Hiệp hội Du lịch TPHCM cùng Vietnam Airlines mới đây đã chọn một số DN lữ hành tại TPHCM tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa bằng đường hàng không, triển khai từ 1-4 đến 31-12-2013.
![]() |
Vietnam Airlines sẽ giảm 38-58% giá vé máy bay khứ hồi nội địa trên các đường bay từ TPHCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc và chiều ngược lại.
Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng đưa ra chương trình kích cầu du lịch trên toàn quốc năm 2013 nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cũng như kích cầu nội địa.
Tính đến nay, chương trình kích cầu du lịch ra đời đã được vài năm. Thế nhưng, khác với vẻ hào hứng của những ngày đầu, các DN lữ hành không còn mặn mà với chương trình này. Kích cầu mà chưa thể kích nổi khách, vì chương trình còn nặng tính phong trào.
Chẳng hạn, việc đặt vé máy bay. Nếu nhìn thoáng qua mức giảm giá 38-58% của Vietnam Airlines sẽ thấy đó là cơ hội tuyệt vời cho các hãng lữ hành để có thể giảm giá tour. Song việc đặt vé thường kèm theo các điều kiện khá ngặt nghèo, số lượng chỗ dạng kích cầu không nhiều, không thích hợp cho khách đoàn lớn.
Những đường bay thu hút nhiều khách du lịch thì khó đặt vé kích cầu, ngược lại những đường nhiều vé ít người thích tới. Khách quốc tế đến Việt Nam ngại cảnh “chặt chém” của các dịch vụ, cướp giựt trên đường phố. Khách nội địa thích đi nước ngoài hơn do giá rẻ, nhiều loại hình tour phong phú. Thế nên mới có nghịch lý khi được nghỉ lễ rất nhiều nhóm khách trong nước chọn các tour du lịch nước ngoài.
Đã đến lúc các chương trình kích cầu cần tăng tính thực tế và giảm phong trào. Cần bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ nhất chứ không chỉ là những chiến dịch quảng bá rầm rộ.
Nên quan tâm đến các DN lữ hành nhiều hơn, đến những đóng góp của các DN này bởi tiếng nói của họ chính là mong muốn của khách du lịch trong và ngoài nước. Cuối năm ngoái khi Tổng cục Du lịch tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến DN, đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, sát thực được nêu ra.
Song khi chương trình kích cầu được phát động, không ít DN vẫn cho rằng nó quá chung chung và sẽ khó hiệu quả. Nên chăng, mỗi năm trong chương trình kích cầu sẽ chỉ tập trung thực hiện 1-2 việc cụ thể giúp cải tiến ngành du lịch để mang lại hiệu quả thực sự. Và lúc đó kích cầu mới thực sự kích được khách.