(ĐTTCO) - 2 NH ACB và VPBank sẽ thực hiện chia cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu (CP) trong thời gian tới. Một số NH khác cũng lên phương án chi trả bằng CP. Đồng thời, đại diện của NHNN cho biết khuyến khích phương án chia cổ tức bằng CP để tăng đảm bảo an toàn vốn cho các nhà băng.
Chỉ chia bằng CP
ĐHCĐ thường niên của ACB vào cuối tuần qua đã thông qua phương án phân chia lợi nhuận năm 2015 bằng CP, với tỷ lệ 10% (10 CP nhận thêm 1 CP mới). ACB sẽ phát hành 896,27 triệu CP và dự kiến hoàn tất trong năm 2016. Phương án này đã được NHNN thông qua. Theo đó, ACB sẽ tăng vốn điều lệ từ 9.377 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng. Một cổ đông đã đặt câu hỏi với lãnh đạo NH liệu đến khi nào ACB mới trở lại chia cổ tức 20% như trước đây. Đây có thể là câu hỏi gây cười trong bối cảnh hiện nay, nhưng điều này cho thấy các cổ đông đang rất trăn trở về hiệu quả hoạt động của hệ thống trong giai đoạn hiện nay. Theo Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn, NH phải tập trung vào nhiều vấn đề cốt lõi hiện tại và mức cổ tức 10-15% là phù hợp. Khi nào NH đạt mức ổn định hơn sẽ bàn cổ tức ở mức cao hơn.
Nhà nước khuyến khích các NH chia cổ tức bằng CP. Các cổ đông nhận CP sẽ vẫn giữ được giá trị đầu tư, đồng thời đảm bảo an toàn năng lực cho NH hoạt động bền vững. Ông Nguyễn Văn Dũng,Thanh tra Giám sát NHNN tại TPHCM |
Đây là năm đầu tiên ACB chia cổ tức bằng CP kể từ năm 2011. Còn nhớ vào cuối năm 2011, ACB thông báo chi 1.875 tỷ đồng để chi trả cổ tức đợt 1 cho cổ đông bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (2.000 đồng mỗi CP). Đây cũng là lý do nhiều cổ đông mong ước trở lại vì là mức cao nhất ACB chi trả từ đó đến nay. Đó là năm lợi nhuận sau thuế của ACB đạt 3.207 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2012, lợi nhuận của ACB sụt giảm mạnh chỉ còn 748 tỷ đồng. Dù vậy, ACB vẫn chi 642 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6,85%. Sau đó, ACB tiếp tục chia cổ tức năm 2013 bằng tiền mặt (700 đồng/ CP) với số tiền 645 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận sau thuế năm 2014 gần 952 tỷ đồng, ACB dùng hơn 627 tỷ đồng để chi cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7% (700 đồng mỗi CP).
Không riêng ACB đang chi trả cổ tức ngày một thấp, mà đó là tình hình chung khi hệ thống NH phải đối mặt với khó khăn và tái cơ cấu. Chẳng hạn tổng mức chi trả của Eximbank trong 2 đợt năm 2011 là 19,3% bằng tiền, nhưng tỷ lệ chi trả trong năm 2012 còn 8% và năm 2014 không chia cổ tức. Hoặc VietinBank từ mức cổ tức 29,6% năm 2011 đến năm 2012 còn 16% và năm 2014 còn 10%. Nhiều nhà băng không lỗ hoặc thoát lỗ đều phải thừa nhận khó trả cổ tức, hoặc nếu có cũng chỉ ở 3-5%.
Ngoài ACB, đến nay VPBank cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2015 bằng CP với tỷ lệ 13,07%, cùng với việc chia CP thưởng là 5,69%. Hiện tại, NamABank cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch chi trả cổ tức 2015 bằng phương án CP tỷ lệ 5%. BacABank cũng đang đợi NHNN phê duyệt phương án chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt hoặc CP với tỷ lệ 5,3%. Các phương án phân chia lợi nhuận cho cổ đông NH phải được sự phê duyệt của NHNN. Trong năm nay, bước đầu cho thấy khả năng nhiều NH sẽ phải chia cổ tức bằng CP.
Đảm bảo an toàn vốn
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát NHNN tại TPHCM, cổ đông nào cũng mong muốn nhận cổ tức cao, nhưng hiện nay vấn đề an toàn của các NH rất quan trọng. Theo ông Dũng, có những NH trong năm 2015-2016 và liên tiếp 3 năm tới vẫn có kế hoạch không chia cổ tức, một số NH khác được phê duyệt mức chia 3% hoặc 5%. Nguyên tắc chia cổ tức là các NH phải trích lập dự phòng đầy đủ, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định.
Hiện nay vấn đề tăng quy mô vốn chủ sở hữu là cấp thiết của nhiều NH. Các NH ở nhóm dưới cũng chịu áp lực lớn như OCB, BacABank, SaigonBank đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ trong năm nay. ACB, VPBank nhiều khả năng sẽ hoàn tất tăng vốn trong năm nay. Đây là 2 NH trong số 10 NH (gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, MB, Sacombank, Maritimebank, ACB, VPBank và VIB) sẽ thí điểm áp dụng Basel II. Vietcombank cũng dự kiến nâng vốn điều lệ trong năm 2016 thông qua phát hành CP thưởng tỷ lệ 35% và phát hành riêng lẻ 10% cổ phần. VietinBank có khả năng sáp nhập PGBank.
![]() |
Ảnh minh họa: L.THANH |
Trong các năm qua, việc chào bán CP cho nhà đầu tư của các NH rất chật vật. Có trường hợp chỉ chào bán được tỷ lệ rất ít so với mục tiêu đề ra nên không hoàn thành kế hoạch tăng vốn. Nguyên nhân do thị trường chứng khoán sụt giảm, nhà đầu tư không mặn mà với CP NH, trong khi nguồn tiền eo hẹp. Do vậy trong bối cảnh hiện nay, việc lựa chọn phương án chia cổ tức bằng CP cũng dễ hiểu, đặc biệt khi NH đang cần nguồn vốn lớn để triển khai hoạt động và xử lý nợ xấu.
Ông Julian Loong Choo, Phó Chủ tịch HĐQT, đại diện phần vốn của Standard Chartered Bank tại ACB, nhận định các NH Việt nam cần phải tăng vốn vì sắp phải áp dụng chuẩn mực vốn mới đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II. Ngoài nhóm 10 NH đã nói ở trên, các NH khác cũng phải tăng thêm vốn chủ sở hữu và vốn cấp 2 nếu có nhu cầu tiếp tục mở rộng kinh doanh. Ông Julian Loong Choo nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam càng cao các NH càng cần nhiều vốn hơn.