Không kích cầu đại trà
PHÓNG VIÊN: - So với lần trước, tính chất và hình thức đợt kích cầu du lịch lần 2 có thay đổi để phù hợp với tình hình mới, thưa ông?
Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH: - Lần kích cầu này khác biệt ở đối tượng (người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam), thông điệp chung và riêng với từng địa phương, sản phẩm định hướng chủ đạo là ngắn ngày, phù hợp nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), golf (một nhánh của du lịch thể thao); phát huy vai trò của các liên minh kích cầu, địa phương trọng điểm du lịch và DN đầu tàu, có cam kết và tính đến các chính sách hoãn hủy linh hoạt.
Mô tả ảnh
Kể từ sau ngày 15-9, các chuyến bay thương mại đã được nối lại, mỗi tuần dự kiến có khoảng 5.000 chuyên gia và người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, sau khi thực hiện đầy đủ cách ly và không nhiễm Covid-19, họ sẽ là đối tượng khách ngành du lịch hướng tới, chưa kể đến số khách đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam dài hạn.
Kích cầu du lịch lần 2 không hướng đến đại trà. Vì vậy, chủ trương lần này cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng, gia tăng giá trị trải nghiệm hướng tới đối tượng khách có khả năng chi tiêu, có quỹ thời gian... Tất nhiên yếu tố giá cả hợp lý vẫn là tiêu chí được các nhà cung cấp hướng tới.
Thông điệp của đợt kích cầu này là “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. An toàn là người kinh doanh, người đón tiếp, người phục vụ phải đảm bảo điều kiện về phương tiện, quy trình, được trang bị đồ bảo hộ cũng như kiến thức để đảm bảo an toàn cho chính mình và du khách. Về thông điệp hấp dẫn, ở đây là sức hấp dẫn từ giá và chất lượng dịch vụ. Khi các liên minh kích cầu hình thành trong chương trình kích cầu đầu tiên có sự kết nối, hợp tác ngày càng chặt chẽ, sản phẩm dịch vụ sẽ có mức giá ngày càng hấp dẫn và chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao hơn.
Đề xuất hỗ trợ DN ngành du lịch
Đề xuất hỗ trợ DN ngành du lịch
- Thưa ông, rất nhiều DN du lịch đã phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Ông có đề xuất chính sách cụ thể gì để giúp họ tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động?
- Thời gian qua, Bộ VH-TT-DL đã ban hành nhiều văn bản đề xuất, kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, như đề xuất giải pháp hỗ trợ (giảm thuế VAT, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách, truyền thông xúc tiến du lịch) để giảm thiểu thiệt hại của ngành du lịch; đề xuất các chính sách hỗ trợ DN du lịch và người lao động; chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hậu Covid-19; chính sách truyền thông, xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường du lịch. Một số loại phí cũng được xét miễn giảm như phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của DN kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài...
Cụ thể, TCDL có Công văn 3406/BVHTTDL-TCDL gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giải pháp cấp bách hỗ trợ DN du lịch, trong đó tập trung đề xuất 4 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp về thuế, phí, giá có đề cập tới việc điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020 và những năm tiếp theo; xem xét cho giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2020, 2021. Về nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động, TCDL đã đề xuất xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với DN và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... Đồng thời tạo thuận lợi hơn về các điều kiện, thủ tục để được nhận hỗ trợ, giúp DN du lịch dễ dàng tiếp cận hơn gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ có đề cập tới việc xem xét chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12-2021, vì hiện DN du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi. Cùng đó giải pháp về chuyển đổi số như xây dựng ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn trên bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn… cũng được chung tay thực hiện. Điều này sẽ giúp các hãng hàng không và DN du lịch thuận tiện trong việc xây dựng kế hoạch bán vé máy bay và phục vụ khách, khách du lịch sẽ thuận tiện chọn điểm đến an toàn cho mình.
- Đợt kích cầu du lịch đầu tiên chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện những trường hợp lừa đảo, gây tác động tiêu cực tới du khách. TCDL có biện pháp gì để ngăn ngừa các hiện tượng này trong đợt kích cầu thứ 2?
- Nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN du lịch, ngay khi xuất hiện những hiện tượng gây ảnh hưởng xấu, TCDL đã có văn bản gửi cho các sở du lịch địa phương về việc xuất hiện tình trạng chất lượng sản phẩm du lịch không đảm bảo, không đúng như cam kết, chưa đảm bảo chất lượng phòng lưu trú; thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách. Trong đợt kích cầu này, TCDL tiếp tục yêu cầu sở du lịch các tỉnh, thành chủ động vào cuộc, rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng.
TCDL cũng yêu cầu các điểm du lịch, khách sạn, vận chuyển khách, nhà hàng và cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch trên địa bàn các tỉnh thực hiện tốt 4 nội dung, như tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch; đảm bảo thông suốt đường dây nóng, trả lời và giải quyết khiếu nại của du khách.
Chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế
Chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế
- Một số nước đã có những chính sách để du lịch quốc tế sớm khởi động trở lại. Ngành du lịch đã chuẩn bị như thế nào việc đón du khách quốc tế trong thời gian tới, thưa ông?
- TCDL đã nghiên cứu xây dựng và đang trình lãnh đạo Bộ VH-TT-DL xem xét, phê duyệt kế hoạch đón khách quốc tế sau khi mở cửa thị trường. Tinh thần chung là ngành du lịch đã, đang và sẽ tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình, trên cơ sở có đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường truyền thông về hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, đang phục hồi mạnh mẽ và đảm bảo điều kiện để đón khách du lịch quốc tế.
Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” đã xác định nhiệm vụ đột phá phát triển du lịch thông minh, như đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối hạ tầng dịch vụ du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch. Triển khai Quyết định 1671/QĐ-TTg ngày 30-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2025”, TCDL đã xây dựng nền tảng số tích hợp nhiều tính năng thiết yếu dành cho cơ quan quản lý nhà nước, DN lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và du khách.
Việc xây dựng và ra mắt ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" sẽ giúp du khách dễ dàng cập nhật độ an toàn, tra cứu thông tin điểm đến, dịch vụ và chính sách. Ứng dụng này tích hợp đầy đủ tính năng nhằm phục vụ yêu cầu của du khách, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước. Người dùng khi sử dụng có thể tra cứu mức độ an toàn tại điểm sắp đến, xem bản đồ số để biết mức độ cảnh báo an toàn, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi...), cập nhật thông tin mới nhất về điểm đến cũng như chính sách của ngành du lịch. Điểm nổi bật của app "Du lịch Việt Nam an toàn" là du khách và đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch có thể trực tiếp tương tác với nhau trên hệ thống để kiểm tra thông tin, mức độ an toàn theo các tiêu chí đã đăng ký.
Thời gian tới, TCDL sẽ phối hợp với các đơn vị để triển khai một số ứng dụng nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch, cụ thể như triển khai Cổng thông tin du lịch thông minh và Tổng đài Du lịch Việt Nam 1039; Nền tảng ứng dụng Du lịch thông minh quốc gia; xây dựng nền tảng công nghệ về Hệ thống du lịch Việt Nam (Việt Nam Travel Platform).
- Xin cảm ơn ông.
- Xin cảm ơn ông.
Việc kích cầu du lịch lần 2 tập trung đẩy mạnh về xúc tiến điểm đến, đặc biệt kết nối các điểm đến mới tạo ra những yếu tố mới. Thông điệp của đợt kích cầu này là “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. |