VN Index có thể xuống 750 điểm
Báo cáo chiến lược 2023 với nhan đề “Trời luôn tối nhất trước bình minh” vừa được Maybank Investment Bank công bố, đã phác họa bức tranh nhiều gam màu tối - sáng của TTCK trong năm nay.
Theo đó, sẽ có 2 kịch bản chính: “xấu-tồi tệ”, và tìm kiếm cơ hội tốt do mức định giá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Như vậy VN Index có thể sẽ biến động sau đó tích lũy trong nửa đầu năm, trước khi hình thành xu hướng phục hồi rõ ràng vào những tháng cuối năm 2023.
Nguyên nhân khiến cho Maybank Investment Bank đề ra kịch bản với nhiều gam màu tối xuất phát từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là áp lực tỷ giá. Trong quý III-2022, vấn đề này khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng suy thoái theo chu kỳ vừa phải, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản chỉ trong 1 tháng.
Bước sang năm 2023, lạm phát sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu của NHNN, có thể suy thoái trở thành một thời kỳ dài, và lãi suất có thể tiếp tục tăng trong suốt cả năm. Theo kịch bản này, dự báo VN Index có thể giảm xuống 850-950 điểm, do tác động kép của việc EPS giảm và thanh khoản giảm, trước khi hồi phục trở lại mức 1.150-1.400 điểm trong nửa cuối năm 2023 với dự đoán nới lỏng tiền tệ nhiều hơn để cứu vãn nền kinh tế.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho kịch bản “tồi tệ” hơn, bắt nguồn từ mức độ tham gia cao của các NĐT cá nhân vào thị trường TPDN vốn không lành mạnh và cần phải giảm bớt. Trong khi đó dư địa tín dụng NH hiện tại không đủ để thay thế hoàn toàn 200.000 tỷ đồng (tương đương 8,4 tỷ USD) TPDN của DN BĐS đáo hạn mỗi năm vào năm 2023-2024.
Do đó, việc giảm “đòn bẩy” của các nhà phát triển có thể sẽ tăng tốc trong năm nay. Và nếu có thêm nhiều vụ phá sản, niềm tin của người mua nhà sẽ bị lung lay, đẩy thị trường BĐS giảm sâu. Với kịch bản “tồi tệ” như vậy, VN Index có thể giảm về vùng 750 điểm.
Cùng kịch bản tiêu cực tương tự, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) cũng nhận định VN Index sẽ giảm sâu. Đơn cử là CTCK MB (MBS), dự báo VN Index sẽ về mức thấp nhất là 780 điểm nếu suy thoái lớn bất ngờ xảy ra. CTCK KB (KBSV) nhận định trong kịch bản tiêu cực VN Index sẽ giảm về mốc 880 điểm, tương ứng mức giảm EPS 8% và P/E ở mức 10x.
Nhưng vẫn còn yếu tố để lạc quan
Có thể nói, tình trạng phức tạp trên thị trường TPDN đang diễn ra và khả năng làm suy thoái thị trường BĐS, đang phủ mây mù lên triển vọng của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Tuy nhiên, theo Maybank Investment Bank, vẫn có những yếu tố tích cực có thể thay đổi cục diện trong năm nay.
Đầu tiên là việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, đầu tư công sẽ là động lực chính trong bối cảnh tiêu dùng và thương mại trong nước suy yếu. Ngưỡng lạm phát của Chính phủ cũng đã được nâng lên mức trung bình 4,5% vào năm 2023 từ mức 4% trong 5 năm qua, điều đó có nghĩa Chính phủ có thể chấp nhận lạm phát toàn phần đạt ngưỡng 4,5% và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để chuyển sang trạng thái ôn hòa vào cuối quý II.
Yếu tố thứ hai là Trung Quốc mở cửa trở lại, và sẽ mất khoảng 6 tháng để người dân Trung Quốc làm quen và trở lại hoạt động bình thường. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với thương mại song phương đóng góp 25% tổng thương mại quốc tế của Việt Nam vào năm 2021. Đặc biệt, du khách đến từ Trung Quốc chiếm 1/3 tổng lượng khách trước đại dịch và họ cũng là những người có lực mua sắm lớn.
Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia Việt Nam, đã nối lại một số chuyến bay thương mại đến Trung Quốc vào tháng 12-2022. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy thương mại, du lịch cũng như các ngành ngoại hối của Việt Nam, bù đắp cho sự suy giảm ở các nước phương Tây và nền kinh tế trong nước.
Tình trạng phức tạp trên thị trường TPDN đang diễn ra và khả năng làm suy thoái thị trường BĐS, đang phủ mây mù lên triển vọng của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.
Với kịch bản lạc quan này, CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo VN Index có thể tiến về ngưỡng 1.200-1.270 điểm trong những tháng cuối năm. Thậm chí, VN Index sẽ đạt mức 1.300-1.350 điểm trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12-12,5x.
Trong kịch bản thận trọng hơn, Fed có thể duy trì mức lãi suất cao ở mức 5-5,25% cho đến hết 2023 và lạm phát vẫn chưa thể hạ nhiệt như kỳ vọng. Ở kịch bản này, VDSC dự đoán VN Index sẽ dao động ở mức 930-1.060 điểm.
Tìm kiếm cơ hội ở mức định giá thấp
Một yếu tố quan trọng nữa là mức định giá hấp dẫn chưa từng có trong 1 thập niên gần đây. VN Index đang giao dịch ở mức P/E là 10x, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm. Đây là điều hiếm khi thấy, ngoại trừ trong đợt bùng phát Covid vào tháng 3-2020.
Nếu so sánh với các chỉ số trong khu vực, VN Index đang ở mức hấp dẫn, thấp hơn hầu hết các chỉ số trong khu vực. Theo Maybank Investment Bank, đối với một quốc gia có thể mang lại mức tăng trưởng GDP 6-7% trong tương lai gần, việc định giá như vậy là một cơ hội hưởng lợi chênh lệch lớn.
Yếu tố thứ ba là sự kỳ vọng ngày càng lớn về nguồn vốn ngoại. Theo dự báo của giới phân tích quốc tế, TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ được FTSE nâng hạng lên trạng thái mới nổi thứ cấp trong năm nay, nhờ áp dụng hệ thống thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP). Việc thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ CK (VSDC) vào tháng 12-2022, là một trong những bước quan trọng để hệ thống mới có thể đi vào hoạt động vào tháng 6 như dự kiến.
Cần nhắc lại, theo hệ thống hiện tại, rủi ro của người mua sẽ được đảm bảo bởi người bán, tức theo quy định người mua phải có 100% tiền mặt trước khi thực hiện giao dịch. Ngoài ra, thanh toán T+1,5 làm giảm tính linh hoạt của người mua để tối ưu hóa việc quản lý dòng tiền của họ.
Dự kiến, hệ thống thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023, với vai trò trung gian của tất cả các giao dịch, VSDC sẽ chịu rủi ro của người mua đối với người bán. Điều này cho phép VSDC loại bỏ yêu cầu 100% tiền mặt và do đó giúp thị trường Việt Nam đủ điều kiện được nâng cấp lên trạng thái mới nổi.