẳng hạn TTTC Thượng Hải có trung tâm thương mại tự do khuyến khích sử dụng đồng nội tệ, nhưng có những TTTC khác lại không thể làm được.
Ở góc độ cá nhân, ông cho rằng với đặc thù của Việt Nam, những kinh nghiệm quốc tế khó gắn vào được thực tiễn của Việt Nam. Việc học tập những mô hình TTTC thành công cách đây 10 năm hay học tập các công nghệ thành công cách đây 5 năm có thể sẽ không còn cơ hội.
Phó Thống đốc cho biết, mục tiêu xây dựng Nghị quyết phải làm sao để “những người chơi” trong TTTC như NH, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty quản lý tài sản phải nắm rõ sẽ được làm gì và không được làm gì trong TTTC, cũng như giữa TTTC và phần còn lại của Việt Nam, phần còn lại thế giới.
Đơn cử, trong Nghị quyết đang được xây dựng nêu, các chủ thể tham gia vào TTTC là pháp nhân. Đây là sự khác biệt lớn so với một số TTTC ở châu Âu, ở đó pháp lý không có sự phân định này. Chẳng hạn các TTTC ở Anh, Luxembourg hay Đức không có sự phân định đó, họ có thể huy động vốn từ dân cư.
Nghị quyết đang xây dựng không định nghĩa người cư trú trong TTTC mà chỉ có pháp nhân tham gia, đồng nghĩa với việc các định chế trong TTTC không được huy động vốn từ người cư trú ở Việt Nam. Và với việc không được huy động vốn, các tỷ lệ an toàn vốn của NHNN áp dụng như tỷ lệ huy động/tỷ lệ cho vay cũng không được áp dụng theo.
Khi không áp dụng, NH nếu có đổ vỡ hoặc có vấn đề thì có kiểm soát sớm hay không kiểm soát sớm, bơm vốn hay không bơm vốn là các vấn đề cần phải tính đến. Hay về ngoại hối, Việt Nam có pháp luật về ngoại hối, nhưng quy mô vốn, quy mô của nền kinh tế Việt Nam rất khác biệt so với các quốc gia khác, nên cần có lộ trình đối với các chính sách.
Nhiều ý kiến cho rằng, khung pháp lý tuy theo đặc thù riêng, nhưng Việt Nam cần phải bảo đảm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm chính sách thuế, luật đầu tư, quản lý ngoại hối).
Nói cách khác, hệ thống pháp lý và quy định phải được điều chỉnh để ngang bằng với các TTTC hàng đầu thế giới. Các quy định pháp luật phải rõ ràng, minh bạch và thực thi đồng bộ, quy trình đầu tư đơn giản, nhanh gọn, đảm bảo không có những rào cản không cần thiết…
Có như vậy mới có thể thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty tài chính trên thế giới tham gia thị trường, và mới có thể cạnh tranh được với các TTTC quốc tế khác.